Sóc Sơn quyết liệt xử lý vi phạm xây dựng

Thực hiện kết luận của Thanh tra TP, Sở TN&MT Hà Nội, từ đầu năm 2019 đến nay, UBND huyện Sóc Sơn đã tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch, kiên quyết xử lý dứt điểm các vi phạm trật tự xây dựng trên đất công, đất nông lâm nghiệp.

Tuyên truyền, khuyến khích tự khắc phục

Giữa tháng 5/2019, nhà hàng Tre Vàng – cụm công trình với quy mô diện tích xây dựng lên tới gần 600m2 của ông Đỗ Ngọc Phụng tại xã Thanh Xuân đã bị lực lượng liên ngành huyện Sóc Sơn tổ chức cưỡng chế. Cụm công trình với hàng chục hạng mục chỉ mới được xây dựng chừng 2 tháng trước thời điểm bị cưỡng chế, đã vi phạm quy định pháp luật vì tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp mà không được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép.

Đây chỉ là một trong tổng số 22 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên đất công, đất nông nghiệp được các đơn vị chức năng huyện Sóc Sơn xử lý từ đầu năm 2019 đến nay. Bên cạnh kiên quyết cưỡng chế các vi phạm, địa phương cũng rất chú trọng đến tuyên truyền, vận động, khuyến khích các hộ có công trình vi phạm tự giác tháo dỡ, khắc phục sai phạm.

 Cưỡng chế xử lý vi phạm của Nhà hàng Tre Vàng tại xã Thanh Xuân. Ảnh: Lâm Nguyễn

Cưỡng chế xử lý vi phạm của Nhà hàng Tre Vàng tại xã Thanh Xuân. Ảnh: Lâm Nguyễn

Điển hình là tại xã Phù Lỗ, nơi có tới 24 công trình vi phạm theo kết luận của Thanh tra Sở TN&MT Hà Nội, đã có 11/24 trường hợp tự giác tháo dỡ các hạng mục xây dựng trái phép. Ông Đoàn Văn Tửu – một hộ có công trình vi phạm trên đất nông nghiệp tại xã Phù Lỗ cho biết, sau khi được địa phương tuyên truyền, gia đình ông đã nhận thức được hành vi sai phạm nên đã tự giác chấp hành việc tháo dỡ, tuân thủ nghiêm quy định pháp luật.

Theo thống kê của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Sóc Sơn, từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện phát sinh 90 vụ vi phạm trật tự xây dựng trên đất công, đất nông nghiệp và xây dựng không phép trên đất ở. Các cơ quan chức năng địa phương đã vào cuộc, xử lý dứt điểm được 60/90 trường hợp. Hiện, đang củng cố hồ sơ để tập trung giải quyết 30 công trình còn tồn đọng.

Không nương nhẹ vi phạm

Ghi nhận thực tế tại huyện Sóc Sơn cho thấy, đối với các vi phạm trên đất công, đất nông nghiệp, việc xử lý khá thuận lợi. Tuy nhiên, việc xử lý các vi phạm đất rừng phòng hộ, đặc dụng trong các năm 2017 – 2018 theo kết luận của Thanh tra TP gặp khá nhiều khó khăn. Đơn cử như tại xã Minh Phú, địa bàn có 20 trường hợp vi phạm đất rừng phát sinh trong hai năm 2017 – 2018.

Dù đến nay, đã có 2/3 số công trình vi phạm được xử lý dứt điểm, nhưng có đến 50% số vi phạm trên phải thực hiện cưỡng chế, do chủ hộ phản đối gay gắt. Trong khi đó tại xã Minh Trí, hàng chục hộ được xác định có công trình vi phạm đất rừng đang... tiếp tục khiếu nại.

Kết quả rà soát mới nhất của UBND huyện Sóc Sơn cho thấy, trong giai đoạn 2017 – 2018, toàn huyện có 68 công trình vi phạm xây dựng trên đất lâm nghiệp. Các cơ quan chức năng địa phương đã xử lý được 34 công trình.

Hiện, còn tồn đọng 34 công trình. Đội phó Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Sóc Sơn Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết, đối với các vi phạm đất rừng, huyện đang chỉ đạo UBND xã Minh Phú tiếp tục củng cố hồ sơ, lên phương án xử lý các vi phạm tồn đọng tại thôn Lâm Trường. Đối với 25 công trình được xác định có vi phạm tại xã Minh Trí, sẽ có kế hoạch xử lý sau khi giải quyết đơn khiếu nại lần 2.

Bà Huyền cho biết thêm, các đơn vị chức năng của huyện đang xây dựng kế hoạch tập trung xử lý dứt điểm 30 vi phạm đất công, đất nông lâm nghiệp còn tồn đọng từ đầu năm, phấn đấu hoàn thành trong quý III/2019. Cùng với tích cực xử lý nghiêm vi phạm, huyện cũng đang tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của cán bộ có liên quan.

“Quan điểm của huyện là xử lý kiên quyết, dứt điểm, không bao che, nương nhẹ đối với các vi phạm, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng” – bà Huyền nhấn mạnh.

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/soc-son-quyet-liet-xu-ly-vi-pham-xay-dung-347934.html