Số phận tàu ngầm Komsomolets: 'Quái thú' Liên Xô một thời

Vào giữa những năm 1980, Liên Xô đã chế tạo một "siêu" tàu ngầm thực thụ. Có tốc độ cao và khả năng lặn xuống độ sâu lớn, tàu Komsomolets được coi là đại diện cho hướng đi mới của Hải quân Liên Xô.

Tàu Komsomolets được lên ý tưởng thiết kế từ khoảng năm 1966. Một đội ngũ của Cục Thiết kế Rubin đã bắt đầu Dự án 685 nhằm chế tạo một tàu ngầm lặn ở độ sâu lớn. Quá trình nghiên cứu chế tạo loại tàu này kéo dài 8 năm, rất có thể là do chưa tìm được một loại chất liệu có thể chống chịu sức ép dưới đáy biển. Dù vậy, đến năm 1974 quá trình thiết kế được hoàn tất, và một hợp kim titan đã được sử dụng.

Tàu ngầm Komsomolets của Liên Xô.

Sau đó, một mẫu tàu ngầm thử nghiệm đã bắt đầu được chế tạo vào ngày 22/04/1978 và được hoàn thành 6 năm sau đó. Được đặt tên là K-278, tàu có chiều dài 110m và rộng 12m, trọng lượng 6.500 tấn, nhẹ hơn so với nhiều loại tàu cùng thời nhờ hợp kim titan. Tàu có hai lớp vỏ, lớp bên trong được làm bằng titan giúp tàu có khả năng lặn sâu hơn các tàu khác cùng thời. Tàu ngầm có 7 khoang chính, hai trong số này được gia cố để đảm bảo an toàn cho thủy thủ đoàn. Hai mạn tàu được lắp đạt khoang thoát hiểm để người trong tàu có thể rời tàu khi đang ở độ sâu lên đến 1.500m.

Tàu ngầm được lắp đặt một lò phản ứng hạt nhân OK-650B-3 có công suất 190 megawatt, giúp cung cấp năng lượng cho hai động cơ tua bin 45.000 mã lực của tàu. Điều này cho phép K-278 có tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ khi lặn và 14 hải lý/giờ khi nổi lên mặt nước. Tàu ngầm có hệ thống sona dò tìm tần số thấp MGK-500 Skat, thiết bị này hiện đang được tàu ngầm lớp Yasen sử dụng. Tàu có 6 ống phóng ngư lôi, và vũ khí của K-278 bao gồm 22 ngư lôi Type 53 cùng ngư lôi xuyên giáp chống tàu ngầm Shkval.

Sau khi được hoàn thành, tàu ngầm gia nhập Hạm đội Phương Bắc của Liên Xô vào tháng 1/1984 và bắt đầu tiến hành các cuộc diễn tập ở độ sâu lớn. Dưới sự chỉ huy của thuyền trường Yuri Zelensky, tàu đã lặn xuống độ sâu kỷ lục 1.019m, một thành tích đáng nể khi đối thủ của nó là tàu USS Los Angeles chỉ có thể đạt độ sâu tối đa là 450m.

Tàu được Hải quân Liên Xô coi là không thể bị tiêu diệt, và mặc dù ban đầu chỉ được vận hành thử nghiệm, tàu sau đó được chính thức đưa vào sử dụng như một tàu quân sự thực thụ và được đặt tên là Komsomolets.

Thế nhưng vào ngày 07/04/1989, khi đang hoạt động ở độ sâu 385m, tai họa đã xảy ra đối với tàu Komsomolets. Theo hai chuyên gia quân sự Norman Polmar và Kenneth Moore, khi đó trên tàu là thủy thủ đoàn dự bị, chưa có nhiều kinh nghiệm. Thêm vào đó, bản thân tàu ngầm không có cơ chế nhằm hạn chế hư hại có thể xảy ra.

Được mệnh danh là một trong những tàu ngầm lợi hại nhất của Liên Xô, song cuối cùng tàu phải chịu số phận không mấy tốt đẹp.

Một ngọn lửa đã bùng lên ở khoang đuôi tàu, đốt cháy một van điều tiết không khí khiến khí bị đốt cháy nhanh chóng. Mọi biện pháp nhằm kiềm chế ngọn lửa đều thất bại. Lò phản ứng bị hỏng nặng, còn bồn chứa nước nhằm giữ cân bằng tàu đã bị phá hủy. Thủy thủ đoàn đã nỗ lực để ngăn chặn lửa lan ra trong vòng 6 tiếng đồng hồ trước khi lệnh rời bỏ tàu được đưa ra.

Thuyền trưởng của tàu lúc đó là Evgeny Vanin cùng bốn người khác đã tiến về phía đuôi tàu để tìm những người chưa nghe thấy lệnh rời tàu. Do tàu đang chìm nhanh chóng, họ buộc phải cố gắng thoát thân. Khi đã lên đến mặt nước, sự thay đổi áp suất đột ngột đã khiến phần trên của khoang thoát hiểm bị xé tung, khiến hai người trong đó lọt ra ngoài. Khoang thoát hiểm sau đó bị chìm và hai người còn lại, trong đó có Vanin, đều tử nạn.

Nhiều thành viên của thủy thủ đoàn sau khi thoát ra ngoài lại bị nhiễm lạnh do ngâm nước biển ở nhiệt độ gần 0 độ C. Một tiếng sau đó, hai tàu cá đã phát hiện và cứu được 30 người, một vài trong số này sau đó đã chết do thương tích quá nặng. Trong số 69 người có mặt trên tàu ngầm, 42 người, trong đó có thuyền trường Vanin, đã thiệt mạng.

Tàu Komsomolets cho đến nay vẫn đang chìm sâu dưới đáy biển cùng với lò phản ứng hạt nhân và hai ngư lôi Shkval. Từ năm 1989 đến 1996 Nga đã tiến hành 7 cuộc thăm dò nhằm ngăn chất phóng xạ từ lò phản ứng thoát ra ngoài. Một số nguồn tin cho biết, Nga nhiều lần phát hiện một số tổ chức nước ngoài không rõ nguồn gốc đã tiếp cận xác con tàu bị chìm.

Anh Tuấn (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/so-phan-tau-ngam-komsomolets-quai-thu-lien-xo-mot-thoi-post212716.info