Sóc Trăng: Không sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần trong các cơ sở giáo dục

Sở GD&ĐT Sóc Trăng vừa có văn bản gửi trưởng phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố; hiệu trưởng các trường THPT trong toàn tỉnh về việc thực hiện phong trào phòng chống rác thải nhựa trong ngành Giáo dục.

Ảnh minh họa/internet

Ảnh minh họa/internet

Theo văn bản này, từ năm học 2019-2020 và các năm học tiếp theo, tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh không sử dụng bao bì ni lông khó phân hủy, nước uống đóng chai, ống hút nhựa, hộp nhựa, các sản phẩm nhựa dùng một lần trong hoạt động hằng ngày tại các cơ quan, trường học và trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn… do cơ quan, trường học tổ chức. Đồng thời, chuyển sang sử dụng các bình chứa nước có dung tích lớn, đồ dùng dễ phân hủy, không gây ô nhiễm môi trường.

Tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong các đơn vị, cộng đồng về nguy cơ ô nhiễm nhựa và túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy; tác hại của chất thải nhựa, túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy đối với môi trường và sức khỏe con người.

Tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa; tìm các giải pháp hữu hiệu nhằm thay thế việc tiêu thụ, sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần trong hoạt động của cơ quan, trường học.

Tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên, sinh viên và học sinh sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường.

Phát huy vai trò của các tổ chức Công đoàn, Đoàn, Đội, Hội, đa dạng hóa các hình thức phổ biến tuyên truyền, giáo dục về nội dung này.

Phát động mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên cần gương mẫu trong việc thay đổi thói quen sử dụng và “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”; có hành động thiết thực nhằm hạn chế việc sử dụng và tiến tới nói không với túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Đồng thời, vận động gia đình, người dân khu vực cư trú hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt để giảm thiểu thải chất thải nhựa ra môi trường. Tăng cường sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông, sử dụng các sản phẩm nhựa có khả năng tái chế, tái sử dụng.

Tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, sinh viên và học sinh lao động vệ sinh trường, lớp, tạo cảnh quan môi trường sư phạm xanh - sạch - đẹp; thực hiện phân loại, thu gom rác thải nhựa có thể tái sử dụng tại cơ quan, trường học để tái sử dụng nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa ra môi trường, sông ngòi, biển...

Tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm để kịp thời chấn chỉnh, xử lý.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/soc-trang-khong-su-dung-do-nhua-dung-1-lan-trong-cac-co-so-giao-duc-4034310-v.html