Số vụ việc được trợ giúp pháp lý tại Hà Nội tăng mạnh

Đó là đánh giá của Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2020; tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật 6 tháng đầu năm 2020, do UBND thành phố Hà Nội tổ chức sáng 28-7. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn dự.

Trao thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác tuyên truyền, phổ biến và chấp hành pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19.

Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội Tống Thị Thanh Nam cho biết, sau khi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 được ban hành, Hà Nội có thêm cơ sở, nguồn lực đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý. Nếu số lượng vụ việc tham gia tố tụng năm 2018 là 567 vụ, thì năm 2019 là 612 vụ và 6 tháng đầu năm 2020 là 466 vụ. Tỷ lệ trợ giúp viên pháp lý hoàn thành chỉ tiêu tham gia vụ việc tố tụng tăng từ 50% lên 94,9% qua các năm. Hà Nội cũng thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thực hiện trợ giúp pháp lý theo hướng chuyên sâu nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng tranh tụng. Nhờ đó, trợ giúp viên pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý tăng cả về số lượng, chất lượng và đa dạng hóa về tội danh.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đánh giá Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn Hà Nội cơ bản bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của người dân, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Song, trên thực tế, vẫn còn nhiều người chưa biết đến hoạt động trợ giúp pháp lý.

"Chức danh trợ giúp viên pháp lý còn rất mới trong nhận thức của người dân, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế về người thực hiện trợ giúp pháp lý phải là luật sư, dẫn đến sự nhìn nhận khác nhau giữa trợ giúp viên pháp lý và luật sư", bà Tống Thị Thanh Nam lý giải.

Nhân dịp này, UBND thành phố Hà Nội đã khen thưởng 36 tập thể, 38 cá nhân có thành tích trong công tác tuyên truyền, phổ biến và chấp hành pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn đánh giá, Hà Nội đã chủ động tuyên truyền phòng, chống dịch rất kịp thời. Các cơ quan thông tấn, báo chí Thủ đô, tiêu biểu là Báo Hànôịmới, đã đóng góp rất lớn với nhiều tác phẩm chất lượng trong thời gian qua.

Để thực hiện tốt mục tiêu kép, tiếp tục chống dịch hiệu quả, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đồng chí Lê Hồng Sơn đề nghị các cấp, các ngành trước hết làm tốt hơn nữa công tác truyền thông, góp phần giữ vững thành quả đã đạt được, đồng thời, lan tỏa, nhân rộng mô hình chống dịch tốt, doanh nghiệp tốt, làm ăn hiệu quả, góp phần đưa nền kinh tế phát triển mạnh, tuyệt đối không để xảy ra làn sóng thứ hai lây nhiễm dịch trên địa bàn Hà Nội.

Ban tổ chức nhận bài dự thi từ nay đến ngày 10-10-2020.

Hà Phong

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/974019/so-vu-viec-duoc-tro-giup-phap-ly-tai-ha-noi-tang-manh