Số phận long đong của dự án khu công nghiệp Việt - Nga gần 128 triệu USD ở Quảng Ninh

Dự án khu công nghiệp Việt - Nga được tỉnh Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2014, tuy nhiên gần 5 năm qua, dự án vẫn 'long đong'.

Quảng Ninh

Quảng Ninh

Hành trình đổi tên dự án

Theo tài liệu của VietnamFinance, dự án đầu tư xây dựng và khai thác hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp và cảng Nam Tiền Phong (gọi tắt là khu công nghiệp Nam Tiền Phong) tại khu vực Đầm Nhà Mạc, xã Tiền Phong, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh do Công ty Cổ phần khu công nghiệp Tiền Phong (TPIZ) làm chủ đầu tư.

Dự án này được tỉnh Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 22/12/2014 với tổng diện tích quy hoạch 487ha và tổng vốn đầu tư đăng ký gần 128 triệu USD. Hiện chủ đầu tư đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng dự án.

Công ty TPIZ gồm 3 cổ đông chính: Rent A Port (1%); Infra Asia Investment Limited - Hồng Kông (98%); International Port Engineering and Management N.V - Vương Quốc Bỉ (1%).

Năm 2017, liên danh Rent A Port/Tổ hợp khu CN Deep C và Công ty Cảng Azov (Nga) đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác nhằm mục đích nghiên cứu chuyển đổi khu đất 100ha thuộc khu công nghiệp Nam Tiền Phong thành một cụm cảng dọc theo sông Chanh.

Quy hoạch bao gồm: khu tiện ích trung tâm; khu hóa dầu, cảng hàng lỏng và kho bồn chứa; khu xếp dỡ hàng tổng hợp và chuyển tải sang vận tải đường thủy nội địa; khu chế biến ngũ cốc.

Thỏa thuận ký kết hợp tác giữa Rent A Port và Cảng Azov năm 2017.

Trong quá trình chuẩn bị cho phiên họp của Tổ công tác cấp cao về các dự án đầu tư ưu tiên vào cuối tháng 3/2019 tại Hà Nội, Bộ Công Thương nhận được đề xuất của phía Nga về việc đưa dự án nâng cao công suất cảng và phát triển khu công nghiệp Tiền Phong và Đình Vũ - khu công nghiệp Việt Nga.

Để tránh sự nhầm lẫn về phạm vi và nội dung đầu tư, Công ty TPIZ đã có công văn đề nghị xin đổi tên dự án “Đầu tư xây dựng kho cảng xăng dầu và cảng ngũ cốc/đa năng tại khu công nghiệp Nam Tiền Phong và nạo vét luồng sông Chanh”.

Tại cuộc họp ngày 27/3/2019 giữa hai Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Liên Bang Nga, hai bên đã thống nhất danh mục các dự án đầu tư ưu tiên Việt - Nga, theo đó đây là dự án số 17 với tên gọi dự án khu công nghiệp Việt - Nga do Công ty Cổ phần khu công nghiệp Tiền Phong và Công ty Cảng Azov (Nga) thực hiện.

3 dự án thành phần quan trọng

Dự án khu công nghiệp Việt - Nga được chia làm 3 dự án thành phần với nội dung và quy mô đầu tư gồm: dự án đầu tư xây dựng cảng ngũ cốc/đa năng; dự án đầu tư xây dựng kho cảng xăng dầu; dự án đầu tư xây dựng nạo vét luồng hàng hải sông Chanh.

Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng cảng ngũ cốc/đa năng có quy mô diện tích sử dụng đất 11ha, bến cảng dài 276m, phía ngoài tiếp nhận tàu 50.000DWT, phía trong tiếp nhận tàu 2.000DWT.

Tổng mức đầu tư dự án 75,1 triệu USD, nguồn vốn đầu tư do Công ty khu công nghiệp Việt - Nga (VRIP) và Công ty Cảng Azov huy động. Dự kiến đầu tư từ 2019 và năm 2021 đưa cảng vào khai thác.

Dự án thành phần thứ 2 là đầu tư xây dựng kho cảng xăng dầu có diện tích 5,7ha, kho xăng dầu sức chứa 96.000m3, bến cảng dài 270m, phía ngoài cho tàu đến 40.000DWT, phía trong cho tàu đến 2.000DWT.

Dự án có tổng mức đầu tư 47,1 triệu USD, nguồn vốn do VRIP và Cảng Azov thực hiện. Dự kiến được đầu tư từ năm 2019 – 2021 và năm 2021 đưa kho cảng vào khai thác.

Quy hoạch xây dựng đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt vào ngày 29/9/2014. Tuy nhiên, quy hoạch kho xăng dầu chưa có tên và vị trí cụ thể, vì quy hoạch này thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương.

Dự án thành phần thứ 3 là đầu tư xây dựng nạo vét luồng hàng hải sông Chanh có tổng mức đầu tư 61 triệu USD, nguồn vốn đầu tư được phía Nga đề nghị xem xét việc chi phí chia đều giữa UBND tỉnh Quảng Ninh, Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư (TPIZ - Azov). Dự án này có chiều dài luồng 6km, cỡ tàu hành thủy giai đoạn 1 là tàu 30.000DWT.

Đáng chú ý, dự án nạo vét đã được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận chủ trương giao Công ty Đồng Phát thực hiện dự án xã hội hóa. Thế nhưng, hiện dự án đang xin ý kiến của tỉnh Quảng Ninh, chưa triển khai và đang tạm dừng theo chỉ đạo của Chính phủ.

Vướng mắc chính của dự án

Tại công văn số 21/3/2019 của Công ty Cổ phần khu công nghiệp Tiền Phong gửi Vụ Âu Mỹ đề nghị: “Để có cơ sở thỏa thuận với Bộ Giao thông vận tải về quy mô và vị trí xây dựng bến cảng xăng dầu, kính đề nghị Bộ Công Thương chấp thuận, bổ sung kho xăng dầu khu công nghiệp Nam Tiền Phong vào quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035”.

Theo quy hoạch phát triển hoạt động kho dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt vào ngày 13/7/2017, kho xăng dầu tại khu công nghiệp Nam Tiền Phong chưa có trong quy hoạch. Do vậy, chủ đầu tư cần thực hiện thủ tục hồ sơ theo quy định tại Thông tư 39 của Bộ Công Thương.

Phía Nga mong muốn xây dựng kho cảng xăng dầu, tuy nhiên việc này liên quan tới việc nạo vét luồng lạch sông Chanh để tàu có trọng tải lớn (trên 30.000DWT) đi vào cảng.

Vào tháng 5/2017, Văn phòng Chính phủ có công văn về việc tạm dừng cấp mới các dự án xã hội hóa nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia, kết hợp tận thu sản phẩm; tạm dừng thực hiện đối với các dự án xã hội hóa nạo vét đã phê duyệt, cấp phép nhưng chưa thi công.

Do lo ngại tới việc đầu tư xây dựng cảng xăng dầu tại khu công nghiệp, phía Nga đề nghị phía Việt nam có quan điểm về khả năng tiếp tục thực hiện dự án phát triển khu công nghiệp Việt – Nga trong điều điện không có khả năng tiến hành việc nạo vét luồng sông Chanh.

Liên quan đến việc này, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến của Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Quảng Ninh vào tháng 7/2019 và trong tháng 8/2019, phía Việt Nam đã gửi công hàm cho phía Nga thông báo: “Căn cứ quy định tại Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, Bộ Giao thông vận tải đang hướng dẫn các nhà đầu tư rà soát lại hồ sơ đề xuất dự án nạo vét luồng sông Chanh để đảm bảo phù hợp với thực tế hiện nay về khối lượng nạo vét, phạm vi nạo vét, tiến độ thi công chi tiết, quy định về tận thu sản phẩm, môi trường và ý kiến của UBND tỉnh Quảng Ninh.

Kết quả của việc rà soát này dự kiến sẽ hoàn thành vào quý IV/2019. Sau khi hoàn thành nội dung rà soát, phía Việt Nam mới đủ cơ sở để xem xét việc tiếp tục triển khai dự án nạo vét luồng sông Chanh và đánh giá khả năng triển khai các dự án liên quan tại khu vực (bao gồm dự án khu công nghiệp Việt – Nga)”.

Còn tiếp...

Lệ Chi

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/so-phan-long-dong-cua-du-an-khu-cong-nghiep-viet-nga-gan-128-trieu-usd-o-quang-ninh-20180504224231929.htm