Số phận các cầu thủ Việt Nam đến Nhật Bản chơi bóng

Trước ngày Quang Hải nhận được lời mời từ Renofa Yamaguchi, đã có không ít tài năng đất Việt có cơ hội thử sức khả năng tại Nhật Bản. Nhưng kết quả thì khá trái ngược, có người tạm gọi là thành công, có người thì chỉ đơn thuần 'ra đi để học hỏi'. Hãy cùng Goal.com thử điểm qua những cái tên sau đây.

Tiền đạo LÊ CÔNG VINH | Consadole Sapporo (J2 League 2013)

Tỏa sáng ở V.League 2013 với 14 bàn thắng trong màu áo đội bóng quê nhà SLNA, Công Vinh – người khi ấy đang ở độ tuổi sung sức của sự nghiệp, đã nhanh chóng được đại diện J2 League Consadole Sapporo tiếp cận và chiêu mộ bằng bản hợp đồng có thời hạn 5 tháng. Ngày 22.7, anh chính thức có mặt ở Nhật Bản, khởi đầu chuyến xuất ngoại đầu tiên của cầu thủ Việt Nam ở xứ Phù tang.

Với trạng thái thể lực tốt, thói quen sinh hoạt điều độ, lành mạnh – CV9 không mất nhiều thời gian để hòa nhập cùng đội bóng mới. Gần một tháng sau đó, anh đã có trận đấu ra mắt đội nhà trong chiến thắng 3-0 trước Ehime ở vòng 30 (vào sân ở phút 85 thay Yoshihero Uchimura). Tuy nhiên, khoảng hai tháng cuối mùa là thời gian bùng nổ của tiền đạo xứ Nghệ.

Anh ghi hai bàn vào lưới V-Varen Nagasaki, Vissel Kobe giúp Consadole Sapporo lấy trọn 6 điểm trước các đối thủ này. Tổng cộng, Công Vinh đã có 9 trận ở Nhật Bản, đá chính 5 lần (bị thay ra 2 lần), ghi 2 bàn thắng – góp phần công sức giúp đội nhà cán đích ở vị trí thứ 8 chung cuộc tại J2 League 2013. Một thành tích rất đáng tự hào đối với cầu thủ Việt Nam đầu tiên thi đấu ở Nhật Bản!

Tiền đạo NGUYỄN CÔNG PHƯỢNG | Mito Hollyhock (J2 League 2016)

Chỉ mất một năm được đôn lên đội 1 HAGL tham dự V.League 2015, Công Phượng đã khiến các tuyển trạch viên CLB Mito Hollyhock phải chú ý. Nhân chuyến sang thăm, làm việc ở Hàm Rồng vào tháng 9.2015, GĐKT Mitsushiro Obara đã đạt thỏa thuận với lãnh đạo đội bóng phố Núi về việc mượn CP10 trong một mùa giải.

Ngày 23.12, hợp đồng giữa đôi bên chính thức được ký kết. Công Phượng sẽ mang áo số 16 ở Mito Hollyhock. Một số nguồn tin cũng cho rằng, đại diện J2 League khi đó đã phải “móc túi” không dưới 100 nghìn USD để lấy được những bước chạy của Phượng trên đất Nhật Bản.

Dù vậy, cũng phải đến giữa tháng 2.2016, sau khi hoàn thành chiến dịch U23 châu Á cùng thầy trò HLV Toshiya Miura, số 10 của HAGL mới chính thức xuất hiện ở đội bóng mới.

Thời gian này, cầu thủ sinh năm 1995 chủ yếu tập nhẹ để hồi phục chấn thương dính phải khi khoác áo U23 Việt Nam. Mất hơn 2 tháng “làm nóng”, khoảnh khắc được chờ đợi rồi cũng đến.

Tại vòng 12 J2 League (7.5), Công Phượng được HLV Takayuki Nishigaya tung vào sân ở phút 87 trong trận gặp Giravanz Kitakyushu. Trong ít phút ít ỏi có mặt, tiền đạo xứ Nghệ đã góp chút ít sức lực giúp đội nhà ghi bàn gỡ hòa 1-1 ở phút bù giờ cuối cùng.

Khoảng thời gian 5 tháng còn lại với Công Phượng khá nặng nề. Ngoài một lần duy nhất được sắp đá chính từ đầu trong trong trận thắng 3-0 trước Zweigen Kanazawa ở vòng 26 (nhưng bị thay ra ở phút 53), còn lại ba lần ra sân khác đều xảy ra khi trận đấu đã vào thế “an bài”.

Tại quê nhà, sự kỳ vọng, hy vọng rồi thất vọng của cổ động viên ngày một lớn dần. Đỉnh điểm của sự giận dữ xảy ra vào giữa tháng 6 khi hình ảnh Công Phượng phát tờ rơi ở ga điện ngầm được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.

Tổng cộng, sau 10 tháng gắn bó, Công Phượng được thi đấu 5 trận trong màu áo Mito Hollyhock (ngồi dự bị… 21 trận). Tổng thời lượng ra sân khoảng 80 phút, và không ghi được bàn nào. Dù được chào mời gia hạn, song tài năng xứ Nghệ vẫn chia tay xứ Phù tang để trở về HAGL dự V.League 2017. Theo chia sẻ từ bầu Đức, ông muốn xây dựng lứa HAGL JMG thật tốt để chuẩn bị cho SEA Games cùng năm…

Tiền vệ NGUYỄN TUẤN ANH | Yokohama (J2 League 2016)

So với Công Phượng, hành trình “du học” Nhật Bản của Tuấn Anh có phần lặng lẽ hơn, đúng như tính cách của tiền vệ tài hoa người Thái Bình. Trước, trong và sau chuyến đi này, anh đều phải đối mặt với dư âm của những chấn thương đầu gối dai dẳng. Vì điều này, cầu thủ sinh năm 1995 hiếm khi có được thể trạng tốt nhất.

Trong gần một năm gắn bó với Yokohama, Tuấn Anh chỉ ra sân vỏn vẹn một lần ở Cúp Hoàng Đế. Đó là trận gặp AFC Nagano Parceiro ở vòng loại thứ 3. Anh đá chính đủ 120 phút, kiếm về một quả phạt đền và ghi bàn quyết định ấn định tỷ số 3-2 cho đội bóng của huyền thoại Kazu Miura.

Rất tiếc là ở J2 League, Tuấn Anh chỉ có duy nhất một lần được… ngồi dự bị trong tháng áp cuối của mùa giải. Vì vậy, dù đội nhà cán đích ở vị trí thứ 8 (hơn 5 bậc so với Mito Hollyhock của Công Phượng), song vai trò của Tuấn Anh gần như không được nhắc đến.

Cũng như Công Phượng, sau khi J2 League 2016 khép lại, Tuấn Anh trở về quê nhà để chuẩn bị cho AFF Cup 2016 cùng thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng. Trong hành trang của mình, sao trẻ Thái Bình đã có thêm nhiều bài học bổ ích từ các bài vở chuyên môn bóng đá, lề thói sinh hoạt, tập luyện chuyên nghiệp.

Quan trọng hơn, những cầu thủ như Tuấn Anh, Công Phượng hay Công Phượng đã mở ra một con đường mới cho thế hệ kế tiếp bước theo. Ngày cầu thủ Việt Nam đủ sức chinh chiến ở các giải hàng đầu châu Á đang ngày một đến gần…

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-thao/so-phan-cac-cau-thu-viet-nam-den-nhat-ban-choi-bong-912321.html