Số phận thê thảm 9 tàu sân bay Liên Xô

Vừa qua, báo chí nói nhiều về tàu tuần dương hạng nặng mang máy bay 'Đô đốc Kuznhetsov' trong và sau khi tàu này tham gia chiến dịch của Nga tại Syria.

Chúng tôi xin bổ sung thêm một số thông tin về những chiếc tàu cùng loại với “Đô đốc Kuznhetsov” đã từng được đóng hoặc đã từng có mặt trong trang bị của Hải quân Liên Xô để bạn đọc tham khảo.

Trong số 9 (chín) tàu mang máy bay (theo phân loại - định nghĩa chính thức của Liên Xô (Nga) là “ tàu tuần dương mang máy bay” - sẽ có chú giải ở phần sau – đôi khi vẫn được gọi là tàu sân bay) của Hải quân Liên Xô, hiện chỉ còn một chiếc phục vụ nước Nga, hai chiếc nữa – một cho Trung Quốc và một cho Ấn Độ, hai chiếc khác đã biến thành khách sạn và nơi vui chơi giải trí, số còn lại - phá dỡ bán sắt vụn.

Tàu khu trực "Minsk" tại Trung Quốc . Ảnh / Commons.wikimedia.org

Liên Xô đã lập kế hoạch đầu tiên đóng tàu sân bay từ những năm 1930 của thế kỷ trước, tuy nhiên, kế hoạc trên đã không thực hiện được vì phải giải quyết các nhiệm vụ quốc phòng khác cấp thiết hơn vào thời kỳ đó.

Một trong những người ủng hộ ý tưởng trang bị các tàu sân bay cho Hải quân Liên Xô nhiệt thành nhất là Đô đốc Nhikolai Kuznhetsov (tàu sân bay độc nhất của Nga bây giờ mang tên ông),- N.Kuznhetsov đã từng giữ chức Dân ủy hải quân (cách gọi khi đó) và sau là Bộ trưởng hải quân.

Nhờ có ông mà sau Chiến tranh Vệ quốc kế hoạch đóng tàu sân bay đã được đưa vào Chương trình đổi mới vũ khí của Liên Xô.

Nhưng sau khi N. Kuznhetsov bị thất sủng và Nhikita Khrushev – vốn là người chủ trương cắt giảm vũ khí thông thường ở quy mô lớn lên nắm quyền, những kế hoạch trên lại đã không thể thực hiện được.

Lớp tàu đầu tiên có thể tạm gọi được là tàu sân bay (tuy chưa thực sự chính xác) là các tàu dự án 1123 “Kondor”.

Trên thực tế đây là các tàu tuần dương chống ngầm có chức năng sục sạo, phát hiện và tiêu diệt các tàu ngầm hạt nhân chiến lược của đối phương ở những khu vực xa trên các đại dương khi đang hoạt động trong đội hình các cụm tàu.

Cụm (lực lượng) không quân trên tàu dự án này gồm các máy bay chống ngầm biến thể Ka-25PL và Ka - 25PS. Trên mỗi tàu tuần dương mang máy bay lên thẳng lớp này có 14 chiếc máy bay lên thẳng.

Người đưa ra sáng kiến chế tạo các tàu dự án 1123 là Đô đốc Xergey Georgievich Gorshkov - Tư lệnh Hải quân Liên Xô .

X. Gorshkov là Tư lệnh Hải quân Liên Xô suốt ba thập kỷ và cũng người thành lập Hạm đội tên lửa - hạt nhân Liên Xô và các tàu sân bay Xô Viết.

Thời gian đầu, trong khuôn khổ dự án 1123, có dự định đóng 3 tàu tuần dương, nhưng cuối cùng, chỉ đóng được 2 tàu, - 2 tàu này đã “một lòng một dạ” phục vụ Hải quân Liên Xô trong suốt 30 năm.

Tàu tuần dương chống ngầm “Matxcova”: xẻ làm sắt vụn tại Ấn Độ

Chiếc tàu đầu tiên của dự án 1123 được khởi công đóng năm 1962 tại nhà máy đóng tàu Nhikolaev.

Con tàu này có số hiệu nhà máy là 701. Ngày 14/1/1965 tàu tuần dương chống ngầm “ Matxcova” (701) được hạ thủy. Nó chính thức được đưa vào biên chế cho Hải quân năm 1967.

Năm 1972, lần đầu tiên trong lịch sử Hải quân Liên Xô, chiếc máy bay cất hạ cánh thẳng đứng Yak-38 đã hạ cánh xuống boong tàu “ Matxcova” .

Những máy bay Yak-38 sau đó đã được trang bị cho các tàu mang máy bay của những dự án tiếp theo .

Ngày 26/5/1993, chiếc tàu tuần dương chống ngầm “Matxcova” ra biển trực chiến lần cuối trên hải phận Biển Đen.

Vào đúng dịp kỷ niệm 300 năm ngày thành lập Hải quân Nga, chiếc tàu tuần dương chống ngầm đầu tiên “Matxcova” bị loại biên, ngày 7/11/1996, Cờ Hải quân Liên Xô được hạ xuống từ đỉnh cột cờ của tàu.

“ Matxcova” được bán cho Ấn Độ để tháo dỡ lấy thép vào tháng 5/1997. Niềm vinh quanh một thời của Hải quân Xô Viết đã bị “xẻ thịt” tại vịnh Alanga của Ấn Độ.

Tàu tuần dương chống ngầm “ Matxcova” . Ảnh : RIA Novosti / Mikhail Kukhtarev

Tàu tuần dương chống ngầm “Leningrad” cũng bị “mổ thịt ” ở Ấn Độ

Chiếc tàu thứ hai của dự án 1123 được khởi công đóng cũng tại nhà máy đóng tàu Nhikolalev vào tháng 1/1965, đưa vào trang bị ngày 22/4/1969.

“Leningrad” đã bảo vệ các lợi ích của Liên Xô trên Biển Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, tham gia vào chiến dịch cứu hộ kíp thủy thủ tàu ngầm K-19, chiến dịch gỡ mìn ở vịnh Suez, trên Biển Đỏ và nhiều chiến dịch khác.

Năm 1990, đã có kế hoạch đưa “Leningrad” đi đại tu (sửa chữa lớn), tuy nhiên, do ngân sách quốc phòng bị cắt giảm đột ngột nên sau đó “cấp trên” lại quyết định theo một cách hoàn toàn khác.

Ngày 24/6/1991, - tàu bị loại khỏi trang bị, còn ngay trước thềm năm mới 1992, toàn bộ thủy thủ đoàn giải thể. Lễ hạ cờ diễn ra ngày 5/12/1992, sau đó máy móc - trang bị trên tàu được tháo hết và tàu được lai dắt vào sâu trong cảng Phương Bắc

Vào đêm rạng sáng ngày 24/8/1995, chiếc tàu trên rời cảng và được kéo về Ấn Độ, cũng đưa về vịnh Alanga để “thanh lý” .

Tàu tuần dương chống ngầm “ Leningrad” . Ảnh: Commons.wikimedia.org

Thế hệ mới

Các kỹ sư Xô Viết bắt đầu thiết kế tàu mới phát triển từ dự án 1123: đó là các tàu tuần dương chống ngầm được trang bị vũ khí hiện đại và không sử dụng máy bay lên thẳng nữa, thay vào đó là các máy bay (dự án 1143).

Vũ khí mạnh là đặc điểm nổi bật của tất cả các tàu mang sân bay Xô Viết.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/ho-so/so-phan-the-tham-9-tau-san-bay-lien-xo-3335151/