Số phận những bộ phim Việt ''dính án tử'' cấm chiếu gây vô vàn tiếc nuối cho các mọt phim

Sự gắt gao của Cục Điện ảnh khiến những bộ phim này không may phải ngừng chiếu ngay khi mới ra rạp, hoặc xui xẻo hơn là bị phán 'án tử' ngay từ vòng kiểm duyệt. Một số bộ phim đã cố gắng thay đổi để 'lách luật' nhưng vẫn không thể ra mắt, dù đầu tư rất nhiều chất xám, tiền của và công sức. Cùng điểm qua những cái tên không may mắn bị cấm chiếu, gây tiếc nuối nhất của điện ảnh Việt Nam.

CYCLO (Xích lô) (1995)

Xích Lô đạt giải thưởng “Phim hay nhất” tại LHP Venice 1995 và đem lại cho Trần Anh Hùng giải “Grand Prix” tại Ghent International Film Festival. Nhưng chừng đó là chưa đủ để bộ phim này có con bài miễn tử khỏi những quy định nghiêm ngặt, và chiếc xích lô đã “bị hỏng” đến nay là gần 2 thập kỷ.

Poster phim Xích lô

Một trong những cảnh quay gây ám ảnh của phim

Bộ phim đã bị rò rỉ bản full tràn lan trên mạng, nên một số người đã thưởng thức một cách trọn vẹn những gì Trần Anh Hùng muốn truyền tải qua những thước phim. Bức tranh hiện thực tàn khốc là phông nền, trên đó hiện lên những con người ở dưới đáy xã hội của một Sài Gòn hoa lệ: từ gái bán dâm, cậu trai đạp xích lô, bà trùm xã hội đen, đại ca giang hồ…

Diễn viên Lê Lộc gây ấn tượng mạnh mẽ

Nam diễn viên Lương Triều Vỹ trong vai Nhà thơ

Câu chuyện hư cấu bạo lực máu me, nhiều chất 18+ của đạo diễn Trần Anh Hùng không dành cho những người có thần kinh yếu, người khen thì khen hết lời, người chê thì chê thậm tệ. Xích lô bị cấm chiếu là sự tiếc nuối rất lớn dành cho những người quan tâm đến điện ảnh Việt Nam. Và cho đến bây giờ, đây vẫn được coi là một “vụ án oan”, mãi không có lời giải đáp thỏa đáng.

Bụi đời chợ lớn (2013)

Dù đã 3 lần chỉnh sửa các cảnh quay, cắt gần hết những cảnh bạo lực, nhưng bộ phim của đạo diễn Charlie Nguyễn vẫn không thoát nạn và chịu cảnh bị cấm chiếu vĩnh viễn vào ngày 7/6/2013.

Sở dĩ bộ phim này bị cấm là do có quá nhiều các cảnh đấm đá máu me, mang thiên hướng bạo lực cực đoan. Các băng nhóm xã hội đen thanh trừng, chém giết lẫn nhau mà không hề có sự can thiệp của chính quyền.

Bộ phim đánh dấu sự trở lại của nam diễn viên Johnny Trí Nguyễn

Bộ phim bị cấm chiếu vì có quá nhiều yếu tố bạo lực

Việc Bụi đời chợ lớn bị cấm ra rạp đã gây ra các cuộc tranh cãi sôi nổi trên mạng xã hội. Không ít người cho rằng cấm là đúng, vì cảnh bạo lực trong phim sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ. Nhưng cũng có ý kiến chỉ cần dán mác 18+ và kiểm tra chứng minh thư chặt chẽ khi soát vé, không cần thiết phải “xuống đao” phũ phàng như vậy, khiến công sức của hàng trăm người trong đoàn làm phim đổ sông đổ bể.

Bộ phim sau đó đã bị phát tán tràn lan trên Youtube

“Đứa con tinh thần” bị cấm đoán, đạo diễn Charlie Nguyễn đã rất chán nản: "Nếu nhà sản xuất tiếp tục tìm cách giải quyết và tìm được nguồn kinh phí phù hợp thì biết đâu phim còn có thể quay lại và chỉnh sửa đường dây câu chuyện và nội dung kịch bản. Nhưng thú thật, tôi không biết tôi có còn hứng thú và đủ điều kiện để làm điều đó hay không”.

Rừng xác sống (2014)

Có vẻ đạo diễn Việt kiều Lê Văn Kiệt khá đen đủi khi đã có 2 bộ phim “dính dớp” từ Cục điện ảnh. Cả 2 bộ phim Bẫy cấp 3Rừng xác sống đều phải ngậm ngùi “dừng cuộc chơi” dù chưa kịp ra rạp. Rừng xác sống kể về hai người bạn từ Mỹ về Việt Nam để du lịch, nhưng chuyến du lịch đáng nhẽ sẽ rất thú vị lại biến thành thảm họa đáng sợ khi họ vô tình bị lạc vào một khu rừng rậm và phải đối mặt với các xác sống.

Poster ''nhìn đã thấy kinh dị'' của phim

Phim dự kiến ra mắt vào Haloween nhưng không thành

Dù là bộ phim kinh dị duy nhất ra mắt khán giả vào dịp lễ Haloween năm 2014, Rừng xác sống vẫn không thể thoát khỏi tình cảnh “ra đi không kèn không trống”.

Đã có ngày dự kiến khởi chiếu nhưng bộ phim lại bị cấm vĩnh viễn

Không có một phát ngôn cụ thể nào về lý do cấm chiếu bộ phim này, nhưng nhiều người đồn đoán mức độ kinh dị và bạo lực của phim đã quá mức cho phép trong quy định của cục Điện ảnh nên không thể vượt qua vòng kiểm duyệt. Dự án điện ảnh này của đạo diễn Lê Văn Kiệt vẫn là một điều bí ẩn với công chúng cho đến tận ngày hôm nay.

Bẫy cấp 3 (2015)

Dự kiến công chiếu vào ngày 18/5/2015, nhưng đến ngày 8/5 toàn bộ các cụm rạp ở Việt Nam đã gỡ thông tin về bộ phim này. Bẫy cấp 3 tiếp tục là tác phẩm của đạo diễn Lê Văn Kiệt, một bộ phim kinh dị về lứa tuổi mới lớn, với dàn diễn viên có gương mặt đẹp và hình thể nóng bỏng.

Thân hình ''đốt mắt'' của Trương Nam Thành và Baggio

Ngay trong trailer, đã có khá nhiều những cảnh nhạy cảm, sex và bạo lực được phô bày. Các cảnh nóng trong phim còn bị coi là chỉ mang mục đích câu khách, không hề mang tính nghệ thuật. Chưa kể trong phim còn có tình tiết nói về sự thù hận của một nam sinh đã trở thành động cơ để anh ta ra tay giết người dã man. Đây được coi là hành vi mang tính kích động bạo lực, mất nhân tính.

Poster hơi hướng kinh dị của bộ phim

Lý do cấm chiếu đưa ra khá rõ ràng: “phim thiếu logic, chất lượng kém và không có tính giáo dục”. Dàn diễn viên trong phim phản đối gay gắt với quyết định này, nam diễn viên Baggio trần tình “đã là phim kinh dị thì không thể đòi hỏi tính giáo dục quá nhiều”, nữ chính Hoàng Oanh cũng đồng tình khi cho rằng “nếu nói phim không được công chiếu vì quá nhiều cảnh bạo lực thì tôi nghĩ sẽ chẳng có bộ phim hành động nào của Mỹ có thể lên rạp".

Lý do cấm chiếu được đưa ra là do bộ phim có nhiều cảnh bạo lực

Nhưng cuối cùng thì Bẫy cấp 3 vẫn không thể ra rạp và chịu chung số phận với Rừng xác sống năm nào.

Thiên linh cái (2019)

Theo lịch, bộ phim của đạo diễn Hàm Trần sẽ chính thức ra rạp vào cuối tháng 3, nhưng sau đó bị hoãn đến 19/4 và cuối cùng thì không thể ra mắt đúng hẹn. Đến bây giờ, số phận của bộ phim này vẫn là một dấu chấm hỏi lớn.

Bộ phim thu hút ngay từ trailer đầu tiên

Thiên linh cái được coi là bom tấn kinh dị của năm nay

Không ít người cảm thấy hụt hẫng khi Thiên linh cái delay lịch chiếu liên tục. Trước đó, công tác marketing cho bộ phim đã làm rất tốt, khi lần lượt những hình ảnh, trailer ra mắt và nhận được rất nhiều sự quan tâm từ công chúng, bằng chứng là fanpage của bộ phim thu hút gần 50 nghìn người “like”, hàng chục nghìn lượt bình luận, chia sẻ trên từng bài viết. Riêng thông tin “dựa trên câu chuyện có thật về tên sát nhân hàng loạt đầu tiên tại Việt Nam” đã đủ khiến nhiều người tò mò và ngóng đợi.

Hoàng Yến Chibi trong một cảnh quay

Một cảnh nóng trong phim

Nhưng cuối cùng thì tình trạng “hoãn chiếu chứ không phải cấm chiếu vĩnh viễn” của bộ phim này vẫn đang tiếp tục thử thách sự kiên nhẫn của những ai trót chờ đợi phim. Chỉ mới xem trailer nhưng có thể thấy yếu tố mê tín dị đoan được đặc tả rõ nét qua từng phân cảnh là rào cản lớn nhất để bộ phim vượt qua khâu kiểm duyệt. Câu hỏi đặt ra lúc này là phim sẽ bị hoãn chiếu đến bao giờ, và nếu “qua ải” thành công thì sẽ bị cắt xén những gì, có giữ lại được cái hồn, cái hay nhất của bộ phim hay không.

Vợ ba (2019)

Cùng chung số phận với Thiên linh cái, Vợ ba là tác phẩm điện ảnh tiếp theo phải chịu cảnh “duyên mình lỡ” với các rạp phim.

Poster phim khi ra mắt tại Việt Nam

Dù không marketing quá rầm rộ, nhưng chỉ cần thông tin đây là bộ phim dành giải ''Phim châu Á xuất sắc nhất'' tại LHP Toronto 2018 đã giúp Vợ ba gây chú ý lớn trên truyền thông những ngày qua. Vợ ba không phải một bộ phim thiên về giải trí, “mì ăn liền”, mà là một tác phẩm nghệ thuật khá kén người xem, lấy bối cảnh từ thế kỷ 19. Từ sau Áo lụa Hà Đông hay Cánh đồng bất tận năm nào, lâu lắm rồi mới có một bộ phim mang tư duy điện ảnh mới lạ đến thế, những thước phim về nước Việt thủa sơ khai đẹp đến nao lòng.

Một cảnh trong phim

Khi mang đi “chinh chiến” ở các LHP Quốc tế, Vợ ba đã có 7 chiến thắng và 10 đề cử, trong đó có không ít đề cử cho hạng mục “Phim hay nhất”. Nhưng khi về đến Việt Nam, bộ phim này đã gây ra rất nhiều phản ứng trái chiều.

Trần Nữ Yên Khê đẹp đến nao lòng trong vai bà cả Hà

Maya trong vai vợ hai Xuân, cô có diễn xuất tiến bộ rõ rệt trong phim

Điều khiến bộ phim này gây chú ý không phải nằm ở những cảnh ân ái, mà do người thực hiện là diễn viên Trà My, năm nay chỉ mới 13 tuổi. Nhà sản xuất đã chủ động xin Cục điện ảnh ngừng chiếu trên toàn quốc từ ngày 21/5 để cuộc sống cá nhân của Trà My không bị ảnh hưởng.

Khi đóng bộ phim này, Trà My vừa tròn 13 tuổi

Vợ ba không phải là trường hợp đầu tiên phải ngưng chiếu giữa chừng. Trước đó, một tác phẩm điện ảnh của Trung Quốc là “Điệp vụ biển đỏ”, quy tụ rất nhiều ngôi sao hàng đầu của Cbiz cũng bị cấm chiếu sau khi ra mắt không lâu, vì bộ phim này chạm đến một số vấn đề nhạy cảm liên quan đến chính trị, về chủ quyền biển đảo.

Kim Ngân

Holly1

Nguồn Thế Giới Trẻ: https://thegioitre.vn/so-phan-nhung-bo-phim-viet-dinh-an-tu-cam-chieu-gay-vo-van-tiec-nuoi-cho-cac-mot-phim-73074.html