Sốc phản vệ do ong đốt

BS CKII Phạm Thanh Phong – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, sáng 5/2/2021 cho biết, các bác sĩ bệnh viện vừa cứu sống bệnh nhân bị sốc phản vệ suy đa tạng do ong đốt.

22 giờ 30 phút ngày 29/1/2021, em N.L.T, 16 tuổi, huyện Phong Điền – Cần Thơ được tuyến trước chuyển đến với chẩn đoán sốc phản vệ vì ong đốt.

Cùng ngày nhập viện, em T. bị ong đốt vào chân, sau đó nổi mẩn đỏ toàn thân, khó thở, tím tái, mạch nhanh nhẹ, huyết áp không đo được nên đến bệnh viện địa phương cấp cứu được xử trí sốc phản vệ sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị.

Thời điểm nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch nổi mề đay toàn thân, phù mi mắt hai bên, mạch nhanh nhỏ, huyết áp giảm nhanh, khó thở, tím tái, có chỉ định hô hấp hỗ trợ và tiếp tục điều trị theo phác đồ sốc phản vệ.

Sáng 5/2/2021, bệnh nhân đã hồi phục tốt

Sáng 5/2/2021, bệnh nhân đã hồi phục tốt

Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc điều trị trong tình trạng hôn mê, thở máy, tụt huyết áp.

Các chỉ số xét nghiệm suy đa cơ quan, chức năng gan và thận suy giảm, tổn thương cơ tim. Hội chẩn thống nhất chẩn đoán: Choáng phản vệ mức độ nặng nghĩ do ong đốt biến chứng suy đa cơ quan có rối loạn đông máu. Bệnh nhân được điều trị tích cực theo phác đồ sốc phản vệ phối hợp lọc máu liên tục.

Sau thời gian 56 giờ lọc máu liên tục, bệnh nhân đã tỉnh táo, các chỉ số suy tạng cũng dần trở lại giá trị bình thường.

Sáng nay 5/2/2021, bệnh nhân đã tỉnh, sinh hiệu ổn định.

BS.CKII Dương Thiện Phước - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, ong có rất nhiều loài, trong đó ong vò vẽ, ong bắp cày là loài có độc tính cao.

Khi bị ong đốt, các bác sĩ khuyến cáo phải đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất khi có một trong các dấu hiệu sau: Số lượng vết đốt nhiều (trên 10 nốt), bị ong vò vẽ, ong bắp cày, ong mật và một số ong chưa rõ loại ở các vùng rừng núi. Bị đốt vào các vùng mặt, cổ, miệng, họng.

Nạn nhân có các biểu hiện khó chịu như: Đau nhiều, sưng nề nhiều vùng bị đốt, mẩn ngứa, khó thở, mệt nhiều,…Theo các chuyên gia chống độc, nếu bị ong đốt nhiều nốt hoặc bị đốt ở các vị trí như đầu, mặt, cổ: Bị dị ứng với nọc ong, bị sốc hoặc bị nhiễm độc,… có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Vì vậy bên cạnh việc phòng ngừa chúng ta cần biết cách xử trí đúng cách khi bị ong đốt để xử lý kịp thời những dấu hiệu nguy hiểm.

Cách phòng ngừa khả năng bị ong đốt:

Tránh tiếp xúc với ong. Không chọc phá tổ ong.

- Phát hiện sớm tổ ong và phá bỏ nếu ở nơi đông người.

- Không kích động hoặc trêu, làm tổn thương chúng, loài vật này sẽ tiết ra chất báo động đàn ong bay tới.

- Khi đi vào rừng, bạn tránh mặc quần áo sáng màu, màu sặc sỡ.

- Không dùng nước hoa, dầu gội đầu, mỹ phẩm có mùi thơm và ngọt.

- Khi ong bay đến, không chạy, cần đứng hoặc ngồi im và không cử động, ong sẽ không nhìn thấy nữa.

Không nên để hoang nhà cửa khiến ong dễ đến làm tổ, thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà để phòng ngừa ong đến làm tổ.

Sốc phản vệ là tai biến dị ứng nghiêm trọng, gây tử vong nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời. Các triệu chứng xuất hiện nhanh, ngay lập tức hoặc 30 phút sau khi dùng thuốc, thử test, bị ong đốt hoặc sau khi ăn một loại thức ăn lạ. Các đường đưa thuốc vào cơ thể: Tĩnh mạch, tiêm bắp, dưới da, trong da, uống, xông, bôi ngoài da, nhỏ mắt,… đều có thể gây sốc phản vệ.

Sốc phản vệ là một cấp cứu cần được xử trí nhanh, kịp thời vì dễ dẫn đến tử vong do suy hô hấp cấp và tụt huyết áp.

Ngay khi có biểu hiện bất thường sau khi tiếp xúc với dị nguyên như mẩn ngứa, khó thở, đau bụng, nôn, tiêu chảy, tụt huyết áp, choáng váng,... đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Phạm Phong. Ảnh: BVCC

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/soc-phan-ve-do-ong-dot-n186450.html