So sánh thực lực giữa hải quân Mỹ và Trung Quốc

Theo mạng 'Công Trình' của Mỹ hôm 25.10 trích dẫn tin tức của New York Times nói rằng Hải quân Trung Quốc đã có hạm đội với quy mô lớn hơn hạm đội Mỹ. Tính đến năm 2017, Hải quân Trung Quốc có tổng số 317 tàu mà Hải quân Mỹ chỉ có 283 tàu. Tuy nhiên qua so sánh số liệu tỉ mỉ thì phát hiện, Hải quân Mỹ vẫn có hạm đội lớn mạnh nhất toàn cầu, ưu thế của họ trên các tàu chiến cỡ lớn và tàu ngầm hạt nhân rất rõ rệt.

Từ bảng số liệu dưới đây có thể thấy, Hải quân Mỹ có ưu thế lớn nhất là ở tàu sân bay và tàu tấn công đổ bộ. Hai loại tàu chiến này có số lượng tới 20 chiếc. Tàu sân bay Mỹ không chỉ số lượng nhiều mà còn đều sử dụng năng lượng hạt nhân và có thể mang máy bay chiến đấu thế hệ 5.

Trung Quốc hiện có 2 tàu sân bay thì tàu Liêu Ninh vẫn là tàu do Liên Xô chế tạo từ những năm 1980 còn tàu sân bay tự đóng đầu tiên thì vẫn còn đang thử nghiệm. Các tàu sân bay của Trung Quốc đều sử dụng năng lượng thường và boong cất cánh kiểu nhảy cầu. Thiết kế cất cánh này hạn chế nghiêm trọng đến năng lực tác chiến của các tàu sân bay Trung Quốc.

Về tàu khu trục và tàu hộ vệ, Trung Quốc có ưu thế tuyệt đối về số lượng. Ưu thế này chủ yếu do Trung Quốc có số lượng tàu hộ vệ rất nhiều mang lại. Nhưng đối với Hải quân Trung Quốc và Hải quân Mỹ, trừ phi có thể đem hết tàu khu trục và tàu hộ vệ này bố trí đến cự ly để có thể sử dụng tên lửa hành trình tấn công các mục tiêu trọng yếu, nếu không sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến bên kia. Do vậy Mỹ vẫn có ưu thế rõ ràng bởi vì Mỹ có thể đem những tàu chiến này bố trí hết đến Nhật Bản hoặc cảng của các nước đồng minh - những nơi đủ để tấn công vào các mục tiêu giá trị của Trung Quốc. Tuy nhiên Trung Quốc có thể hy vọng lợi dụng số lượng tàu chiến đông đảo để phá hoại các căn cứ tiền tiêu của Mỹ ở châu Á Thái Bình Dương, từ đó hạn chế Mỹ ồ ạt tiến vào khu vực này.

Về tàu ngầm, tuy Hải quân Trung Quốc trang bị số lượng nhiều hơn nhưng trong đó tuyệt đại bộ phận đều sử dụng động cơ diesel. Những tàu ngầm này có tiếng ồn lớn, rất dễ bị tàu ngầm hạt nhân hoặc là vũ khí chống ngầm của Mỹ bắt được. Ngược lại các tàu ngầm của Mỹ hoàn toàn là tàu ngầm hạt nhân, đặc điểm này chẳng những cho phép chúng có hành trình gần như vô hạn mà còn khiến chúng rất khó bị đối thủ phát hiện.

Truyền thông Mỹ nói không có nghi ngờ gì nữa, chủ trương đối kháng với Hải quân Mỹ là một chủ trương không sáng suốt của Trung Quốc, nhưng để dự đoán ai làm tốt hơn trong xung đột còn cần xem xét nhiều nhân tố. Trên thực tế Mỹ và Trung Quốc đều không mong bị hãm vào xung đột lâu dài, bởi vì hai nước trong kinh tế toàn cầu đều phải phụ thuộc lẫn nhau trong các lĩnh vực quan trọng. Bất kỳ cuộc xung đột nào đối với hai nước cũng đều là một tai họa và đối với thị trường toàn cầu cũng là một việc tai họa.

Tuy bài báo trên đã phân tích rõ những ưu nhược về số lượng và chất lượng nhưng bình luận của độc giả bên dưới bài viết cũng vẫn còn nhiều tranh cãi. Một bên cho rằng cứ hơn về số lượng là hơn đã còn bên kia thì cho rằng hơn về số lượng không mang nhiều ý nghĩa.

Đại diện cho lập luận hơn về số lượng, một độc giả ở Hồ Nam viết: “ Khóc cũng vô dụng, năng lực đóng tàu không bằng Trung Quốc. Quốc hội có giúp cũng không ăn thua. Đương nhiên chất lượng phải tính đến nhưng về số lượng mà nói, nhân tài khoa học công nghiệp Trung Quốc và nhân công công nghiệp Trung Quốc rõ ràng lớn hơn Mỹ:.

Tuy nhiên các lập luận phản bác so sánh số lượng xem ra nhiều hơn. Một người ở Hàng Châu - Chiết Giang viết: “Mỹ thật nói đùa. Giống như trong ví của tôi có 100 tờ 1 đồng, ví của bạn có 2 tờ 100 đồng, sau đó bạn bảo tôi nhiều tiền hơn bạn???”. Người khác ở Liễu Châu - Quảng Tây viết: “Một tàu lớp 022 cũng là một tàu, một tàu lớp Ford cũng là một tàu, tính như vậy thì tôi cũng tính được”.

Đại Dương (theo Sina)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dong-tay-kim-co/so-sanh-thuc-luc-giua-hai-quan-my-va-trung-quoc-925310.html