Sợ tàn sát, nhiều con voi 'hết dám mọc ngà'

Theo một nghiên cứu, loài voi đang tiến hóa tới dạng không mọc ngà sau nhiều năm bị săn lấy ngà.

Gần 90% đàn voi châu Phi ở Công viên Quốc gia Gorongosa ở Mozambique đã bị sát hại lấy ngà để phục vụ việc mua vũ khí trong cuộc nội chiến ở nước này.

Tuy nhiên, một cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy khoảng 1/3 voi cái – thế hệ sinh sau khi chiến tranh kết thúc năm 1992 - đã không mọc ngà.

Nghiên cứu gần đây cho thấy loài voi đang tiến hóa tới dạng không mọc ngà nữa sau nhiều năm bị săn lấy ngà. Ảnh: Alamy

Nghiên cứu gần đây cho thấy loài voi đang tiến hóa tới dạng không mọc ngà nữa sau nhiều năm bị săn lấy ngà. Ảnh: Alamy

Ngà của voi đực thường lớn hơn và nặng hơn nhưng do tình trạng săn bắt gia tăng, nhiều thợ săn bắt đầu tập trung vào những con voi cái.

Giám đốc khoa học Joyce Poole của tổ chức phi lợi nhuận ElephantVoices nói với trang National Geographic: "Qua thời gian, bạn bắt đầu thấy tỉ lệ voi cái không ngà thực sự cao hơn".

Các nước khác cũng từng chứng kiến sự biến chuyển về số lượng voi "sợ" mọc ngà như vậy.

Ở Nam Phi, 98% trong số 174 con voi cái ở Công viên Voi Quốc gia Addo đã không mọc ngà vào đầu những năm 2000.

Cánh thợ săn cũng gây ra tình trạng lượng ngà voi giảm sút ở nhiều khu vực săn bắt gắt gao nhất, như Nam Kenya.

Số lượng voi không ngà đã chỉ ra hậu quả lâu dài từ tác động của con người lên động vật. Ảnh: Daily Mail

Các nhà khoa học nói rằng những con voi "khiếm khuyết" này có thể là một cách thể hiện thay đổi cách sống của chúng.

Ngà voi vốn là bộ phận dùng để đào đất tìm nước uống hoặc lấy vỏ cây để ăn, từ đó chúng có thể đi xa hơn trong hành trình sống sót.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết những thay đổi nói trên báo hiệu những tác động đối với hệ sinh thái xung quanh loài voi.

Ông Ryan Long, một nhà sinh thái học hành vi tại ĐH Idaho, nói với National Geographic: "Bất cứ hoặc tất cả sự thay đổi trong hành vi có thể dẫn tới những thay đổi về phân bố đàn voi và đó là những thay đổi quy mô lớn nhiều khả năng sẽ gây hậu quả cho phần còn lại của hệ sinh thái".

Theo vị chuyên gia này, số lượng voi không ngà đã chỉ ra hậu quả lâu dài từ tác động của con người lên động vật.

Đỗ Quyên (Theo Daily Mail)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/so-tan-sat-nhieu-con-voi-het-dam-moc-nga-20181111120622211.htm