Số phận con người ở những thời khắc lịch sử trong tiểu thuyết 'Núi không đỉnh' của Vĩnh Trà

Tiểu thuyết 'Núi không đỉnh' của nhà báo, nhà văn Vĩnh Trà được xây dựng bởi hai tuyến nhân vật đối lập nhau: cao thượng và thấp hèn, tốt và xấu, thiện và ác… Thông qua các nhân vật, tác giả giúp bạn đọc không chỉ nhìn rõ được hoàn cảnh, sự việc, bộ mặt chiến tranh, xã hội mà còn 'đọc' được vấn đề muôn thuở của thân phận con người!

Thành Vượng, Hồng Tớp, Thảo Nguyên… là những nam thanh, nữ tú có cùng nguyện vọng, cùng chung chiến hào. Giữa lúc “thanh niên ba sẵn sàng, phụ nữ ba đảm đang” (tr.25), con trai vác gậy Trường Sơn lên đường vào Nam chiến đấu, con gái hăng hái đi thanh niên xung phong, họ lên đường bất chấp gian khổ, thiếu thốn, hy sinh… Nhưng lại có những kẻ ở lại hậu phương, tìm trăm phương ngàn kế để leo lên ghế quyền lực, nhằm đục khoét, vơ vét bất chấp đạo lý. Những kẻ đó là ai? Là Hậu Ỉn (Dái Đen), là Vương Bộ…

Thành Vượng - chàng trai làng Thượng, “gầy, đen, nhỏ thó, nhưng ánh mắt tinh nhanh, học đâu nhớ đấy”, sớm mồ côi cha, lớn lên trong sự chở che, đùm bọc của mẹ và bà, nhưng “trời có mắt, cho thằng bé học một lèo lên đến đại học”. (tr.10). “Rồi một ngày Thành Vượng vào chiến trường đánh Mỹ” (tr.11) gặp Thảo Nguyên, một “cô giao liên trẻ măng, AK kẹp nách” (tr.22), lúc học cấp ba giỏi văn có tiếng, từng “đạt giải Nhì thi văn Miền Bắc” (tr.25). Thảo Nguyên cũng khát khao học văn sư phạm, hoặc tổng hợp, nhưng vì “cả nước tòng quân diệt giặc”, “mình em đi đại học, có mà dở người. Em trốn đấy. Mẹ em khóc hết nước mắt.” (tr.25) Trên chiến trường khét mùi thuốc súng “một thời tàn khốc” ấy (tr.22), họ gặp nhau. Qua những lời đối thoại ngộ nghĩnh, dí dỏm, tinh nghịch, đằm thắm buổi đầu ấy nó đã neo lại trong tim hai người suốt cả cuộc đời. Thật kỳ lạ!

“Thành Vượng đi B dài, làm phóng viên chiến trường” (tr.28), lúc chia tay, Thảo Nguyên nói khi nào chán đánh nhau thì đến binh trạm Con Mèo gặp nhau! Từ cô giao liên, Thảo Nguyên được đi học và trở thành y tá cứu thương. Họ lại gặp nhau nơi trạm quân y tiền phương, “họ kể hết chuyện này đến chuyện khác, có nhiều chuyện không đâu vào đâu, những câu hỏi vu vơ, nhưng vẫn cứ nói, vẫn cứ hỏi, miễn là được nghe tiếng nhau, nhận ra hơi thở của nhau” (tr.35). Rồi lại chia tay, Thành Vượng đi chiến trường, bị thương, gặp lại Thảo Nguyên, được Thảo Nguyên chăm sóc, hồi phục mau chóng. Tình yêu của họ càng nồng nàn, thắm đượm, “Thành Vượng chỉ biết cảm ơn và im lặng tìm cách đền bù… Đền bù cả đời. Bây giờ chỉ nói hai tiếng thôi: yêu em.” (tr.43)

Chiến tranh khiến thời khắc gặp nhau như chớp mắt, “bom dội mịt mù, đạn pháo cày xới ngày đêm… xé nát binh trạm thành nhiều mảnh” (tr.49), đã hất hai người về hai phía. Thành Vượng đi về phía đồng bằng, Thảo Nguyên đi về phía tây. Do sự dữ dội của chiến tranh và thiên nhiên hung hãn tàn phá, Thảo Nguyên và người cùng trong đơn vị công binh - Cu Sót không nhận ra đường về đơn vị, “không có cách gì để liên lạc với bên ngoài” (tr.51). Hai người lạc giữa rừng già, giữa những trận mưa khủng khiếp! Những lúc ấy, Cu sót lại lên cơn sốt, một mình Thảo Nguyên chống trọi, quả là “thân gái dặm trường”! Thảo Nguyên nhớ mong Thành Vượng cháy ruột, cháy gan, những kỷ niệm lại ùa về đẹp biết bao, “chỉ có thế là Nguyên đã nằm trọn trong lòng anh” (tr.51). Nhưng tất cả những hồi ức đẹp đẽ đó không thể vượt qua được cái hiện thực khắc nghiệt, đắng cay, quay quắt, “giữa hang sâu, tối thui, lạnh ngắt, chỉ một mình em và Cu Sót” (tr.52). Thảo Nguyên phải ôm Cu Sót thật chặt cho đỡ rét, khi tỉnh dậy thấy môi nóng rực của anh ta dính chặt vào má. Rồi những cơn mưa rừng khủng khiếp, nước tràn vào hang, Thảo Nguyên, Cu Sót “chỉ có hướng tây, chỉ một lối là đi lên, bám theo đá tai mèo, tìm hang mới để trú ngụ” (tr.53). Họ thay nhau đi tìm dân, bộ đội nhưng vô vọng. Họ sống lần mò trong rừng, kiếm cá khe, hoa chuối rừng để sống tạm bợ. 60 ngày trong rừng, “râu, tóc Cu Sót đã dài, lù xù như người rừng. Chẳng lẽ Thảo Nguyên cũng thành người rừng ư?” (tr.54). Thế rồi chuyện gì đến, phải đến! “Nhưng anh ơi, em phải đánh bật cơn đau thấu ngực để nói thật, không thể dấu diếm rằng: Thảo Vượng không phải là con ruột của anh. Là của riêng em. Kẻ gây ra hậu quả là Cu Sót. Những ngày lạc rừng, em đã chống chọi quyết liệt để khỏi bị hắn cưỡng bức. Nhưng không hiểu sao đến đêm cuối cùng ra khỏi cửa rừng, em lại không chống cự nổi. Em yếu đuối và buông xuôi.” (tr.265)

Thành Vượng bị thương, mất trí nhớ, nhưng trong tiềm thức vẫn không quên Thảo Nguyên. Những cơn mê sảng, luôn gọi Thảo Nguyên! Được sự cứu chữa của các bác sĩ, đặc biệt là Thuận Lý, Thành Vượng khỏi, anh đi tìm Thảo Nguyên khắp nơi, nhưng không thấy. Đã ngoài năm mươi tuổi, khi trở thành phóng viên gạo cội, về Đài Sông Hồng, biết tin, anh lại đi tìm mới gặp được Thảo Nguyên trong cơn bạo bệnh, không phương cứu chữa. “Thành Vượng cúi sát mặt người yêu nói điều gì đó. Hai mắt Thảo Nguyên hé mở, đủ cho giọt nước mắt cô đọng lăn trong trên gò má.” (tr.267) Đau xót biết nhường nào!

Điều đáng ghi nhận ở cuốn tiểu thuyết này là Vĩnh Trà đã hướng tới số phận của cá nhân trong chiến tranh bằng một tư duy khá mới mẻ. Những nhân vật như Thành Vượng, Thảo Nguyên đều có cái đau khổ, mất mát riêng càng tô đậm thêm sự khốc liệt, tàn phá của chiến tranh. Thành Vượng bị thương, mất trí nhớ, lạc người yêu, khi trở thành phóng viên gạo cội vẫn chưa lập gia đình, chỉ một ý nguyện đi tìm người yêu. Đau xót thay, khi tìm thấy thì người yêu ra đi mãi mãi! Thảo Nguyên cũng có nỗi đau quá lớn, chẳng những không tìm được người yêu mà phải chung đụng với Cu Sót, một kẻ “người chả ra người, ngợm chả ra ngợm” (tr.52) suốt ba tháng giữa rừng và rồi có thai với hắn. Khi chiến tranh kết thúc, trở về nhà, bố mẹ đều đã chết, họ hàng thân tích cũng chẳng còn ai, Thảo Nguyên phải đến sống ở làng “cô đơn” với những chị em thanh niên xung phong cũng vì chiến tranh quá lứa lỡ thì, không chồng con, không gia đình. Thảo Nguyên sinh Thảo Vượng ở đó. “Thảo Nguyên vào trung tâm được tặng danh hiệu ba nhất: Trẻ nhất, xinh nhất, và lắm bệnh nhất. Chất độc da cam ngấm vào máu, vào xương tủy, tâm can, tinh thần rồi bung ra tàn phá tất cả, khiến Thảo Nguyên nhanh nhẹn, tháo vát, yêu đời, thích ca hát một thời thành người già hơn tuổi, ủ rũ trên giường, im lặng trước mọi người.” (tr.146) Tác giả đã khai thác yếu tố bi kịch trong số phận mỗi cá nhân bằng cách kể, tả, phân tích khá kỹ với cách nhìn không đơn giản, phiến diện, giúp cho người đọc hứng thú, suy nghĩ, chiêm nghiệm. Vĩnh Trà đã nhìn thẳng vào những đau khổ, bất hạnh của con người, những bi kịch đời thường sau chiến tranh, chính vì vậy đã giúp người đọc ý thức hơn về ý nghĩa cuộc sống và sống có trách nhiệm hơn với xã hội và chính mình.

Xoáy sâu vào mâu thuẩn tự thân của con người, Vĩnh Trà tập trung khai thác những bi kịch gây hiệu ứng mạnh cho bạn đọc, có thể coi đây là thành công của ông. Tiểu thuyết “Núi không đỉnh” hấp dẫn người đọc ở chỗ dồn đẩy tình huống truyện, nhiều tình huống bất ngờ và kịch tính. Hai quãng đời của Thảo Nguyên được đặt cạnh nhau, chông chênh và mong manh, những đổ vỡ luôn rình rập, bi kịch nối tiếp bi kịch, khiến người đọc thấp thỏm lo âu cho số phận nhân vật. Cái tài của Vĩnh Trà là tạo dựng được tình huống đặc biệt cho nhân vật, sống trong lo âu, nhớ nhung, dằn vặt, đau đớn, giằng xé và được trải nghiệm trong hoàn cảnh đó. Bi kịch vừa giúp tái hiện sự ngổn ngang trong hiện thực cuộc đời, tâm lý con người, vừa để lại cách nhìn nhận, đánh giá cuộc sống. Hơn nữa nó là “ngòi nổ” để tác giả dẫn dắt những tình huống truyện gay cấn, khắc họa nội tâm nhân vật.

Tiểu thuyết “Núi không đỉnh” có những đoạn văn ngoại đề trữ tình thật xúc động! Và phần ngoại đề trữ tình đó được trải dài đan xen với truyện, từ đó thể hiện rõ những ý nghĩ, cảm xúc, tâm trạng riêng của tác giả trước nhân vật, trước cuộc sống! Thành Vượng, Thảo Nguyên là những con người có ý chí, nghị lực, giàu sức sống nhưng cũng là những người chịu mất mát trong chiến tranh, từ tuổi trẻ, tình yêu, một phần xương máu… đến khi hòa bình vẫn tiếp tục chịu đựng, hy sinh. “Tất cả mọi đau đớn, mất mát của chúng mình là vì chiến tranh phải không anh?” (Tr.150) Thảo Nguyên mang trong mình di chứng của chiến tranh, cho đến những ngày cuối đời vẫn đau đớn và dằn vặt. Dằn vặt vì chưa cho con gái biết cha nó là ai, dằn vặt vì chưa gặp được người yêu để nói lời sám hối cuối cùng. Đau đớn vì bệnh tật… đến nỗi viết thư cho người yêu mà cơn đau làm cho gián đoạn. Thành Vượng thì dành cả cuộc đời đi tìm Thảo Nguyên và khi tìm thấy, ghé sát tai vào miệng người yêu nhưng chẳng nghe được gì, chỉ nghe tim rỉ máu, rồi đưa tay vuốt mắt cho người yêu!

Nỗi đau và nỗi nhớ của hai người thường diễn ra trong chiêm bao, trong tâm trưởng, trong những cơn mê sảng. Theo lời trăng trối của Thảo Nguyên, Thành Vượng nhận Thảo Vượng là con, mặc dù đây không phải là kết quả của tình yêu mãnh liệt giữa hai người. Cả hai giấu kín sự thật cay đắng này với Thảo Vương, họ không muốn làm u ám và vẩn đục tâm hồn con trẻ! Cái cao đẹp của tâm hồn người lính là đức hy sinh, là ý chí, nghị lực, là lòng vị tha, nhân hậu. Họ đã cố ghìm mình, tỏ ra cứng cỏi nhưng lòng thì nhỏ lệ, trái tim thì rỉ máu. Những đoạn văn ngoại đề trữ tình trong tác phẩm chính là lời tự thuật chân thực khiến người đọc càng cảm động trước sự cao cả, tinh khiết, mãnh liệt của tình yêu. Lời người dẫn truyện là tác giả cũng sâu sắc và thấm đượm tình yêu người, thấu hiểu nhân tâm!

Là yếu tố ngoài cốt truyện, nhưng những đoạn văn ngoại đề trữ tình đã thể hiện và giãi bày những cảm xúc, những ấn tượng, tình cảm, tư tưởng chủ quan và làm rõ thêm quan điểm nghệ thuật của Vĩnh Trà đối với hiện thực mà ông mô tả. Viết về thói ma mỵ của những kẻ thoái hóa biến chất, cơ hội chính trị như Hậu Ỉn, Vương Bộ, tác giả đã khai thác triệt để, lật ngửa mặt trái của đạo đức suy đồi bằng cái nhìn sắc sảo, ráo riết.

Hậu Ỉn tức Dái Đen, anh ruột của Cu Sót là “bạn chăn trâu, cắt cỏ” (tr.16) của Thành Vượng, học hết lớp 4 thì bỏ học, bỏ cả mẹ cha, các em, làng Thượng mà đi. Chẳng ai biết nó đi đâu, khi “Thành Vượng học hết cấp ba, lên đại học mà Dái Đen vẫn chưa một lần về làng (tr.21). Hóa ra, “năm chiến tranh phá hoại ác liệt”, hòa vào “đoàn học sinh tuyến lửa ra sơ tán” (tr.235), Dái Đen được ông Bon họ Đoàn, không có con, nhận làm con nuôi, cho lấy họ Đoàn và đổi tên là Hậu. Hắn là Đoàn Văn Hậu bây giờ! Được ông bà Bon chiều chuộng, hắn sinh hư, đốn mạt và ma mãnh từ khi ấy. Nhờ ranh mãnh, “khua môi múa mép” hắn “cứ lên vù vù” (tr.237). “Lên đến quan huyện là hắn quên quách cái làng Lùn này. Tôi chưa nghe hắn nhắc đến quê hương bản quán trong kia một lần nào. Làm người mà bỏ qua gốc rễ thì tôi hỏi cậu nó là thằng gì?” (tr.237)

Hậu Ỉn là bạn học cấp ba với Hồng Tớp, khi Hồng Tớp đi chiến trường, ở nhà, hắn không những không làm tốt công việc của người hậu phương, mà bằng mọi thủ đoạn, cơ hội để leo lên ghế quyền lực. Kẻ cơ hội chính trị như nó, chẳng có quan điểm rõ ràng, cốt sao có lợi cho mình và phe cánh. Qua bức thư của Quýt (bạn học), gửi cho Hồng Tớp, ta thấy tởm lợm về nhân cách, đạo đức của Hậu Ỉn: “Mày biết hắn làm gì không? Mày đi chiến trường được mấy tháng thì hắn làm phó bí thư xã đoàn. Kết nạp Đảng xong hắn lên Bí thư đoàn xã. Hắn yêu trộm cái Hồng từ khi nào không biết. Bao nhiêu thư của mày gửi về cho cái Hồng hắn đón từ nhân viên đưa thư của xã nói là sẽ chuyển hộ, rồi giấu biệt mày ạ. Tệ hại hơn nữa là hắn thì thầm với Hồng là mày đã hy sinh, nhưng không dám báo tin, sợ mẹ mày suy sụp…” (tr.87). Lừa lọc và xảo trá, Hậu Ỉn đã chiếm đoạt cơ thể của Hồng và chiếm đoạt luôn người yêu của Tớp. Những kẻ như Đoàn Văn Hậu tìm mọi cách ở lại hậu phương để an thân, và đốn mạt hơn là cướp trắng trợn người yêu của bạn, vợ tương lai của chiến sĩ nơi chiến trường. Một bên hy sinh vì nước, một bên lợi dụng để kiếm chác! Khi đã thỏa mãn rồi, hắn đối xử thật tệ với Hồng: “Nay cô gái ấy đã lên bà ngoại, vẫn sống dở, chết dở, mà hắn chẳng ngó ngàng gì. Quan đếch gì hắn.” (tr237).

Người tốt thường chẳng khéo miệng; kẻ xấu lại toàn biết nói điều hay và lắm mưu nhiều mẹo (?!) Những kẻ đạo đức giả như Đoàn Văn Hậu thường che đậy bởi những hành động có vẻ tích cực để ngụy trang cho những động cơ xấu xa, đê tiện của mình. Chẳng thế mà nó đã bịt mắt được tổ chức, hay vì “cái gì đó” mà nó cứ vù vù leo lên quyền lực. Từ xã đoàn, Hậu lên Bí thư huyện đoàn, bí thư huyện ủy, rồi tiến thẳng lên quan tỉnh - “Giám đốc đài phát thanh truyền hình tỉnh” (tr.93). Trong quá trình chuyển đổi, Đoàn Văn Hậu lại được về Trung ương làm Tổng giám đốc đài phát thanh truyền hình Sông Hồng. Quyền lực đã có trong tay, Hậu đi dọa Ban giải phóng mặt bằng để ăn hối lộ. Hậu dùng ghế phó giám đốc để nhử, lừa phỉnh Vương Bộ vào con đường tội lỗi. Dựa vào hoàn cảnh khó khăn của Thảo Vượng, cần việc làm để có tiền chạy chữa cho mẹ trong cơn bạo bệnh, Đoàn Văn Hậu đưa Thảo Vượng vào làm thư ký cho mình và dở trò đồi bại trên nhan sắc, xác thịt của cô. Tệ hại hơn, khi biết Thảo Vượng là người yêu của con mình, Hậu vẫn không tha mà càng lún sâu vào tội lội, vào ô uế, “đêm ấy thật là dài lê thê, dài hơn nỗi sợ hãi. Không biết Đoàn Văn Hậu uống thuốc hay loại rượu gì mà hắn nhấp nhổm không chán. Xong một hiệp hắn lại vớ chai rượu để sẵn đầu giường tu đánh ực. Làm tiếp…” Nhục nhã và loạn luân khi bác ngủ với cháu ruột!

Dựa vào quyền lực, Đoàn Văn Hậu chỉ đạo chia chác đất đai, chính hắn tham ô hai suất đất biệt thự liền kề, khi sự việc vỡ lở, nhiều đơn thư tố cáo, Hoàng Thinh, một phóng viên ngay thẳng, trung thực cũng vào cuộc phanh phui sự việc. Để bịt mồm người ngay thẳng, Hậu giao cho Vương Bộ thuê thằng bịt mặt đâm xe làm Hoàng Thinh hôn mê. Hậu lại chỉ đạo Vương Bộ đưa kẻ bịt mặt lên cầu và đẩy xuống sông với ý định phi tang tất cả. Với bao tội lỗi khiến đất không dung, trời không tha của Đoàn Văn Hậu, Vương Bộ, bọn chúng đã bị kết tội tham nhũng, “bắt tạm giam Đoàn Văn Hậu, cho Vương Bộ tại ngoại vì đang cấp cứu” (tr.295). Lưới trời lồng lộng – chạy đâu thoát tội!

Đọc “Núi không đỉnh” của Vĩnh Trà, ta thấy cả một thế giới nhân vật dù chính hay phụ, chính diện hay phản diện hiện lên vô cùng sinh động, chân thực. Thông qua cuộc đời, số phận nhân vật, tác giả gửi gắm đến bạn đọc bài học về sự sống, nỗi khát khao hòa bình, xóa bỏ chiến tranh, mặt khác lên án, tẩy chay những kẻ đạo đức giả, bon chen, vụ lợi, cơ hội chính trị để leo lên nắn quyền lực hại dân, hại nước!

Hà Nội, ngày 19 tháng 8 năm 2020

PGS, TS. Nguyễn Thị Trường Giang

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/so-phan-con-nguoi-o-nhung-thoi-khac-lich-su-trong-tieu-thuyet-nui-khong-dinh-cua-vinh-tra-n21072.html