Sơ thẩm vụ 'lừa đảo chiếm đoạt tài sản' ở Bắc Ninh: Nhận tiền 'bảo kê' xe quá tải là chuyện 'giúp đỡ' tài xế

Ngày 6/11, TAND tỉnh Bắc Ninh tiếp tục phiên xử 6 bị cáo liên quan đến vụ án tự nhận quen Cảnh sát giao thông (CSGT), Thanh tra giao thông (TTGT) để lừa đảo chiếm đoạt tiền dưới hình thức 'bảo kê' cho lái xe chạy qua địa phận 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.

Toàn cảnh phiên tòa

Toàn cảnh phiên tòa

Quá trình xét hỏi, bị cáo Phạm Văn Phương (ở Cầu Giấy, Hà Nội- Giám đốc Cty CP xây dựng và thương mại PNV) khai có quen biết với một số CSGT và được họ “gợi ý” đứng ra bảo kê cho các xe đi qua Bắc Ninh, Bắc Giang. Sau đó, bị cáo chỉ đạo hai nhân viên là Phùng Đức Ngọc và Lê Văn Hiếu thu tiền “bảo kê” hàng tháng của các nhà xe.

Tuy nhiên, Phương không thừa nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của các nhà xe như nội dung cáo trạng bởi quen các nhà xe là tự nguyện giúp đỡ nên không có chuyện lừa dối họ. Hành vi này chỉ là môi giới hối lộ.

Trong khi đó, bị cáo Ngọc khai chưa bao giờ trực tiếp đưa tiền cho CSGT mà sau khi thu tiền của lái xe, nhà xe thì đưa cho Phương. Các nhà xe đều tự nguyện đưa tiền mà không bị dọa dẫm, ép buộc gì.

Về số tiền thu được, Phương khai có đưa cho CSGT, cứ cuối tháng là đến “cảm ơn” CSGT, nhiều thì khoảng từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng (tuy nhiên, việc này “không có chứng cứ”). Nhờ đó, trong thời gian khoảng 3 tháng, Phương đã “giải cứu” hàng trăm chiếc xe vi phạm chỉ bằng những cú điện thoại. Theo Phương, nếu những xe đã nộp tiền “bảo kê” mà bị phạt thì anh ta sẽ trả tiền phạt cho họ.

Tuy nhiên, tất cả các CSGT được triệu tập tới tòa đều không thừa nhận việc cầm tiền “bảo kê” từ Phương. Lý giải về việc, hồ sơ vụ án thể hiện các bị cáo Phương, Ngọc từng gọi cho các CSGT hàng trăm cuộc, các CSGT cho biết: Phương từng nhiều lần gọi điện mời họ ăn uống, hỏi thăm sức khỏe rồi nhờ can thiệp không xử lý xe vi phạm nhưng họ từ chối.

Chuyển sang phần tranh luận, Kiểm sát viên (KSV) đề nghị HĐXX TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên phạt Phương từ 13-14 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ 2 đến 7 năm tù về tội Môi giới hối lộ hoặc Đưa hối lộ. Theo KSV, Phương đã tự giới thiệu là quen biết CSGT, TTGT tại Bắc Ninh và Bắc Giang để những người có xe quá tải nộp tiền “bảo kê”. Trong vụ án này, Phương phải chịu trách nhiệm về số tiền hơn 1,6 tỷ đồng.

Các bị cáo Ngọc và Hiếu không biết việc Phương lừa đảo, nghĩ Phương có thể “bảo kê” các xe quá tải nên đi thu tiền giúp Phương tức ý chí chủ quan của các bị cáo là có thể hối lộ cơ quan chức năng. Do đó, hành vi của họ phạm vào tội Môi giới hối lộ. Các bị cáo còn lại có ý thức đưa tiền cho Ngọc và Hiếu để chuyển tới CSGT nhưng bị Phương lừa đảo nên phạm vào tội Đưa hối lộ.

Hồng Mây

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/xet-xu/so-tham-vu-lua-dao-chiem-doat-tai-san-o-bac-ninh-nhan-tien-bao-ke-xe-qua-tai-la-chuyen-giup-do-tai-xe-422103.html