So sánh con mình với 'con người ta': Căn bệnh trầm kha của phụ huynh

Có câu nói: Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Ai cũng biết, nhưng vẫn luôn so sánh con mình với con người khác. Đây là căn bệnh mà các bậc phụ huynh hay mắc phải.

Ngoại trừ một vài lần phụ huynh chỉ ra cụ thể, còn lại hầu hết thì “con người ta” đều là những nhân vật trong trí tưởng tượng hoặc cóp nhặt chỗ này chỗ khác, thường là một đứa trẻ trạc bằng tuổi “đương sự”, học giỏi, xinh đẹp, chăm chỉ, ngoan ngoãn, biết nghe lời… nói chung là vô cùng hoàn hảo.

Đặc biệt, có trường hợp đứa trẻ được phụ huynh mang ra để so sánh là… chính mình hồi đó: “Hồi bằng tuổi con bố (mẹ) đã…”.

"Con không biết làm sao mới đừng bị bố so sánh với "con người ta", con không biết làm sao bố mẹ mới vừa lòng"

Đừng lầm tưởng chỉ có những đứa trẻ kém cỏi, lười nhác, lôi thôi mới bị so sánh với “con người ta”. Ngay cả những bạn học rất giỏi, giành được nhiều giải thưởng thậm chí được nhận học bổng, ngay cả những bạn ngoan ngoãn, hiền lành cũng không thoát khỏi trở thành nạn nhân của vấn nạn so sánh này. “Mình thực sự không biết làm sao để bố mẹ mình vừa lòng”, đó là lời than “thống thiết” của phận làm con dưới đòi hỏi “khốc liệt” của các bậc cha mẹ “tha thiết” sống bằng sĩ diện thời nay mà ta thường bắt gặp.

Khi bị so sánh với một ai đó, người lớn cũng rất lấy làm khó chịu, cũng bị tổn thương chứ đừng nói gì con trẻ. Bị so sánh với “con người ta” một cách thường xuyên, trẻ sẽ cảm thấy bị áp lực, mệt mỏi, mất niềm tin vào bản thân, kể cả những đứa trẻ giỏi giang, thông minh cũng dần trở nên rụt rè, tự ti, hoang mang về chính khả năng của mình.

Đặt con mình trên đường đua với một vận động viên “vô hình” là cuộc đua mà phần thua cuộc sẽ thuộc về con cái quí vị. Còn nếu như đó là một “con người ta” có tên có tuổi, có nhân dạng cụ thể thì chúng ta càng thất bại bởi vì trong thực tế, mỗi đứa trẻ sẽ phát triển với một tốc độ riêng biệt, chúng sẽ tự đạt được những cột mốc của riêng mình không cần lo lắng, cũng đừng so sánh và càng không nên đua tranh. Ngoài ra, trẻ sẽ oán giận, căm ghét tất cả những “con người ta” cụ thể được phụ huynh lấy làm “mẫu” so sánh với con. Lòng đố kỵ của con trẻ được hình thành trong trường hợp này.

Đó là khi con cái quí vị được so sánh với những “con người ta” giỏi giang, hoàn hảo. Còn khi con cái quí vị bị so sánh với những người kém cỏi, thiếu may mắn thì kết quả còn tồi tệ hơn nhiều. Gặp trường hợp này, các em sẽ rơi vào tình trạng mất phương hướng, nhụt chí và chán nản. Trong thực tế, đã có không ít phụ huynh so sánh con mình với “mấy cái đứa lang thang không nhà, bị cha mẹ vứt bỏ, không được học hành, đi bán vé số, lượm ve chai, đi ở đợ bị chủ đánh bầm dập… Được ăn ngon, mặc ấm, học hành tử tế còn không biết thân…”.

Trẻ sẽ oán giận, căm ghét tất cả những người được phụ huynh lấy làm “mẫu” để so sánh

Nhưng dù so sánh theo kiểu nào thì lời nói trong trường hợp cũng mang tính chất đay nghiến, tầm sát thương của nó rất lớn, nó làm thui chột mọi sự phấn đấu vươn lên.

Con mình là con mình, là đứa con mình banh da xẻ thịt sinh ra, tại sao quí vị cứ suốt ngày mong nó giống “con người ta”. Con người ta giỏi giang, thông minh, ngoan ngoãn… vậy, quí vị có muốn chúng trở thành con của mình hay không? Quý vị có muốn đổi hay không? Chắc chắn là không rồi.

Vậy thay vì so sánh với con người ta, quý vị hãy so sánh con mình với chính nó. Kết quả học tập, rèn luyện, tu dưỡng của bản thân con trẻ ngày hôm nay so sánh với ngày hôm qua, xem mức độ tiến bộ như thế nào, có cần phấn đấu thêm hay duy trì như thế là tốt. Điều này sẽ khiến trẻ thoải mái trong hiện tại và tự tin, hưng phấn hơn trong suy nghĩ, hoạch định tương lai.

Mỗi con người là một cá nhân riêng biệt, một tác phẩm hoàn thiện của tạo hóa. Dân gian có câu “có tật có tài”. Câu nói này đã cho thấy, tạo hóa rất công bằng. Hãy nhìn nhận con cái mình bằng những tài năng, ưu điểm vượt trội mà bất cứ đứa trẻ nào cũng có nếu được phát hiện và quan tâm khai thác tối đa.

Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có những khả năng riêng biệt, có những hướng đi và mối quan tâm riêng

Công bằng mà nói, thật ra việc so sánh con mình với “con người ta” không phải lúc nào cũng “tệ” nếu như chúng ta biết dừng lại ở ranh giới của việc nêu tấm gương điển hình với mục đích là động viên, làm động lực thúc đẩy cho trẻ vươn lên trong học tập cũng như rèn luyện trong cuộc sống.

Tóm lại, chúng ta không tập cho con trẻ tính kiêu ngạo, nhưng cũng đừng khiến trẻ tự ti, đừng để trẻ cảm thấy mình vô giá trị, thua sút người khác, đừng biến con trẻ thành một “người khác trong chính bản thân mình”.

Đừng để câu chuyện "Con người ta ..." trở thành nỗi khiếp sợ của con trẻ.

CÁT TƯỜNG

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/so-sanh-con-minh-voi-con-nguoi-ta-can-benh-tram-kha-cua-phu-huynh-10229.html