Sở Thùng, xóm cờ bạc thay da đổi thịt

Nhắc đến đất dữ Sài Gòn năm xưa, không thể không nói tới Sở Thùng. Vùng đất dữ năm nào, giờ đang 'sở hữu' cung đường đẹp nhất Sài Gòn.

Chúng tôi đã hỏi rất nhiều người nhưng chẳng ai nhớ nổi cái tên Sở Thùng có tự bao giờ. Chỉ biết đây vốn là địa danh nằm giáp ranh giữa phường 11, quận Bình Thạnh với quận Gò Vấp. Nơi này trước kia là vùng đất hoang vu, có nhiều ao hồ, đầm lầy, nên trở thành điểm lý tưởng để các nhóm dân anh chị tìm về đây trú ngụ. Đi xe ôm đường dài, đường xa người ta chẳng ngán, nhưng nghe gọi về Sở Thùng thì những người gan dạ cũng phải chùn chân.

Tại sao gọi “Sở Thùng”?

Những bậc cao niên sống tại khu Sở Thùng kể lại rằng, vùng đất này trước năm 1975 là bô rác khổng lồ, nơi tập trung rác thải của Sài Gòn. Từ con đường Phan Văn Trị chạy dọc xuống mé rạch Lăng là cả một bãi rác thênh thang.

Sở Thùng ngày trước chỉ toàn rác, sình lầy, ruồi muỗi. Người dân sống bằng nghề lượm ve chai, nhặt rác là chính. Ảnh: Tư liệu

Sở Thùng ngày trước chỉ toàn rác, sình lầy, ruồi muỗi. Người dân sống bằng nghề lượm ve chai, nhặt rác là chính. Ảnh: Tư liệu

Bà Sáu (70 tuổi), đã có hơn 40 năm sống ở khu Sở Thùng bảo những năm 1960, người dân ở xứ này đều mưu sinh trên bãi rác. Thời đó người dân ở đây chia ra làm hai nhánh, một nhánh đi gom rác sinh hoạt của người dân thành phố, nhóm còn lại đi lượm ve chai. “Hồi xưa ở đây chỉ có rác với rác không thôi. Rác cao hơn cả nhà, ăn cơm chung với rác với ruồi là chuyện bình thường”, bà Sáu nhớ lại.

Anh Hiền, gốc miền Tây lên đây sống đã được 20 năm kể lại, trước năm 1975, đây đã là cái nôi của những người gom rác, ai đến ở khu này cũng đều trải qua một lần đi làm rác… vì không còn biết làm gì để mưu sinh. Cũng chính vì thế mà cái tên Sở Thùng ra đời từ đó.

“Người ta đổ rác vào những thùng lớn rồi đưa đi, khu này lại là nơi tập kết rác lớn nhất của Sài Gòn lúc đó nên họ mới kêu là ‘Sở’. Ghép hai chữ lại thì kêu là ‘Sở Thùng’”, cô Sáu lý giải về cái tên của xóm lao động nghèo.

Nhưng cũng có người lại lý giải khác. “Không phải thùng rác đâu. Nói đừng cười nhen, ngày xưa đâu có nhà vệ sinh như bây giờ, toàn đi trong thùng. Rồi người dân từ Củ Chi, Hóc Môn,… đi xe bò lộc cộc lên đây chở từng thùng vậy mang về trồng trọt. Nên gọi là Sở Thùng. Ngày xưa ở đây là cánh đồng hoang, không có nhà cửa gì đâu, người ta kêu khu ổ chuột là biết rồi. Nhớ hồi ông già mất còn phải cầm ô đứng che quan tài mà. Dòi nhiều con nào con nấy bự lắm, rồi ruồi muỗi. Đường thì toàn đường đấ”, bà Hoa, một người dân sống lâu năm ở đây chia sẻ.

“Luật rừng” ở Sở Thùng

“Biết điều, không nghe, không biết, không thấy” là những quy tắc được bà Hoa và nhiều người dân Sở Thùng năm xưa dặn dò nhau để sống được ở mảnh đất này. Bà Hoa năm nay đã 61 tuổi, cũng là chừng ấy thời gian bà gắn bó với mảnh đất Sở Thùng.

Sống trọn cả đời người ở mảnh đất này, chứng kiến bao thăng trầm, thay đổi, bà bảo người dân Sở Thùng cũng như bao người dân ở các vùng miền khác. “Ở đâu cũng có người này, người kia, có đàn anh đàn chị, vô đây mà láo, kênh kênh, láu cá… mới bị uýnh thôi. Tui sống đến 61 tuổi rồi, vẫn bình thường mà, có gì đâu trời. Đồn bậy đồn bạ”, bà kể chuyện.

Khi cuộc nói chuyện đã thân tình hơn, chúng tôi hỏi nhỏ, ngày xưa dì đánh ai bao giờ chưa, bà gật đầu: “Có chớ. Công an mới bắt dì Hoa có 7, 8 lần, ba bảo lãnh dì về nè. Có bữa, con bán hàng bên nhiều chuyện, dì bảo làm nói gì cho đúng, đừng làm sai. Nó ỷ nhà nó đông, nhào vô, dì há miệng dì cắn cho phát vào miệng, rồi thó cùi chỏ cho nó sưng hai mắt luôn. Cái chỗ cắn ở miệng, nghe đâu may mất gần chục mũi. Giờ dì có con cháu rồi, già rồi, nên tu rồi. Nhưng già thì già thế chứ, ta đi ra đường, người nào đàng hoàng thì mình đàng hoàng, cà chớn thì mình đáp lại thôi”. Đó không chỉ là cách giải quyết của bà Hoa mà còn của rất nhiều người dân Sở Thùng năm ấy. Chưa kể, những băng nhóm kéo về cát cứ, tranh giành địa bàn làm ăn, đâm chém, giải quyết bằng nắm đấm như cơm bữa.

Phiên sơ thẩm vụ án tổ chức đánh bạc do Nguyễn Hoàng Kiệt (SN 1972, tự Cu Đĩ, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cầm đầu. Ảnh: PLO.

Rồi bài bạc. “Dân Sở Thùng mà, không biết bài bạc sao mậy? Ngày trước công khai, thoải mái, giờ đỡ nhiều rồi, có cũng chỉ rón rén thôi”, bà Hoa kể chuyện. Người ta vẫn truyền tai nhau câu chuyện của Nguyễn Hoàng Kiệt, tự cu Đĩ. Tham gia băng trộm từ khi mới 14, 15 tuổi, Kiệt là dân giang hồ có máu mặt, từng có nhiều tiền án, tiền sự. Lần bắt sau này, Kiệt được xét nghiệm bị AIDS nên được đặc xá miễn chấp hành hình phạt tù.

Trở về tuyên bố "gác kiếm" vì bệnh AIDS, Kiệt quyết tâm hoàn lương, chuyển sang nghề nuôi heo và xây một nhà tang lễ trên khu đất nằm dưới chân cầu Rạch Lăng làm nơi khâm liệm cho những người chết vì bệnh AIDS, có hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo. Ai cũng nghĩ Kiệt đã thực sự thay tâm đổi tính. Tất cả vỡ mộng khi một ngày, gần hai trăm cảnh sát đột kích, dùng kềm cộng lực phá khóa cổng, nổ súng trấn áp. Tại hiện trường, công an thu giữ nhiều mã tấu và kiếm Nhật, 4.000 USD, hơn 125 triệu đồng, 60 điện thoại, gần 80 xe máy và nhiều dụng cụ phục vụ sòng bạc. Té ra đây chỉ là vỏ bọc, mảnh đất rộng 2.000 m2 với những con đường ngoằn ngoèo, hiểm hóc lại chính là sòng bạc khủng của Kiệt và đồng bọn.

Thấy nhiều chuyện trái tai gai mắt là vậy nhưng người dân chẳng ai dám lên tiếng vì sợ bị vạ lây. Họ đành chấp nhận sống chung với “thế giới ngầm”, không nghe, không thấy và không đụng chạm gì đến thế giới đó.

Sở Thùng “thay da đổi thịt”

Người dân Sở Thùng nói rằng, diện mạo mảnh đất này thay đổi kể từ khi đại lộ Phạm Văn Đồng được xây dựng và đi vào hoạt động.

Mảnh đất giang hồ năm xưa nay khoác lên một tấm áo mới. Vùng đất Sở Thùng ngày nào với quang cảnh nhếch nhác, đường toàn sình lầy, nhà lá ọp ẹp đầy rác và ruồi muỗi nay đã không còn. Thay vào đó là hình ảnh của những ngôi nhà khang trang hơn, lối đi vào trải nhựa, tráng xi măng sạch sẽ, đời sống cũng trở nên tiện nghi và văn minh hơn.

Vẫn còn một vài hộ dân ở đây sống bằng nghề rác, nhưng với họ môi trường sống ở đây đã trong lành và tốt hơn xưa. ẢNH: THANH TUYỀN.

“Nạn mất cắp là dường như không còn luôn đó. Người dân thì có kế sinh nhai khác, nhiều người dời đi theo diện giải tỏa, người thì đi kiếm việc mới để làm. Dần dần mọi thứ thay đổi, con đường đi nay đã sạch sẽ và thoáng mát hơn nhiều”, vừa nói, cô Sáu vừa chỉ tay ra hướng đường và nói.

Anh Hiền thì cho biết thêm, khu nghĩa địa, đất hoang trước kia giờ đã thành nhà cửa, trường học. Nạn buôn bán, hút chích ma túy, mại dâm ở đây gần như không còn. “Con cái, cháu chắt trong nhà tôi thì được đến trường chứ không lêu lổng rồi vướng vào tệ nạn như trước. Dù cuộc sống còn nhiều vất vả, gia đình tôi vẫn phải đi làm rác rồi đi thu gom đồ ve chai về để bán nhưng môi trường sống thì đã trong lành và tốt hơn nhiều rồi”, anh Hiền tâm sự.

Cái tên Sở Thùng giờ đây không còn khiến người ta liên tưởng đến những ụ rác lớn, những tay giang hồ với thế giới đầy biến động, đâm chém nhau mỗi ngày. Nhắc tới Sở Thùng bây giờ, người ta nghĩ ngay đến những ngôi nhà nằm kế ngay đại lộ Phạm Văn Đồng- một trong những đại lộ đẹp nhất Sài Gòn hiện nay.

THANH TUYỀN-NGUYỄN TRÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/so-thung-xom-co-bac-thay-da-doi-thit-830433.html