Sóc Trăng: Hạn chế các tác động xấu đến môi trường trong hoạt động chăn nuôi

Tại Quyết định về bảo vệ môi trường đối với lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản, UBND tỉnh Sóc Trăng đã đề ra hàng loạt các quy định liên quan đến điều kiện về trang trại, khu xử lý chất thải, trách nhiệm của cá nhân, hộ chăn nuôi…

Trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi

Theo Quyết định số 24/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh Sóc Trăng, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động liên quan đến chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh phải tuân thủ quy định của pháp luật về thú y, giống vật nuôi, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi và nuôi trồng.

Khi có nhu cầu thay đổi quy mô trong hoạt động chăn nuôi và nuôi trồng có ảnh hưởng đến môi trường, chủ dự án có trách nhiệm báo cáo với cơ quan nhà nước quản lý về bảo vệ môi trường theo quy định và chỉ được thực hiện những thay đổi khi có sự chấp thuận của cơ quan chức năng.

Ngoài ra, các đối tượng trên phải phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đến môi trường trong hoạt động chăn nuôi và nuôi trồng; khắc phục ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi và nuôi trồng gây ra. Nếu để xảy ra sự cố và suy thoái môi trường phải khắc phục, bồi thường thiệt hại và thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, tùy theo điều kiện, quy mô của dự án chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, chủ cơ sở được lựa chọn biện pháp xử lý, hệ thống xử lý chất thải phù hợp nhưng phải đảm bảo các loại chất thải được xử lý triệt để và đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trước khi thải ra môi trường. Không được xả chất thải trực tiếp, chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường xung quanh làm ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Trong hoạt động chăn nuôi và nuôi trồng có phát sinh chất thải nguy hại, chủ cơ sở có trách nhiệm: Đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại với Sở Tài nguyên và Môi trường; Có biện pháp giảm thiểu phát sinh chất thải nguy hại; Bố trí khu vực lưu giữ chất thải nguy hại; Lưu giữ chất thải nguy hại trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Trường hợp gia súc, gia cầm xảy ra dịch bệnh phải thực hiện xử lý theo quy định của chất thải nguy hại và vệ sinh phòng bệnh; Trường hợp xảy ra dịch bệnh trên thủy sản, sau khi thu hoạch hoặc tiêu hủy phải khử trùng nước trong ao, tẩy trùng, sát khuẩn, xử lý nền đáy, diệt giáp xác và các vật chủ trung gian truyền bệnh trong ao.

Trường hợp bùn thải có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại. Trường hợp bùn thải sau hệ thống xử lý không có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng chất thải nguy hại thì được xử lý theo quy định về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường.

Trang trại chăn nuôi phải cách nơi công cộng ít nhất 100m

Để đảm bảo vệ sinh môi trường, sức khỏe của người dân địa phương, UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm phải xây dựng cách trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt tối thiểu là 100 m; Đồng thời, trang trại chăn nuôi phải có tường hoặc hàng rào bao quanh.

Đối với trang trại chăn nuôi gia súc, đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải phải kín, đảm bảo dễ thoát nước và không trùng với đường thoát nước khác.

Chất thải rắn phải được thu gom hàng ngày và xử lý bằng nhiệt, hóa chất hoặc bằng chế phẩm sinh học phù hợp. Chất thải rắn trước khi thải ra môi trường phải được xử lý đảm bảo vệ sinh dịch tễ theo quy định pháp luật thú y hiện hành; Các chất thải lỏng phải được dẫn trực tiếp từ các chuồng nuôi đến khu xử lý bằng đường thoát riêng. Chất thải lỏng phải được xử lý bằng hóa chất hoặc bằng phương pháp xử lý sinh học phù hợp (như: Hầm ủ, túi ủ biogas, ao sinh học).

Đối với trang trại chăn nuôi gia cầm, khu xử lý chất thải phải đáp ứng các điều kiện như sau: Có đủ diện tích và điều kiện để xử lý chất thải rắn, nước thải và gia cầm chết; Khu xử lý chất thải phải đặt ở cuối trại chăn nuôi và ở địa thế thấp nhất của trại; Có nhà ủ phân, nền được làm bằng nguyên vật liệu chắc chắn, được chia thành các ô; phân gia cầm được thu gom chuyển về nhà chứa; phân được đánh đống ủ theo phương pháp nhiệt sinh học hoặc phương pháp tiêu độc, khử trùng trước khi sử dụng vào mục đích khác…

Riêng đối với rác thải trong sinh hoạt, bao bì của các sản phẩm sử dụng trong cơ sở nuôi trồng thủy sản phải cho vào thùng chứa có nắp đậy và thuê đơn vị có chức năng để thu gom, vận chuyển, xử lý đúng quy định. Trường hợp không có đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý thì cơ sở nuôi trồng thủy sản tự xử lý nhưng phải đảm bảo vệ sinh môi trường.

Phúc Khang

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/van-ban-moi/han-che-cac-tac-dong-xau-den-moi-truong-trong-hoat-dong-chan-nuoi-1261266.html