Số phận kỳ lạ của bạn cùng phòng CR7 ở Sporting Lisbon

Thế giới bóng đá đầy rẫy hào quang nhưng cũng vô cùng khắc nghiệt. Mỗi năm có đến cả triệu đứa trẻ gia nhập những lò đào tạo bóng đá trên toàn thế giới. Chỉ chưa đến 1% trong số đó có cơ hội trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, khả năng trở thành cầu thủ nổi tiếng còn mong manh hơn và để được như Lionel Messi hay Cristiano Ronaldo thì đó thực sự là một câu chuyện cổ tích. Câu chuyện về người bạn thân của Ronaldo thời còn ở học viện của Sporting Lisbon là một ví dụ.

Bạn thân của Roni

Chúng ta bây giờ đều biết CR7 là ai, nhưng hãy vặn ngược lại thời gian, vào thời điểm cậu nhóc Cristiano Ronaldo Dos Santos Aveiro mới gia nhập lò đào tạo trẻ của Sporting Lisbon. Bạn bè gọi cậu là Roni, và thường xuyên trêu trọc cậu vì thứ phương ngữ Madeira quê mùa.

Roni dành hết thời gian cho bóng đá, vì thế cậu thường xuyên đi học muộn. Hình phạt cho những lần đi học muộn đó là kéo một chiếc thùng rác lớn và nặng, bọn trẻ vẫn gọi là “xe Ferrari” ra khỏi sân Jose Alvalade. Mỗi lần bị phạt như thế, Roni thường xuyên bị bạn bè chọc ghẹo.

Ronaldo và Ferreira trong đội trẻ Sporting Lisbon.

Ronaldo và Ferreira trong đội trẻ Sporting Lisbon.

“Nó nói với những đứa còn lại: Chúng mày cứ trêu chọc tao nếu muốn, nhưng một ngày nào đó tao sẽ lái một chiếc Ferrari, và tất cả chúng mày sẽ phải mở mắt to ra mà nhìn”, Nuno Nare, cựu HLV của Sporting nhớ lại cách mà cậu bé Roni phản ứng với những lời chế nhạo của chúng bạn.

Năm 33 tuổi, sau khi chuyển đến Juventus với bản hợp đồng trị giá 105 triệu euro, CR7 trở thành đại diện thương hiệu toàn cầu của Ferrari. Gia đình Agnelli, chủ sở hữu của Juve cũng là cổ đông chính của thương hiệu xe thể thao khét tiếng này. Nhưng đó là câu chuyện của tương lai.

Hãy trở lại với cậu bé Roni. Thực tế cậu không có nhiều bạn bè ở đội bóng, thường xuyên phải đẩy chiếc “Ferrari” một mình trong tiếng cười đùa của đám bạn. Cho đến khi cậu kết thân được với Fabio Ferreira.

Giống như Roni, Ferreira là một cầu thủ trẻ đầy triển vọng. Thậm chí lúc đó, nhiều người cho rằng Ferreira còn có tương lai sáng sủa hơn Roni. Ferreira là một tiền đạo đầy năng lượng, có sức mạnh thể chất, khả năng bứt tốc và săn bàn tuyệt vời.

“Fabio mạnh kinh khủng, rất khó để ngăn cản nó trong những tình huống một đối một, thực sự ấn tượng đấy” - HLV đội trẻ Sporting, Joao Couto nhớ lại – “Nó chắc chắn là một trong những niềm hy vọng lớn nhất của chúng tôi. Khi nó khoảng 15 tuổi, nó phải bằng với 10 người khác trong đội cộng lại".

Giống như Roni, Ferreira cũng phải xa nhà. Quê ở Monte Gordo, Algarve, giọng nói của Ferreira cũng bị các đồng đội Lisbon chế giễu. Trong khi nhiều cầu thủ trẻ ở học viện của Sporting về nhà vào cuối tuần, Roni và Ferreira ở lại trong ký túc xá. Hoàn cảnh tương đồng, họ kết thân với nhau nhanh chóng. Không chỉ là những người bạn cùng phòng, bất cứ khi nào Roni cần sự giúp đỡ để “đẩy Ferrari”, Ferreira cũng có mặt và ngược lại.

Hai thân phận khác, dẫu tên người vẫn vậy

Roni và Ferreira dính nhau như sam. Họ song hành bên nhau trong giấc mơ trở thành một ngôi sao sân cỏ. Cả hai cùng được triệu tập vào đội U15 Bồ Đào Nha và Ronaldo ghi bàn ngay trong trận ra mắt gặp đối thủ đến từ Nam Phi. Ferreira là người đầu tiên chạy đến ăn mừng cùng bạn thân.

Vào thời điểm đó, Ronaldo thường ăn bữa trưa và bữa tối trong một nhà hàng tên là Tobisbar, cách Alvalade 15 phút đi bộ. Đó là một điểm phổ biến cho người dân địa phương, nằm trong trong khu phố Lumiar ở vùng ngoại ô phía Bắc Lisbon.

Cuối những năm 90, có rất nhiều băng đảng xã hội đen hoạt động ở Lumiar. Trong một lần đến nhà hàng, Ronaldo bị 5 gã thanh niên cầm dao đe dọa, chúng “tố” cậu đã đánh một thành viên trong đội. Ronaldo thề đã không làm điều đó nhưng vẫn bị đấm vào mắt. Ronaldo nói thật, vì người “tẩn” gã giang hồ đó chính là Ferreira.

Đó không phải là lần đầu tiên hai người bị nhầm lẫn. Ronaldo và Ferreira thường bị nhầm anh em. Họ trông khá giống nhau, cả hai đều có mái tóc xoăn ngắn và luôn đi chơi cùng nhau.

Nhưng câu chuyện nhỏ về đám xã hội đen kia cũng chính là lý do vì sao Ronaldo và Ferreira không thể song hành trong giai đoạn tiếp theo của sự nghiệp. Lần cuối cùng họ đá với nhau là ở vòng loại giải U17 châu Âu, U17 Bồ Đào Nha hạ U17 Andorra 4-0 ngày 8-3-2002, Ronaldo ghi một cú đúp và Ferreira cũng lập công. Không ai nghĩ rằng đấy là lần cuối cùng họ được ăn mừng với nhau. 6 tháng sau Ronaldo ra mắt đội 1 của Sporting Lisbon và mùa hè 2003, anh chuyển đến M.U, câu chuyện sau đó cả thế giới đã biết.

Còn Ferreira? Anh không bao giờ chen chân được vào đội 1. Những vấn đề ngoài sân cỏ là lý do chính, nó hủy hoại Ferreira trước khi một chấn thương đầu gối đánh gục tài năng trẻ này. Ferreira hoang dã và bản năng đã vứt đi những gì được số phận ban tặng. Anh là người cao nhất, khỏe nhất, mạnh mẽ nhất trong số các bạn bè cùng trang lứa.

Nhưng vào giai đoạn chuyển tiếp cuối cùng của một cầu thủ trẻ và một cầu thủ đội 1, sự vượt trội về thể chất không còn là yếu tố quyết định, thì Ferreira hoàn toàn mất phương hướng. Ronaldo đã bỏ anh lại quá xa, với những nỗ lực phi thường để hoàn thiện bản thân.

Ferreira nhanh chóng rơi vào quên lãng. Từ chỗ là một tài năng triển vọng, bây giờ anh chỉ còn được nhớ tới như là một người bạn cùng phòng thưở thiếu thời của siêu sao bóng đá số 1 hành tinh, một trong những người vĩ đại nhất lịch sử môn thể thao này.

Sự tự phụ đã hủy hoại sự nghiệp Ferreira

Ferreira rời Sporting Lisbon sau mùa 2003/04. Anh từng thi đấu ở hạng bán chuyên Bồ Đào Nha với mức lương 580 euro/tháng, mức thu nhập tối thiểu của quốc gia. Fabio Ferreira hiện đang sống ở Algarve, nghề nghiệp chính của anh là buôn bán vỏ sò làm đồ thủ công, và tất nhiên không bao giờ bị các tay săn ảnh hay người hâm mộ làm phiền.

Carlos Saleiro, người cùng lứa với Ronaldo và Ferreira ở Sporting Lisbon cho rằng chính việc phát triển quá nhanh đã khiến Ferreira không có được ý chí khủng khiếp như Ronaldo: “Ferreira đã đi trước Ronaldo một vài bước, điều đó làm khát khao trở thành người giỏi nhất không có ở Ferreira nhưng đã tạo nên sự khác biệt cho Ronaldo".

Ferreira đã quá tự phụ vào tài năng thiên bẩm của mình và không coi việc luyện tập là trọng tâm chính. Nói như Salreiro, Ferreira thích đi làm những việc “tào lao” bên ngoài hơn. Trong khi đó, Ronaldo ở lại ký túc xá, tập một cách điên cuồng vì không có nền tảng thể chất lý tưởng như cậu bạn thân. Và định mệnh chỉ chọn 1 người để tỏa sáng.

Đơn Ca

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-thao/so-phan-ky-la-cua-ban-cung-phong-cr7-o-sporting-lisbon-587978/