Số phận Nord Stream 2: Lựa chọn nào của Đức?

Việc Đức rút sự ủng hộ đối với Nord Stream 2 sẽ là hình phạt kinh tế nặng nhất mà phương Tây áp đặt với Nga kể từ thời Liên Xô.

Yêu cầu với cựu Thủ tướng Đức

Dự án Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) đã hoàn thiện trên 90% khối lượng công việc và dự kiến đi vào hoạt động từ đầu năm 2021, giúp tăng gấp đôi công suất của hệ thống Nord Stream 1 hiện đang đưa khí đốt từ Nga đến Đức.

Thế nhưng, Thủ tướng Đức Angela Merkel, người cho đến nay vẫn kiên định ủng hộ dự án trên, đang đối mặt với áp lực chính trị gia tăng trong nước Đức cũng như áp lực từ Mỹ và các đồng minh Đông Âu để hủy bỏ dự án gây tranh cãi này kể từ khi vụ Navalny xảy ra.

Ba Lan thúc đẩy Đức loại bỏ Nord Stream 2, vì theo lời Thủ tướng nước này, Mateusz Morawiecki, "nó củng cố sức mạnh của Nga, giúp Tổng thống Putin xây dựng sức mạnh quân sự, giúp đe dọa các quốc gia khác”. Hay như Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Pawel Jablonski nhận định, "đây không chỉ là một dự án kinh tế, nó chủ yếu là một dự án chính trị và nó cũng có thể được sử dụng như một công cụ quân sự trong trường hợp Putin quyết định ngừng dòng khí đốt qua Ukraine".

Theo tờ Rzeczpospolita của Ba Lan, lần đầu tiên trong lịch sử chính Berlin đã thúc giục cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder rời khỏi vị trí mà ông đang làm việc tại Gazprom. Được biết, ông Schroeder hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Nord Stream 2 AG - một liên danh do Tập đoàn Gazprom của Nga đứng đầu, đang tham gia xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt tự nhiên của Nga tới khu vực Baltic.

Nhà báo người Ba Lan Iwona Trusevich giải thích, chủ sở hữu của công ty được đăng ký tại Thụy Sĩ là Gazprom, do đó, cựu thủ tướng Đức sẽ đảm nhận việc vận động hành lang lợi ích của Nga ở cả Berlin và Brussels. Cho đến thời điểm hiện tại, hoạt động ủng hộ lợi ích của Nga tại Liên minh châu Âu (EU) của ông Schroeder khiến Đức không khỏi lo lắng. Theo đó, đã có hàng nghìn công ty đã hợp tác với Nga trong ba thập kỷ qua.

Tuy nhiên, sau vụ đầu độc thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny tình hình đã thay đổi đáng kể. Tại Đức, tranh chấp đã bùng lên về việc hoàn thành hoặc “đóng băng” hoàn toàn việc xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream 2.

Theo bà Iwona, thực tế là ông Schroeder có liên kết chặt chẽ không chỉ với Gazprom, mà còn với một gã khổng lồ năng lượng khác thuộc sở hữu của Nga là Rosneft. Vào tháng 9/2017, khi EU và Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga về việc sáp nhập Crimea, ông Schroeder đã không ngần ngại tham gia vào Ban giám đốc Tập đoàn Rosneft.

Hiện Đức tin rằng Nga phải chịu trách nhiệm về vụ đầu độc Navalny bằng vũ khí hóa học, bất kể Điện Kremlin có chính thức phủ nhận thông tin này hay không.

Đức đang đứng trước áp lực phải dừng dự án Nord Stream 2

Đức đang đứng trước áp lực phải dừng dự án Nord Stream 2

“Nếu ông Schroeder chia sẻ một số ‘giá trị chính trị’ khác thì điều này hoàn toàn không phù hợp”, Phó Chủ tịch liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) Johann Wadephul nói.

Trong khi đó, Chủ tịch Đảng Xanh trong Quốc hội Đức Katrin Goring-Eckardt cũng kêu gọi cựu thủ tướng từ chức.

“Bây giờ cựu thủ tướng phải quyết định xem liệu ông ấy có đứng về phía dân chủ và nhân quyền hay không”, bà Katrin nói. Bà Katrin yêu cầu dừng ngay việc xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream 2. Theo bà, chính phủ Đức nên đề xuất một kế hoạch chi tiết để thoát khỏi dự án của Nga.

Theo cựu Bộ trưởng Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức Dirg Nibel, ông ủng hộ việc hoàn thành xây dựng dự án, nhưng không ủng hộ việc mua khí đốt của Nga.

“Ở Đức không có sự nhất trí nào về việc nước này thực sự sẽ thiệt hại bao nhiêu khi ‘thoát khỏi’ Nord Stream 2. Một động thái như vậy sẽ không ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế hàng đầu châu Âu vốn đã ổn định”, cựu Bộ trưởng nhận định.

“Triển vọng tạo ra một trung tâm khí đốt cho châu Âu đang trở nên kém tươi sáng hơn cùng với việc giảm bớt sự ủng hộ đối với đường ống dẫn khí đốt của Nga từ chính Thủ tướng Angela Merkel. Ngay từ đầu, bà Merkel đã ủng hộ Điện Kremlin và gọi Nord Stream 2 là một dự án kinh tế đơn thuần. Tuy nhiên, đây là cách mà Nga tuyên bố cho đến ngày nay.

Hơn nữa, Thủ tướng Đức đã không nhận thấy trong một thời gian dài rằng nhiều thành viên EU, bao gồm cả nước láng giềng lớn nhất ở phía Đông, Ba Lan phản đối việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt này”, nhà báo Iwona Trusevich nhấn mạnh.

Theo đó, bà Merkel cho rằng dự án này thực sự mở ra cánh cửa cho việc đảm bảo an ninh năng lượng của châu Âu. “Có vẻ như bây giờ bà Merkel mới nhìn thấy rõ ràng hơn mục đích thực sự của việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt này”, nhà báo Iwona kết luận.

Trước sức ép này, Thủ tướng Đức Merkel cho biết, việc có tiếp tục dự án Nord Stream 2 hay không sẽ là quyết định của các đối tác EU, song trước tiên châu Âu cần đợi câu trả lời của Nga về việc làm sáng tỏ vụ ông Navalny bị đầu độc.

Hiện, phương Tây đang kêu gọi cần phải có hành động mạnh mẽ để trừng phạt Nga nếu Moskva không đưa ra lời giải thích cho điều mà Berlin coi là nỗ lực sát hại ông Navalny.

Việc rút lại sự ủng hộ đối với dự án sẽ là hình phạt kinh tế nặng nhất mà phương Tây áp đặt với Nga kể từ thời Liên Xô.

Những lựa chọn của người Đức

Tờ DW của Đức chỉ ra nhiều khả năng mà người Đức có thể lựa chọn.

Thứ nhất, việc hủy bỏ dự án Nord Stream 2 sẽ dẫn đến khả năng kiện tụng từ các công ty liên quan đến dự án này và các đường ống kết nói trên bờ của nó. Điều này sẽ dẫn đến thiệt hại lớn, lên đến hàng tỷ euro, cho nước Đức.

Katja Yafimava, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Chương trình Nghiên cứu Khí tự nhiên (Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford) nói với DW rằng, nó cũng sẽ tác động tiêu cực đến cách Nga nhìn nhận hoạt động kinh doanh ở EU. Hơn nữa mọi quốc gia thành viên EU có thể phải chuẩn bị trở thành mục tiêu của Mỹ nếu Washington làm theo cách của mình. Hôm nay, trọng tâm là Nord Stream 2, nhưng ngày mai nó có thể là máy tính, tàu thủy, ô tô hoặc thứ gì đó khác.

Dù vậy, không phải tất cả đều đồng ý với phân tích này. “Mối liên hệ giữa việc bán LNG của Hoa Kỳ với sự phản đối của Hoa Kỳ đối với Nord Stream 2 là không có cơ sở về mặt kỹ thuật, chính trị hoặc thực tế thị trường”, Benjamin Schmitt, cựu cố vấn an ninh năng lượng châu Âu tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nói với DW.

"Thay vào đó, mối liên kết giả mạo này đã được nâng cao trên các nền tảng thông tin sai lệch của Điện Kremlin và bởi một số người ủng hộ Nord Stream 2 ở châu Âu để đưa ra một lựa chọn sai lầm", ông nói.

"Sự phản đối của Hoa Kỳ đối với dự án do Điện Kremlin hậu thuẫn đã bị lưỡng đảng phản đối mạnh mẽ, bắt đầu từ thời chính quyền Obama, nơi dự án bị phản đối trong các tuyên bố công khai bởi một loạt các quan chức cấp cao bao gồm Phó Tổng thống Joe Biden, người đã gọi Nord Stream 2 là một thỏa thuận tồi tệ đối với châu Âu" Schmitt nói.

Thứ hai, một lựa chọn khác cho Đức được DW đặt ra là dự án Nord Stream 2 vẫn tiếp tục nhưng các lệnh trừng phạt đối với Nga sẽ được áp đặt.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen được cho là đang làm việc để phát triển các biện pháp trừng phạt tương tự như các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp dụng với Nga. Washington hiện đang đe dọa áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với các công ty liên quan đến đường ống Nord Stream 2.

Nhưng nhà phân tích năng lượng Connor McLean của BTU Analytics nhận định: “Các biện pháp trừng phạt tiềm tàng có thể phức tạp do Đức ngày càng phụ thuộc vào khí đốt của Nga".

Thứ ba, Đức có thể tiếp tục dự án và từ bỏ các biện pháp trừng phạt bởi vụ án Navalny vần phải được tách khỏi câu chuyện thương mại.

Anna Mikulska từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng tại Đại học Rice cho biết, Đức từ lâu đã khẳng định rằng dự án này hoàn toàn mang tính thương mại và cần có sự phân biệt giữa thương mại và chính trị.

Thứ tư, Đức tiếp tục dự án, nhưng xoa dịu Mỹ bằng cách tăng nhập khẩu khí đốt của nước này.

Các quan chức trong Bộ Kinh tế Đức tin rằng Mỹ theo đuổi Nord Stream 2 một cách quyết liệt chủ yếu vì họ muốn bán khí đốt của mình cho châu Âu. Chính phủ Đức từ lâu đã hy vọng rằng việc xây dựng một cảng LNG ở Brunsbuttel bên ngoài Hamburg sẽ đủ để làm hài lòng Mỹ.

Tuy nhiên, trên thực tế, hai nguồn có thể bổ sung cho nhau. "Càng đa dạng hóa càng tốt", Kirsten Westphal, cộng sự cấp cao tại Viện Quốc tế và An ninh Đức nói. “Đức có kết nối tốt với các cảng LNG khác và do đó tính linh hoạt trong thị trường tích hợp Tây Bắc châu Âu là rất cao. LNG của Mỹ có thể được chuyển vào ngày hôm nay thông qua cơ sở LNG ở Rotterdam".

Thứ năm, Đức đang chờ đợi phản hồi từ Moscow về vụ Navalny và điều này có thể cho phép chính phủ Đức trì hoãn hoặc giảm bớt các lệnh trừng phạt đối với Nga. Dù vậy, họ sẽ sử dụng các biện pháp trừng phạt như một con bài thương lượng.

"Merkel sẽ xoa dịu Mỹ bằng cách tiếp tục mua LNG, tạm đình chỉ nhưng không chấm dứt Nord Stream 2, và yêu cầu từ Tổng thống Putin một cam kết về việc vận chuyển khí đốt Ukraine", Ariel Cohen, từ Hội đồng Đại Tây Dương nhận định.

"Rất nhiều điều sẽ phụ thuộc vào kết quả của vụ Navalny. Nếu ông ta bình phục hoàn toàn, Đức có thể muốn lật ngược tình thế. Trường hợp ngược lại, điều đó sẽ khó thực hiện hơn", ông kết luận.

Minh Thái

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/so-phan-nord-stream-2-lua-chon-nao-cua-duc-3418910/