Sở Y tế Hà Nội yêu cầu không tăng giá thuốc điều trị sốt xuất huyết

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, trong gần 7 tháng đầu năm 2019, đã có 1.372 ca mắc sốt xuất huyết Dengue và không có trường hợp nào tử vong.

Số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng tại Hà Nội. Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn thành phố có 1372 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue, không có trường hợp tử vong.

Bệnh nhân phân bố ở tất cả 30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện có số mắc cộng dồn cao như: Hà Đông (265); Nam Từ Liêm (111); Cầu Giấy (110); Bắc Từ Liêm (107); Đống Đa (106); Thường Tín (102); Hoàng Mai (100).

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.

Hiện tại còn 10% tổng số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang tiếp tục điều trị tại bệnh viện, 90% đã khỏi

Để chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã chỉ đạo các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tích cực triển khai các hoạt động giám sát dịch, vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh cũng như xử lý ổ dịch. Các đơn vị đã duy trì hoạt động giám sát phát hiện bệnh nhân tại các bệnh viện được phân cấp giám sát và tại cộng đồng; giám sát véc tơ và côn trùng truyền bệnh; giám sát tác nhân gây bệnh.

Tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã tổ chức được 1.018 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy; 95,3% hộ gia đình được kiểm tra, tuyên truyền hướng dẫn diệt bọ gậy; 97,1% khu vực khác được kiểm tra.

Ngày 24/7, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc ngành, cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn thành phố cung ứng đủ thuốc cho việc phòng và điều trị bệnh sốt xuất huyết.

Các loại chai, lọ tồn đọng nước mưa là môi trường thuận lợi để bọ gậy phát triển.

Sở Y tế Hà Nội đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh chủ động đề xuất phương án cung ứng thuốc, liên hệ với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và chuẩn bị sẵn sàng cơ số phòng chống dịch.

Đặc biệt, thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình bệnh dịch sốt xuất huyết để phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại cơ sở khám chữa bệnh, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc.

Sở Y tế Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh đến việc các cơ sở khám chữa bệnh không để thiếu thuốc cho công tác khám chữa bệnh, điều trị sốt xuất huyết và các bệnh có thể phát sinh sau mùa mưa bão, lũ lụt trên địa bàn thành phố.

Với các cơ sở kinh doanh thuốc, Sở Y tế yêu cầu chuẩn bị nguồn thuốc có chất lượng, giá thành hợp lý để ưu tiên cung ứng kịp thời, đầy đủ cho nhu cầu phòng chống dịch bệnh và điều trị cho người dân mắc bệnh dịch.

Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 96.002 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 7 trường hợp tử vong.

Các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết được ghi nhận tại tỉnh Bình Phước, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Bình, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương. So với cùng kỳ năm 2018 (30.263 trường hợp mắc/9 trường hợp tử vong) số mắc tăng 3,2 lần.

15 tỉnh, thành phố có số mắc/100.000 dân cao nhất cả nước là: Khánh Hòa (541,5), Đà Nẵng (343,7), Đắc Nông (342,1), Bà Rịa-Vũng Tàu (317,5), Phú Yên (295,4), Bình Phước (285,3), TP Hồ Chí Minh (274,6), Bình Định (259,1), Bình Dương (234,8), Gia Lai (226,8), Đắc Lắc (224,7), Đồng Nai (193,4), Quảng Bình (182,9), Ninh Thuận (142,4), Bình Thuận (135,6).

Hà Nội xếp thứ 36 trong cả nước về các địa phương có tỉ lệ mắc sốt xuất huyết.

Huyền Trần

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/so-y-te-ha-noi-yeu-cau-khong-tang-gia-thuoc-dieu-tri-sot-xuat-huyet-83295.html