'Sốc' khi Nhựa Ngọc Nghĩa bán 98% vốn tại Thực phẩm Hồng Phú với giá 810 triệu đồng

Toàn bộ 8,1 triệu cổ phiếu Thực phẩm Hồng Phú do NNG sở hữu, tương đương 98% vốn tại Thực phẩm Hồng Phú được bán cho 1 cá nhân với với giá 810 triệu đồng; đồng nghĩa giá bán chỉ 100 đồng/cổ phần.

Ảnh minh họa.

CTCP Công nghiệp – Dịch vụ - Thương mại Ngọc Nghĩa (NNG) đã có quyết nghị về việc chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của CTCP Thực phẩm Hồng Phú (Hồng Phú) mà NNG đang nắm giữ là 8.100.000 cổ phần cho nhà đầu tư Nguyễn Thăng Tài, với giá chuyển nhượng 810 triệu đồng, ứng với giá chuyển nhượng là 100 đồng/cổ phần. Thời điểm chuyển nhượng là 31/01/2018.

Thực phẩm Hồng Phú được thành lập vào năm 2009, với nhà máy sản xuất nước mắm có quy mô lớn nhất Việt Nam vào thời điểm đó tại Hàm Kiệm, Bình Thuận. Theo giới thiệu, nhà máy nước mắm của Hồng Phú được đầu tư khoảng 20,6 triệu USD.

Năm 2012, Hồng Phú cho ra đời bộ sản phẩm Nước mắm Đặc sản Phan Thiết mang thương hiệu Thái Long. Cùng năm, Hồng Phú tiếp tục tung ra bộ sản phẩm Nước mắm Cao cấp Kabin.

Vào năm 2016, Thực phẩm Hồng Phú ghi nhận mức lỗ gần 73 tỷ đồng (theo NNG).

Báo cáo tài chính quý IV/2017 công ty mẹ NNG cho biết, NNG đầu tư 81 tỷ đồng vào Hồng Phú và nắm giữ 98% công ty này. Đồng thời NNG đã trích lập dự phòng toàn bộ 81 tỷ đồng đã đầu tư vào Hồng Phú từ năm trước.

Liên quan đến các khoản nợ của Hồng Phú với NNG, tại ngày 31/12/2017, NNG còn khoản phải thu Hồng Phú gần 23 tỷ đồng; lãi phải thu từ các khoản cho IMC và Hồng Phú vay là 125,2 tỷ đồng.

Trước đó, tại kỳ Đại hội thường niên năm 2017, NNG trình ĐHĐCĐ và đã chấp thuận thông qua tăng vốn cho CTCP Thực phẩm Hồng Phú từ mức 200 tỷ đồng lên mức 308 tỷ đồng để góp phần giảm chi phí tài chính cho Hồng Phú trong đó, CTCP PET Quốc Tế góp 40 tỷ đồng, CTCP Nắp Toàn Cầu góp 68 tỷ đồng.

Thời điểm đó, trả lời câu hỏi của cổ đông về tình trạng lỗ của Thực phẩm Hồng Phú và nên chăng là chấm dứt hoạt động thay vì tiếp tục mở rộng hoạt động mà không hiệu quả, lãnh đạo NNG cho biết: Mặc dù Thực phẩm Hồng Phú lỗ nhưng giá trị ngày càng gia tăng, ngày càng nhiều nhà đầu tư quan tâm đến công ty.

Thêm vào đó, lãnh đạo của NNG cũng lập luận rằng, đối với ngành thực phẩm giai đoạn đầu thường là lỗ, nhưng khi có lãi thì sẽ lãi rất nhiều do hệ thống phân phối đã được xây dựng ổn định.

NNG cho biết thêm, vào thời điểm quý II/2017, có nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc, Thái Lan đã quan tâm đến công ty Hồng Phú, và khi Hồng Phú kinh doanh ổn định giá trị sẽ rất lớn. Giá trị chính của Hồng Phú nằm ở thương hiệu và hệ thống phân phối.

Tuy nhiên, nay NNG cũng phải bán Hồng Phú, cùng với việc bán đi công ty Thịt Ngon Quốc tế và Thịt ngon Quốc tế La Maison, NNG chính thức “chia tay” với việc sản xuất nước chấm, gia vị và sản xuất thực phẩm tươi sống; chấm dứt "giấc mơ" vượt Masan trong lĩnh vực nước mắm.

HỒNG QUÂN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/soc-khi-nhua-ngoc-nghia-ban-98-von-tai-thuc-pham-hong-phu-voi-gia-810-trieu-dong-3437877.html