Sóc Trăng nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

Đồng hành với người dân vượt khó thoát nghèo, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng đang phát triển theo hướng ổn định, đủ năng lực thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách của Nhà nước, gắn với phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Điều này góp phần tạo dấu ấn quan trọng trong công cuộc giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Vay được vốn chính sách, nhiều nông dân nghèo ở Sóc Trăng đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò thịt đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Vay được vốn chính sách, nhiều nông dân nghèo ở Sóc Trăng đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò thịt đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trước thềm năm mới 2022, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng, Trần Duy Đông chia sẻ, năm 2021 là năm đầy khó khăn, thử thách đối với Sóc Trăng bởi đại dịch Covid-19 bùng phát, lan rộng, nhưng với tinh thần chủ động, sáng tạo cùng sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương đã giúp chi nhánh triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch tốt, vừa huy động hiệu quả nguồn vốn chuyển tải kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng. Doanh số cho vay của chi nhánh năm 2021 đạt 1.200 tỷ đồng, với 39.840 khách hàng vay vốn, mức cho vay bình quân đạt 30 triệu đồng/hộ. Chất lượng hoạt động và hiệu quả của các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn ngày càng được cải thiện, giai đoạn 2011-2020, nguồn vốn cân đối từ Trung ương chuyển về Sóc Trăng đạt hơn 3.500 tỷ đồng. Triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đến nay, nguồn vốn địa phương chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đạt 120 tỷ đồng, góp phần giúp nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp thêm nguồn vốn vay phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống. Bên cạnh đó, chi nhánh đã tập trung khai thác các nguồn vốn thị trường, duy trì nhận tiền gửi tiết kiệm qua tổ tiết kiệm và vay vốn, đẩy mạnh huy động tiền gửi dân cư tại các điểm giao dịch xã.

Cùng với việc tập trung huy động nguồn vốn, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù hiệu quả, phù hợp điều kiện thực tế địa phương. Toàn bộ nguồn vốn cho vay được chuyển về 109 điểm giao dịch xã, phường, thị trấn để phân bổ tới 3.176 tổ tiết kiệm và vay vốn tại phum, sóc, ấp, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận đầy đủ, kịp thời với chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Chi nhánh phối hợp chặt chẽ với bốn tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác truyền tải nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Năm 2021, nguồn vốn ủy thác đạt hơn 3.940 tỷ đồng, chiếm 99,87% tổng dư nợ. Các tổ tiết kiệm và vay vốn được củng cố, kiện toàn, bảo đảm đủ ba tiêu chí hoạt động: đủ số thành viên, đủ vốn liếng, tổ trưởng đủ năng lực quản lý kinh tế, thực hiện việc bình xét, đối tượng vay vốn chính sách công khai, dân chủ, hạn chế cho vay sai đối tượng, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.

Từ việc hội tụ được nguồn lực, đổi mới phương thức truyền tải vốn tín dụng chính sách, chi nhánh đã góp phần quan trọng trong công cuộc giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội ở tỉnh Sóc Trăng. Toàn tỉnh có 37.604 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 11,6%. Tỷ lệ giảm nghèo ở Sóc Trăng giảm nhanh nhờ có tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước được Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện. Đơn cử ở thị xã Vĩnh Châu, địa phương có tới 53% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao. Sau khi được thụ hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước (gần 500 tỷ đồng), nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã chủ động phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa, thâm canh đồng ruộng, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đến nay, mức sống của người dân tại các xã, phum, sóc, ấp đặc biệt khó khăn trên địa bàn cơ bản ổn định và từng bước cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,43%.

Không chỉ ở Vĩnh Châu, hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhu cầu, đã được tạo điều kiện tiếp cận với chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu. Điển hình có gia đình chị Thạch Thị Sà Vượt, dân tộc Khmer ở xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành, vốn thuộc diện hộ nghèo. Sau khi vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại chắc chắn để nuôi bò sinh sản kết hợp trồng rau màu trên mảnh đất quanh nhà. Nhờ sản xuất phát triển, kinh tế gia đình khấm khá, chị Vượt đã chủ động làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Có thể nói, hành trình của tín dụng chính sách ở Sóc Trăng tuy gian khó nhưng đã tạo ra những dấu ấn, giúp hàng chục nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có vốn khôi phục sản xuất; hàng nghìn lao động có việc làm; hàng nghìn công trình nước sạch và vệ sinh cho hộ nghèo và đồng bào các dân tộc thiểu số... Sang năm 2022, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, tập trung huy động mọi nguồn lực nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn ưu đãi hiệu quả ■

Bài và ảnh: TRẦN ĐÔNG XINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/soc-trang-nang-cao-hieu-qua-tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-682593/