Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 46]

Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền văn học Pháp thời Trung cổ nổi tiếng.

Nhà viết tiểu thuyết và truyện Saint Exupéry Antoine de

Nhà viết tiểu thuyết và truyện Saint Exupéry Antoine de

Saint Exupéry Antoine de (1900-1944) là nhà viết tiểu thuyết và truyện về lái máy bay (ý nghĩa của hành động và đạo lý trong xã hội kỹ thuật).

Tác phẩm chính: Đường bay phương Nam (Courrier Sud, 1927), Bay đêm (Vol de Nuit, 1931), Đất của con người (Terre des Homme, 1939), Phi công chiến đấu (Pilote de Guerre, 1942), Thành trì (Citadelle, 1948, luận văn), Chú bé hoàng tử (Le Petit Prince, 1943).

Bay đêm là cuốn tiểu thuyết (tựa của Gide, Giải thưởng Fémina 1931 - Giải Văn học Pháp thành lập năm 1904 bởi 22 nữ cộng sự viên của tạp chí La Vie Heureuse, do Anna de Noaille lãnh đạo, nhằm tạo ra một giải thưởng khác đối lập với giải Goncourt mà trên thực tế là dành cho nam giới), ca ngợi sự dũng cảm âm thầm của những phi công theo một kỷ luật sắt để mở đường bay Pháp-Nam Mỹ.

Sách viết khi tác giả chỉ huy Hàng không Bưu chính Argentine. Tác phẩm chinh phục người đọc nhờ những suy nghĩ chân thật về lý tưởng của Saint Exupéry.

Tác giả quan niệm, muốn vượt lên trên các hệ tư tưởng đối lập nhau, sách vở, logic phải hành động, dù là âm thầm; hành động gắn bó con người với cộng đồng và đóng góp vào một công việc hữu ích. Cốt truyện Bay đêm rất đơn giản, hành động bên ngoài chỉ là cái cớ, tất cả diễn biến nội tâm như trong một vở bi kịch cổ điển. Tất cả hành động tập trung vào sự chờ đợi lo âu ba chiếc máy bay bưu chính bay từ ba nơi về Buenos Aires.

Giám đốc Rivìere là con người thép, ông vừa sa thải thợ máy thân cận chỉ vì một lỗi kỹ thuật nhỏ. Chiếc máy bay đầu hạ cánh sau khi vượt được cuồng phong. Chiếc thứ hai do Fabien lái đang phải đương đầu với trận cuồng phong, các đài mất tin, vợ của Fabien cuống cuồng gọi điện, Rivìere không tài nào làm cho chị bình tĩnh. Thời gian trôi, chiếc máy bay thứ ba không gặp bão đã hạ cánh. Fabien sẽ không trở về.

Đất của con người là tập truyện gợi lại những kỷ niệm của nghề bay, những đồng nghiệp đã hy sinh, như Mermoz, những gian khổ khi bắt buộc phải hạ cánh xuống giữa sa mạc mênh mông, chiến tranh Tây Ban Nha, chuyến bay bi đát Paris-Sài Gòn...

Những suy nghĩ của tác giả đã mang lại chiều sâu siêu hình cho chuyện kể “Máy bay không phải là mục đích. Nó là công cụ, công cụ như cái cày chẳng hạn”. Máy bay khiến cho ta khám phá ra bộ mặt thật của hành tinh con người. Máy bay còn giúp cho con người biết được những giới hạn và sức mạnh của mình; lái máy bay, một nghề vĩ đại nối liền con người với con người. Cũng như trong Bay đêm, tác giả suy nghĩ về ý nghĩa cuộc đời, số phận của loài người luôn luôn bị đe dọa mà lại mong cái cao cả đến cho Đất của con người.

Chú bé hoàng tử là truyện viết cho trẻ em, tươi mát mà thâm thúy, chất thơ huyền diệu quyện với những tư tưởng sâu sắc, do đó người lớn cũng thích đọc. Những biểu tượng nêu trên, theo một số nhà phê bình, không thật rõ ý và nó là một điều hay. Tác giả đề cao tình yêu, tình người với giọng kể ấm áp, thân mật như thủ thỉ với những tâm hồn cô đơn mà rộng mở.

Chuyện kể một phi công do máy bay hỏng phải hạ cánh xuống sa mạc Sahara. Một cậu bé lạ lùng xuất hiện, cậu ở một mình một hành tinh nhỏ xíu có ba ngọn núi lửa. Cậu bỏ đi theo đàn chim di trú để khỏi cãi cọ với Bông Hồng cậu yêu. Bông Hồng tự hào về sắc đẹp nhưng cảm thấy yếu đuối, muốn làm cao với cậu.

Cậu đi sáu hành tinh, gặp một ông vua, một kẻ khoe khoang, một nhà kinh doanh, một người thắp đèn phố, một nhà địa lý, cậu ngạc nhiên về hoạt động của họ. Cậu thấy ở dải đất có một vười hoa hồng, cậu hơi buồn vì tưởng vũ trụ chỉ có một Bông Hồng. Cậu gặp con Cáo; Cáo nài cậu thuần hóa nó, để nó có thể thành bạn. Như vậy là Bông Hồng đã thuần dưỡng cậu, cậu nhớ Hồng và vội về hành tinh của mình. Cậu bị rắn độc cắn, ngất đi trong đêm tối. Cậu đã là người bạn nhỏ củaphi công.

* * *

Nhà văn Saint-Pierre Bernadin.

Saint-Pierre Bernadin (1739-1814) là nhà văn ca ngợi sống với thiên nhiên.

Tác phẩm chính: Paul et Virginie (1787).

Paul et Virginie là cuốn tiểu thuyết - tập cuối của bộ sách bốn tập: Nghiên cứu thiên nhiên (Etudes de la Nature). Là bạn và đồ đệ của Rousseau, Saint - Pierre chống lại những người vô thần bằng cách chứng minh là đấng Thiên hựu luôn luôn chăm sóc con người, sắp xếp vũ trụ cho phù hợp với con người.

Phần tả cảnh thiên nhiên trong truyện cho đến nay vẫn có giá trị văn học. Chuyện xảy ra ở đảo Ile de France tại Ấn Độ Dương: có hai gia đình rất thân nhau, một bà góa trẻ có con gái là Virginie, còn bạn bà có cậu con trai là Paul. Hai trẻ quấn quýt nhau từ bé.

Paul thích trồng cây quả, Virginie thích nuôi chim. Năm 15 tuổi, Virginie biết yêu thì bà mẹ cô gọi về Pháp.

Khi Virginie từ biệt Paul, hai người tỏ tình với nhau. Paul cố học cho quên nỗi buồn. Một năm rưỡi sau mới có thư Virginie báo là Virginie rất buồn tuy sống trong cảnh giàu sang. Virginie không được hưởng gia tài nên trở về nhà. Nhưng khi tàu cập bến thì gặp bão nên bị chìm. Paul cố cứu Virginie nhưng không được, anh được đưa lên bờ thì bất tỉnh. Hai tháng sau, Paul chết vì quá buồn. Hai người được chôn cạnh nhau.

HỮU NGỌC

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/so-tay-van-hoa-dong-tay-mot-thoang-van-hoc-phap-ky-46-205330.html