Số phận chiếc MIG-25 bị đánh cắp

Ngày 6/9/1976, một chiếc máy bay tiêm kích MiG-25 của Liên Xô đã bị đánh cắp sang Nhật Bản.

MiG-25P

MiG-25P

Ngày 9 tháng 9 năm 1964, chiếc máy bay tiêm kích đánh chặn E-155P-1 đầu tiên cất cánh, và sau khi hoàn thành chương trình thử nghiệm, nó được mang ký hiệu MiG-25.

Máy bay tiêm kích đánh chặn hai động cơ MiG-25 là loại máy bay hoạt động ở tầm cao, có tốc độ siêu thanh, được phương Tây đặt cho biệt danh là Foxbat (cáo bay-ND), thuộc về loại máy bay thế hệ thứ ba.

Đây là loại máy bay mang nhiều đặc tính độc đáo, thiết lập rất nhiều kỷ lục thế giới, trong đó có một số kỷ lục hiện vẫn chưa có máy bay nào vượt qua.

Máy bay chiến đấu đánh chặn mới đã vượt qua các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước từ tháng 12/1965 cho đến tháng 4/1970, sau đó nó được chính thức đưa vào sử dụng trong Lực lượng không quân Liên Xô vào tháng 5/1972.

Tính tổng cộng, từ năm 1966 đến 1985, Nhà máy sản xuất máy bay tại thành phố Gorky đã lắp ráp được 1.186 máy bay MiG-25 với nhiều phương án chỉnh sửa, và một phần trong số máy bay trên đã được xuất khẩu sang các nước như: Algeria, Bulgaria, Iraq, Iran, Libya và Syria.

Timnăngvà nhngkỷ lục

Liên Xô đã bắt đầu nghiên cứu chế tạo loại máy bay chiến đấu đánh chặn mới từ đầu những năm 1960. Tại thời điểm này, những nỗ lực chính của Cục nghiên cứu Thiết kế Hàng không OKB-155 tập trung vào hai dự án: nghiên cứu sửa đổi, làm mới máy bay chiến đấu MiG-21 và chế tạo một loại máy bay chiến đấu hoàn toàn mới, phát triển tốc độ lên tới 3000 km / h ở độ cao 20.000 mét.

Ban đầu, MiG 25 được tạo ra như một sự đáp trả trước sự xuất hiện của máy bay chiến đấu mới của Mỹ. Nhiệm vụ chính của nó là chiến đấu với máy bay ném bom siêu thanh B-58 mới và các phiên bản khác của loại máy bay này, cũng như máy bay ném bom XB-70 “Valkyrie” đầy hứa hẹn và máy bay trinh sát siêu thanh chiến lược SR-71 “Sáo đen”.

Những đổi mới của Mỹ trong tương lai dự kiến sẽ phát triển về tốc độ bay vượt tốc độ âm thanh ba lần. Đó là lý do buộc Cục thiết kế của Mikoyan phải nghiên cứu chế tạo ra máy bay mới đạt tốc độ 3 Mach và tự tin bắn trúng các mục tiêu trên không trong phạm vi độ cao từ 0 đến 25 nghìn mét.

MiG-25P

Nhìn bề ngoài, máy bay chiến đấu mới được thiết kế hai đuôi, cánh hình thang có độ dài vừa phải và các khe hút gió gắn bên hông được chèn giữa một tấm nằm ngang.

Do phải tính toán đến các yêu cầu về tốc độ cao của máy bay và trọng lượng cất cánh lớn (trọng lượng cất cánh tối đa 41.000 kg) nên ban đầu máy bay được thiết kế hai động cơ. Hai động cơ tua-bin phản lực R-15B-300 được lắp đặt cạnh nhau ở phần đuôi của máy bay.

MiG-25 là máy bay chiến đấu đánh chặn đầu tiên của Liên Xô có thể đạt tốc độ tối đa 2,83 Mach (3000 km/h). Chiếc máy bay dường như đã được tạo ra để ghi nhận các kỷ lục, trước hết là sự khác biệt về đặc điểm tốc độ và độ cao tuyệt vời.

Nhiều kỷ lục thế giới đã được thiết lập trong quá trình thử nghiệm và sản xuất máy bay chiến đấu trong tương lai. Tổng cộng, các phi công thử nghiệm của Liên Xô đã thiết lập 38 kỷ lục hàng không thế giới về tốc độ, tốc độ vọt lên, trong số đó có ba kỷ lục tuyệt đối.

Mặc dù khi MiG-25 đã bắt đầu được sản xuất hàng loạt, người ta vẫn tiếp tục sử dụng một phần các máy bay để thử nghiệm, bao gồm cả việc thiết lập các kỷ lục thế giới mới. Ví dụ, ngày 17/5/1975, MiG-25 đã đạt thêm một số kỷ lục về tốc độ vọt lên.

Dưới sự điều khiển của phi công Alexander Fedotov, MiG-25 đã chinh phục độ cao 25.000 mét trong 2 phút 34 giây, còn thời gian vọt lên tới độ cao 35.000 mét là 4 phút 11,7 giây.

Trong số những kỷ lục nổi tiếng nhất cho đến nay vẫn chưa bị xô đổ là kỷ lục về độ cao dành cho máy bay có động cơ phản lực. Kỷ lục thế giới tuyệt đối được xác lập vào ngày 31/8/2017, do phi công thử nghiệm Alexander Fedotov thực hiện.

Dưới sự điều khiển của anh, máy bay chiến đấu đánh chặn MiG-25 đã bay lên tới độ cao 37.650 mét. Sự khẳng định về khả năng vượt trội của máy bay chiến đấu đánh chặn MiG-25 là việc 3 phi công thực hiện chương trình thử nghiệm máy bay này đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, trong đó có Phi công thử nghiệm ưu tú của Liên Xô là Stepan Anastasovich Mikoyan và các phi công hàng đầu trong lĩnh vực này: Alexander Savvich Bezhevets và Vadim Ivanovich Petrov.

MiG-25RB

Trảinghiệmchiến đấu đầutiêncủaMiG-25

Máy bay chiến đấu mới của Liên Xô ra đời vào thời kỳ xảy ra cuộc xung đột quân sự giữa Ai Cập và Israel, từ năm 1967 đến năm 1970.

Tại Ai Cập, máy bay MiG-25R và MiG-25RB đã được đưa ra thực nghiệm. MiG-25RB là loại máy bay ném bom trinh sát hiện đại nhất vào thời điểm đó. Ngoài việc trinh sát bằng hình thức chụp ảnh và thông tin vô tuyến, MiG-25RB còn có thể ném bom các mục tiêu trên mặt đất của đối phương.

Theo thông báo trên trang web chính thức của Tập đoàn sản xuất máy bay MiG, khái niệm về tổ hợp trinh sát – tấn công lần đầu tiên được đưa ra ở Liên Xô là nói về MiG-25RB và các model tiếp theo của nó. Khái niệm này đã đi trước thời đại trong nhiều năm, và mãi tới cuối thế kỷ 20, nó mới trở nên phổ biến trong ngành hàng không quân sự thế giới.

Các cuộc thử nghiệm máy bay mới nhất của Liên Xô ở Ai Cập diễn ra từ ngày 10/10/1971 đến tháng 3/1972. Trong suốt thời gian này, MiG-25 của Liên Xô đã thực hiện các chuyến bay trinh sát trên bán đảo Sinai, khi đó đang bị quân đội Israel chiếm đóng.

Theo phía Israel, những chiếc máy bay “không thể xác định” tiếp tục bay qua Bán đảo Sinai vào tháng 4 và tháng 5/1972. Và trong một thời gian dài, quân đội Israel không thể xác định mô hình loại máy bay xuất hiện ở Ai Cập, nên đã đặt cho chúng nhiều cái tên khác nhau như “MiG-21 Alpha” hoặc “X-500”.

Không quân Israel đã phái máy bay chiến đấu Mirage III và F-4 để đánh chặn MiG-25, nhưng những nỗ lực này đã không mang lại kết quả nào, không có quả tên lửa nào phóng lên bắn trúng được máy bay chiến đấu của Liên Xô.

Quân đội Israel cũng đã thử sử dụng hệ thống phòng không HAWK của Mỹ, song tình hình cũng không được cải thiện thêm, tổ hợp này cũng tỏ ra vô dụng trước MiG-25.

Theo lời kể của các phi công tham gia thử nghiệm máy bay ở Ai Cập, các chuyến bay được thực hiện ở chế độ động cơ hoạt động hết công suất. Tốc độ tối đa và độ cao từ 17 đến 23 nghìn mét.

Chỉ sau 3-4 phút cất cánh, máy bay đã tăng tốc lên tốc độ 2,5 Mach, không một loại máy bay nào có thể theo kịp những “con cáo bay” của Liên Xô.

Đồng thời, mỗi phút, động cơ MiG-25 tiêu thụ hết nửa tấn nhiên liệu, do đó, trọng lượng của máy bay giảm xuống, nó trở nên nhẹ hơn và có thể tăng tốc lên tốc độ 2,8 Mach.

Với tốc độ bay như vậy, nhiệt độ không khí ở đầu vào động cơ tăng lên tới 320 độ C, và lớp vỏ máy bay được làm nóng đến mức nhiệt 303 độ. Theo các phi công, trong tình huống như vậy, ngay cả nắp ca-bin buồng lái cũng bị nung nóng tới mức không thể chạm tay vào.

Ngoài ra, MiG-25 còn được Không quân Iraq tích cực sử dụng trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988). MiG-25 được người Iraq sử dụng để trinh sát trên không, đánh chặn các mục tiêu trên không của đối phương và dùng để ném bom.

Những chiếc MiG-25 đầu tiên được Không quân Iraq tiếp nhận từ khi bắt đầu cuộc xung đột vào năm 1979, nhưng do không có đủ số phi công đã qua huấn luyện lái MiG-25, do đó việc sử dụng đồng loạt loại máy bay mới thì mãi tới gần giữa cuộc chiến mới được bắt đầu.

Mặc dù vậy, chính MiG-25 đã trở thành máy bay được Iraq sử dụng hiệu quả nhất về tỷ lệ thắng thua. Trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq, các phi công Iraq đã giành được 19 chiến thắng trên “cáo bay” của Liên Xô, và chỉ bị thiệt hại 2 máy bay tiêm kích đánh chặn và 2 máy bay ném bom trinh sát vì lý do chiến đấu, trong đó chỉ bị mất có 2 máy bay trong không chiến với kẻ địch.

Khi bắt đầu Chiến dịch "Bão táp trên sa mạc", Không quân Iraq có 35 máy bay chiến đấu MiG-25 các loại, phần lớn số máy bay này đã được Iraq sử dụng trong các hoạt động chiến đấu.

Trong giai đoạn đầu của Chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư 1990-1991, MiG-25RB của Iraq đã thực hiện nhiều chuyến bay do thám ở Kuwait, trong khi lực lượng phòng không của quốc gia Ả Rập này không thể chống lại những máy bay vi phạm không phận.

Cuộc bắt cóc MiG-25 sang Nhật

Thượng úy – phi công Viktor Ivanovich Belenko đã làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến số phận của máy bay MiG-25. Ngày 6/9/1976, phi công này đã cướp một máy bay chiến đấu MiG-25 và hạ cánh xuống sân bay của Nhật Bản gần thành phố Hakodate.

Victor Belenko

Viên phi công đã trốn chạy khỏi Liên Xô trong một chuyến bay huấn luyện, sau khi tách khỏi các đồng đội của mình. Belenko hạ máy bay xuống độ cao khoảng 30 mét, vì thế đã tránh khỏi tầm phát hiện của radar Liên Xô và cả radar của quân đội Nhật Bản. Họ chỉ phát hiện ra chiếc máy bay khi viên phi công nâng độ cao lên khoảng 6 nghìn mét.

Các máy bay chiến đấu của Nhật đã cất cánh để đánh chặn, nhưng Victor Belenko lại hạ xuống độ cao 30 mét và một lần nữa lại biến mất khỏi màn hình radar của Nhật Bản.

Ban đầu, viên phi công dự định hạ cánh xuống căn cứ không quân Chitose, nhưng do thiếu nhiên liệu, anh ta buộc phải hạ cánh tại sân bay gần nhất tại thành phố Hakodate.

Sau khi lượn một vòng để xem xét tình hình, viên phi công đã cho máy bay hạ cánh, nhưng đường băng không đủ độ dài để máy bay chiến đấu phản lực siêu thanh hạ cánh, nên chiếc MiG-25 đã lao ra khỏi đường băng, phi tới tận rìa sân bay. Trên đường đi, chiếc máy bay chiến đấu đã phá hủy hai ăng ten của sân bay và băng qua cánh đồng khoảng 200 mét.

Chiếc máy bay ngay lập tức trở thành đối tượng quan tâm của quân đội Mỹ. Họ đã chở chiếc máy bay tiêm kích đánh chặn tới căn cứ không quân của Mỹ trên chiếc máy bay vận tải quân sự Lockheed C-5 Galaxy.

Máy bay chiến đấu mới của Liên Xô đã được người Mỹ nghiên cứu kỹ lưỡng và toàn diện. Các nghiên cứu về chiếc máy bay mới của Liên Xô đã cho thấy phương Tây đã nhầm to về chiếc máy bay này.

Trước đó, các chuyên gia quân sự nước ngoài coi MiG-25 là máy bay chiến đấu đa năng, nhưng máy bay chiến đấu siêu thanh tốc độ cao hóa ra lại là loại máy bay đánh chặn tầm cao chuyên dụng hẹp và để thực hiện nhiệm vụ này, đặc điểm cấu trúc và tính năng kỹ thuật của nó là tốt nhất.

Điển hình là hầu hết tất cả các nhà quan sát nước ngoài đều đồng ý rằng MiG-25 là máy bay chiến đấu đánh chặn tiên tiến nhất thế giới.

Các chuyên gia phương Tây cho rằng mặc dù hệ thống radar của MiG-25 còn có những thiếu sót: đó là hệ thống điện tử và pin còn thô sơ, không có chế độ lựa chọn mục tiêu, so với máy bay chiến đấu F-4, tiêu chí này còn kém xa, tuy nhiên, nhìn chung nó vẫn ưu việt, hơn hẳn các phiên bản của phương Tây.

Các chuyên gia nước ngoài đánh giá, mặc dù còn có sự yếu kém của hệ thống tích điện, song sự tích hợp tổng thể của hệ thống lái tự động, hệ thống điều khiển vũ khí và hệ thống dẫn đường máy bay từ mặt đất đã được thực hiện ở mức tương ứng với các hệ thống phương tây tại thời điểm đó.

Căn cứ vào lượng nhiên liệu còn sót lại trong các thùng xăng máy bay, người Mỹ đã tiến hành kiểm tra tĩnh động cơ, và cho thấy động cơ do Liên Xô chế tạo không hề thua kém Mỹ về khả năng tiết kiệm nhiên liệu. Đối với các nước đang theo đuổi nền kinh tế thị trường thì đây là một tiêu chí quan trọng mà nhiều năm trước đây Liên Xô không quan tâm đặc biệt.

Những dữ liệu đặc biệt có giá trị mà người Mỹ và các đồng minh của họ có được là hệ thống ghi lại nhiệt độ hoàn chỉnh của MiG-25. Những thông tin thu được rất hữu ích trong việc tạo ra các đầu tên lửa đất đối không và không đối đất.

Bộ Ngoại giao Liên Xô đã đạt được mục tiêu đưa chiếc máy bay nói trên trở về Liên Xô, nhưng vào thời điểm đó, tức ngày 15/11/1976, người Mỹ đã kịp hoàn thành việc kiểm tra chiếc máy bay mới, nhận được tất cả các thông tin cần thiết.

Chiếc MiG-25P bị đánh cắp sang Nhật Bản

Hơn nữa, Nhật Bản đã không trả lại phần thiết bị điện tử được cài đặt trên máy bay, đặc biệt là hệ thống nhận dạng “địch-ta”.

Việc tất cả các tính năng kỹ thuật và khả năng của máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-25 mới của Liên Xô rơi vào tay các đối thủ tiềm năng của Liên Xô đã ảnh hưởng đến số phận của loại máy bay này.

Ngày 4/11/1976, chính phủ Liên Xô đã đưa ra nghị định chế tạo một phiên bản mới máy bay chiến đấu đánh chặn; các thay đổi về tính năng kỹ thuật đã hoàn tất chỉ trong vòng 3-4 tuần lễ, nhưng phải sau 2 năm mới hoàn thành phần thử nghiệm và được đưa vào sản xuất hàng loạt.

Trong vòng hai năm, các nhà thiết kế và kỹ sư chế tạo máy bay Liên Xô đã cố gắng thay thế toàn bộ phần cốt lõi của máy bay đánh chặn. Mãi tới năm 1978, việc cho ra mắt loại máy bay tiêm kích đánh chặn mới MiG-25PD và MiG-25PDS mới được thực hiện tại thành phố Gorky.

Nguyễn Quang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/ho-so/so-phan-chiec-mig-25-bi-danh-cap-3386151/