Số phận PGBank ra sao sau một năm công bố sáp nhập HDBank?

Đã được cổ đông thông qua phương án sáp nhập với HDBank từ năm trước, nhưng báo cáo mới đây của PGBank tiết lộ thông tin nhiều khả năng việc sáp nhập sẽ tiếp tục kéo dài.

Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) vừa công bố dự thảo tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 dự kiến diễn ra vào ngày 25/4 tới đây tại Hà Nội.

Tài liệu lần này ngoài việc thông tin về tình hình tài chính của ngân hàng trong năm 2018 và kế hoạch kinh doanh năm 2019, PGBank cũng tiết lộ về quá trình sáp nhập với HDBank đã được cổ đông thông qua gần một năm trước đó.

Không thể hoàn thành sáp nhập trong năm nay?

Cụ thể, báo cáo của HĐQT PGBank cho biết năm 2018 vừa qua, tổng nguồn vốn huy động được của ngân hàng đạt 25.745 tỷ đồng, trong đó nguồn tiền gửi của khách hàng chiếm hơn 90%, tương đương 23.345 tỷ đồng. Chỉ số cho vay khách hàng cũng chỉ tăng 3% so với năm trước, đạt 22.052 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2018, tổng thu nhập trước chi phí hoạt động và dự phòng của ngân hàng đạt hơn 1.197 tỷ đồng, tăng 17,6% và vượt kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, HĐQT nhà băng này nhấn mạnh việc sáp nhập tiếp tục kéo dài có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của PGBank.

Theo đó, quy mô tổng tài sản, huy động vốn và cho vay đều tăng trưởng thấp và không đạt kế hoạch đề ra.

“Lợi nhuận tăng trưởng cao so với năm trước nhưng chưa đạt kế hoạch do trích lập dự phòng cao”, HĐQT ngân hàng cho hay.

Ngân hàng này cũng cho biết tái cơ cấu đang là nhiệm vụ hàng đầu trong nhiều năm nay. Sau khi được cổ đông thông qua phương án sáp nhập vào HDBank năm trước, nhà băng đã triển khai để hoàn tất phương án sáp nhập này, tuy nhiên, đến nay quá trình sáp nhập vẫn dang dở.

HĐQT ngân hàng cho hay cả PGBank và HDBank đều đang chuẩn bị các công việc cho công tác bàn giao sáp nhập. Tuy nhiên, mốc thời gian hoàn tất vẫn được các lãnh đạo nhà băng này bỏ ngỏ. Thậm chí, HĐQT PGBank vẫn trình cổ đông các chỉ tiêu và kế hoạch kinh doanh năm 2019 như bình thường.

Điều này đồng nghĩa với việc quá trình sáp nhập giữa 2 ngân hàng sẽ không thể hoàn tất trong năm 2019.

Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2019 của HDBank cũng không hề đề cập tới tiến độ của việc sáp nhập giữa 2 ngân hàng. Điều này càng khẳng định thêm việc sáp nhập giữa 2 ngân hàng sẽ khó có thể hoàn tất trong năm 2019 này.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HĐQT HDBank công bố việc chọn sáp nhập với PGBank. Ảnh: Quang Định.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HĐQT HDBank công bố việc chọn sáp nhập với PGBank. Ảnh: Quang Định.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2018, lãnh đạo HDBank và PGBank đã bất ngờ thông báo về việc 2 ngân hàng sẽ sáp nhập với nhau (trước đó PGBank được kỳ vọng sẽ sáp nhập vào Vietinbank, 2 bên đã ký hồ sơ sáp nhập và thỏa thuận hợp tác toàn diện).

Thậm chí, phương án sáp nhập cũng đã được cổ đông của hai ngân hàng thông qua. Tỷ lệ hoán đổi dự kiến sẽ là một cổ phiếu PGBank đổi 0,621 cổ phiếu HDBank. Cổ đông lớn nhất của PGBank là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với tỷ lệ sở hữu 40%, tương đương 120 triệu cổ phiếu.

Sau sáp nhập, HDBank sẽ có quy mô vốn điều lệ đạt 15.345 tỷ đồng, sở hữu gần 370 chi nhánh và phòng giao dịch.

Phương án sáp nhập giữa 2 nhà băng này cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Theo như kế hoạch ban đầu, việc bàn giao, sáp nhập sẽ được hoàn tất trong tháng 8/2018

Nhưng kể từ đó mọi thông tin về việc sáp nhập không được hai ngân hàng nhắc tới và đến nay cả HDBank và PGBank vẫn hoạt động độc lập.

PGBank hiện giờ ra sao?

Như HĐQT PGBank đã nhấn mạnh, việc sáp nhập kéo dài nhiều năm đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của ngân hàng.

Ngoài việc hàng loạt chỉ tiêu tài chính từ tổng tài sản, huy động vốn tới cho vay của PGBank không đạt kế hoạch hoạt động xử lý nợ của PGBank năm qua cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Nguyên nhân chính là do vướng mắc thị trường chuyển nhượng, phát mại tài sản chưa thuận lợi và thủ tục để thực hiện hoạt động này phức tạp, kéo dài.

Theo đó, tổng nợ xấu (nhóm 3-5) của ngân hàng đến cuối năm 2018 là 675 tỷ đồng, chỉ giảm 2,3% so với năm 2017. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng cũng chỉ giảm 0,16% và vẫn ở mức 3,06% tổng dư nợ cho vay.

Hoạt động bán nợ cho VAMC cũng chỉ đạt 10% kế hoạch với vỏn vẹn hơn 67 tỷ đồng được bán.

Thậm chí, hoạt động kinh doanh vốn liên ngân hàng của PGBank còn sụt giảm do các ngân hàng khác giảm giao dịch sau khi PGBank được chấp thuận sáp nhập vào HDBank.

Kết quả, năm 2018 vừa qua, PGBank ghi nhận 1.197 tỷ đồng tổng thu nhập, vượt 128% kế hoạch. Tuy nhiên, ngân hàng phải dành tới 1.039 tỷ đồng cho chi phí hoạt động và dự phòng rủi ro tín dụng, khiến lợi nhuận trước thuế thu về chỉ đạt 159 tỷ đồng, tương đương 87% kế hoạch cả năm.

Kế hoạch trước đó được đưa ra là ngân hàng sẽ giảm tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ về mức 1,5% trong năm 2018, nhưng kết quả tỷ lệ này vẫn ở mức trên 3%.

Trong năm 2019 này, do việc tiếp tục bị ảnh hưởng bởi quá trình sáp nhập, PGBank cũng đặt chỉ tiêu tăng trưởng khá dè dặt với tổng tài sản đạt 32.736 tỷ đồng, tăng 9%. Huy động vốn ngân hàng kỳ vọng tăng 11% và dư nợ cho vay kỳ vọng tăng 8%, đạt lần lượt 28.547 tỷ và 23.892 tỷ đồng.

Tổng thu nhập hoạt động dự kiến sẽ giảm 13%, đạt 1.037 tỷ đồng. Tuy nhiên, với kỳ vọng cắt giảm chi phí và dự phòng rủi ro đi 21%, PGBank kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng sẽ tăng 33% đạt 211 tỷ đồng trong năm nay.

Quang Thắng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/so-phan-pgbank-ra-sao-sau-mot-nam-cong-bo-sap-nhap-hdbank-post936826.html