Số phận nào chờ đợi Tổng thống Trump?

Việc ông Robert Mueller - công tố viên đặc biệt điều tra Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016 - đã không thể kết luận liệu Tổng thống Donald Trump có hành vi cản trở tư pháp hay không, lại một lần nữa làm bùng nổ cuộc tranh cãi gay gắt trên chính trường nước này.

Việc ông Robert Mueller - công tố viên đặc biệt điều tra Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016 - đã không thể kết luận liệu Tổng thống Donald Trump có hành vi cản trở tư pháp hay không, lại một lần nữa làm bùng nổ cuộc tranh cãi gay gắt trên chính trường nước này.

Ông Mueller rời đi sau khi phát biểu về cuộc điều tra liên quan đến Tổng thống Trump. Ảnh: AFP

Ông Mueller rời đi sau khi phát biểu về cuộc điều tra liên quan đến Tổng thống Trump. Ảnh: AFP

Chuyền “quả bóng” qua sân Quốc hội

Trong tuyên bố công khai đầu tiên về cuộc điều tra trong 2 năm qua, vị công tố viên đặc biệt này cho biết, Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 theo hướng có lợi cho Tổng thống Trump bằng cách đánh cắp dữ liệu từ chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton - nhưng ông không thể xác định được liệu ông Trump có cản trở pháp lý hay không.“Nếu chúng tôi phát hiện Tổng thống rõ ràng không phạm tội thì chúng tôi đã nói ra. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không xác định được Tổng thống có phạm tội hay không”, ông Muler nói trong bài phát biểu dài 10 phút tại Bộ Tư pháp.

Bản báo cáo của ông Mueller đưa ra 11 khả năng Tổng thống Trump có thể có hành vi không thích hợp, nhưng không đưa ra kết luận cuối cùng về nghi vấn này. Ngoài ra, theo ông “buộc tội Tổng thống Trump không phải là một lựa chọn để xem xét”, trích dẫn chính sách của Bộ Tư pháp rằng, một tổng thống “không thể bị buộc tội hình sự liên bang khi còn đương chức. “Điều đó là vi hiến. Cho dù cáo buộc được niêm phong và không công khai thì điều đó cũng không được phép”, ông nói. Vị công tố viên này cũng cho biết ông không có ý định ra điều trần trước Quốc hội, và khẳng định, báo cáo điều tra của ông chính là câu trả lời của mình.

Và ông nhanh chóng chuyền “quả bóng” này qua sân Quốc hội khi nhấn mạnh, việc ông Trump có bị luận tội hay không tùy thuộc vào quyết định của các nghị sĩ.

Cuộc chiến gay cấn hơn

Tuyên bố cuối cùng của ông Muller như thế này là một sự bất ngờ, nhất là trong bối cảnh các nghị sĩ tại Đồi Capitol kêu gọi ông đứng ra làm chứng về những phát hiện của mình.

Phản ứng trước tuyên bố của ông Mueller, Nhà Trắng và các nghị sĩ Cộng hòa cấp cao cho rằng đã đến lúc chấm dứt vấn đề này và chuyển sang giải quyết những vấn đề khác. Bản thân Tổng thống Trump cũng nhanh chóng tuyên bố mình vô tội trên Twitter. “Không có gì thay đổi từ báo cáo của ông Muller. Không có đủ bằng chứng và do vậy, tại đất nước của chúng ta, cá nhân này vô tội. Vụ việc đã kết thúc! Xin cảm ơn”.

Tuy nhiên, những tuyên bố công khai đầy kịch tính của ông Mueller lại tiếp thêm sinh lực cho một cuộc tấn công mạnh mẽ hơn nhằm vào Tổng thống Trump. Khi ông Mueller lưu ý rằng, chỉ có Quốc hội, chứ không phải ông, có quyền buộc Tổng thống Trump phải chịu tội, các nghị sĩ phe Dân chủ có thêm động lực để hành động nhanh chóng trong một thời điểm chính trị định mệnh. Nhiều người cho rằng, đảng Dân chủ sẽ chớp cơ hội này yêu cầu luận tội tổng thống. Hiện nay, một số ứng cử viên Dân chủ tham gia tranh cử cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đã kêu gọi luận tội tổng thống. Thượng nghị sĩ Kamala Harris cho rằng việc mà ông Mueller làm chính là để ngỏ việc luận tội tổng thống.

Gánh nặng đang đặt trên vai Chủ tịch Hạ viện, nghị sĩ đảng Dân chủ Nancy Pelosi. Bà Pelosi cho biết vẫn kiên quyết với kế hoạch làm rõ nghi vấn Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ. “Quốc hội có trách nhiệm thiêng liêng trong việc điều tra và buộc Tổng thống phải chịu trách nhiệm về sự lạm quyền của mình”, bà nói và nhấn mạnh: “Người dân Mỹ phải có sự thật”. Tuy nhiên, bà cũng đã từng chống lại ý tưởng luận tội tổng thống vì cho rằng, điều này sẽ mang đầy rủi ro cho đảng Dân chủ, chỉ 18 tháng trước cuộc bầu cử tổng thống.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_207063_.aspx