Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa: Dấu hiệu 'không trong sáng' trong công văn 1799

Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa đã làm doanh nghiệp bức xúc bởi công văn 1799/STP-TTĐG gửi Chủ tịch UBND tỉnh lựa chọn 'độc quyền' Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tổ chức đấu giá QSDĐ có giá trị lớn.

Cụ thể, ngày 29/10/2019, Sở Tư pháp Thanh Hóa có Công văn số 1799/STP-TTĐG, về việc đề xuất giao Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản đấu giá quyền sử dụng đất (QSDD) có giá trị lớn trên địa bàn tỉnh.

Một văn bản có cố ý làm trái luật?

Theo đó, tại công văn số 1799/STP-TTĐG có nêu rõ: “Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa là đơn vị sự nghiệp công lập có thu, tự bảo đảm một phần chi thường xuyên. Hàng năm, ngân sách nhà nước vẫn phải cấp hơn 50% kinh phí cho hoạt động của Trung tâm. Để tăng nguồn thu cho Trung tâm, đảm bảo lộ trình theo đề án tự chủ đến năm 2021… đồng thời, tổ chức đấu giá QSDĐ chặt chẽ, đúng pháp luật, có hiệu quả, tăng thu cho ngân sách, Sở Tư pháp đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa quan tâm, chỉ đạo Chủ tịch các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh lựa chọn Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa tổ chức đấu giá QSDĐ các dự án lớn trên địa bàn tỉnh. Cụ thể: Dự án đấu giá QSDĐ do UBND tỉnh phê duyệt có tổng giá trị khởi điểm từ 50 tỷ đồng trở lên; Dự án đấu giá QSDĐ do UBND huyện phê duyệt có tổng giá trị khởi điểm từ 10 tỷ đồng trở lên…”.

Công văn số 1799/STP-TTĐG của Sở Tư Pháp được xem làm trái luật đấu giá gửi Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa

Công văn số 1799/STP-TTĐG của Sở Tư Pháp được xem làm trái luật đấu giá gửi Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa

Theo đó, ngày 11/11/2019 UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản số 15330/UBND-KTTC gửi Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh giao nghiên cứu đề nghị của Sở Tư pháp tại văn bản nêu trên; có ý kiến tham mưu đề xuất, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trước ngày 29/11/2019.

Sau đó, ngày 15/11/2019, Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa có Văn bản số 7076/STNMT-TCKH gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; UBND thành phố; Trung tâm phát triển quỹ đất Thanh Hóa, tham vấn ý kiến làm cơ sở giải quyết đề nghị của Sở tư pháp về đề xuất giao Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản thực hiện đấu giá QSDD có giá trị lớn.

Nội dung Văn bản nêu rõ: Văn bản tham gia ý kiến đề nghị nêu rõ quan điểm đồng ý hay không đồng ý và gửi về Sở TNMT trước ngày 21/11/2019. Sau thời hạn trên, nếu Quý cơ quan không có Văn bản tham gia ý kiến xem như đồng ý với đề nghị của Sở Tư pháp và phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Nhưng tại Luật Đấu giá tài sản số 01/2017/QH14 thể hiện rất rõ về vấn đề này.

Cụ thể, tại Mục 2, Chương 2: Tổ chức đấu giá tài sản quy định bao gồm; Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và doanh nghiệp đấu giá tài sản. Như vậy, Trung tâm và doanh nghiệp đấu giá tài sản hoàn toàn hoạt động bình đẳng với nhau theo đúng Pháp luật.

Điều 56, về lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản quy định, người có tài sản đấu giá lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo các tiêu chí cụ thể tại khoản 4 điều này. Theo đó, các tổ chức đấu giá tài sản bình đẳng với nhau, đều có quyền làm hồ sơ đăng ký tham gia tổ chức đấu giá, tổ chức nào có đầy đủ các tiêu chí phù hợp, đảm bảo và cạnh tranh sẽ được lựa chọn.

Điểm đ, Khoản 1, Điều 79 về trách nhiệm của UBND tỉnh: Xem xét, phê duyệt đề án thực hiện cơ chế tự chủ đói với Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản, đề án chuyển đổi Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thành doanh nghiệp trong trường hợp không cần thiết duy trì Trung tâm, đề án giải thể Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản trong trường hợp không có khả năng chuyển đổi Trung tâm thành doanh nghiệp sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tư pháp.

Như vậy, nếu xét theo nội dung của 02 Công văn 1799/STP-TTĐG; 7076/STNMT-TCKH, phải chăng đang đi ngược với chủ trương của xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa trong lĩnh vực đấu giá tài sản, gây cản trở, tạo sự không bình đẳng trước Pháp luật. thu hẹp phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp đấu giá tài sản tại Thanh Hóa?

Doanh nghiệp bức xúc

Sau khi nhận được những công văn 1799/STP-TTĐG của Sở Tư Pháp và công văn 7076/STNMT-TCKH của Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa các doanh nghiệp đấu giá tài sản tại Thanh Hóa như “ngồi trên đống lửa”, họ vô cùng bất bình và bức xúc. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, văn bản của Sở Tư pháp có dấu hiệu “lợi ích nhóm”.

Trao đổi với phóng viên, đại diện một doanh nghiệp đấu giá tài sản tại Thanh Hóa cho biết: Theo nội dung công văn của Sở Tư pháp thì chúng tôi cho rằng đã đi ngược với chủ trương xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa trong lĩnh vực đấu giá tài sản, gây cản trở, tạo sự không bình đẳng trước pháp luật, thu hẹp phạm vi hoạt động hợp pháp của các doanh nghiệp đấu giá tài sản. Trong Công văn 1799, Sở Tư pháp nhận định, đánh giá Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa dựa vào các tiêu chí thời gian hoạt động, số hợp đồng đấu giá để so sánh với các doanh nghiệp đấu giá là không công bằng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đấu giá thành lập sau nhưng hoạt động rất chuyên nghiệp và hiệu quả, và trên thực tế đã tạo được uy tín đối với các huyện, thị xã, thành phố…

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã trao đổi với lãnh đạo Sở Tư Pháp tỉnh Thanh Hóa.

Thay mặt lãnh đạo Sở Tư Pháp, Phó Chánh văn phòng Sở cho biết: "Công văn có nội dung không áp đặt mà chỉ là đề xuất UBND tỉnh trên cơ sở quá trình hoạt động của Trung tâm đấu giá tài sản Thanh Hóa có uy tín, thương hiệu trước đó với mục đích tài sản được đấu giá cao nhất và thu về cho ngân sách Nhà nước cao nhất chứ không có tư lợi hay lợi ích nhóm gì ở đây cả".

Qua tìm hiểu được biết, Trung tâm đấu giá tài sản Thanh Hóa năm 2018 trong kết luận của Thanh Tra dính hàng loạt các sai phạm nhưng lại được Sở Tư Pháp tỉnh Thanh Hóa tham mưu văn bản chỉ đạo “độc quyền” trong đấu giá QSDĐ giá trị lớn. Vậy cơ sở nào để có văn bản trên?

Báo DĐDN sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

Kiều Phiên

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/so-tu-phap-tinh-thanh-hoa-dau-hieu-khong-trong-sang-trong-cong-van-1799-162619.html