Số phận bi thương của trẻ em trên Dải Gaza

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), trẻ em tại Gaza đã trải qua 3 cuộc xung đột lớn trong thập kỷ vừa qua. Tình hình căng thẳng tại Dải Gaza vẫn tiếp diễn khiến các bệnh viện trong tình trạng quá tải với hàng chục nghìn người bị thương nằm điều trị, trong đó có hơn 1.000 trẻ em.

Khủng hoảng nhân đạo đáng báo động

Ngày 22/8, Liên hợp quốc (LHQ) thông báo ngân sách để chi trả các hóa đơn nhiên liệu phục vụ các bệnh viện, nhà máy nước và các cơ sở hạ tầng thiết yếu khác tại Dải Gaza sắp cạn kiệt, đồng thời kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế tăng cường viện trợ cho khu vực này. Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp hàng tháng của Hội đồng Bảo an LHQ về cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.

Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị Rosemary Di Carlo bày tỏ lo ngại sâu sắc khi nguồn kinh phí của LHQ nhằm hỗ trợ nhiên liệu cho khoảng 250 cơ sở thiết yếu hiện nay tại Gaza sắp hết. Trong khi đó, nguồn cung các loại thuốc thiết yếu thiếu trầm trọng sau khi 40% lượng thuốc men dự trữ đã được sử dụng hết. Quan chức này kêu gọi “tất cả các bên” bảo đảm cho người dân Gaza được tiếp cận viện trợ nhân đạo, nhấn mạnh LHQ cần 4,5 triệu USD để duy trì các dịch vụ thiết yếu cho Gaza từ nay đến cuối năm.

Còn UNICEF cho biết tình hình căng thẳng liên quan các vụ bạo lực đẫm máu tại Dải Gaza thời gian qua khiến các bệnh viện đang ở trong tình trạng quá tải với hàng nghìn người bị thương, trong đó có hơn 1.000 trẻ em. UNICEF nhấn mạnh nhiều thương tích mà các trẻ em tại Dải Gaza đang phải gánh chịu là những thương tích nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng. UNICEF nhấn mạnh trẻ em tại Gaza đã trải qua 3 cuộc xung đột lớn trong thập kỷ vừa qua.

Tại Dải Gaza, một nửa số trẻ em phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo và cứ 4 trẻ em thì có 1 trẻ cần được chăm sóc về mặt tâm lý xã hội. Trong khi đó, các gia đình chỉ được sử dụng điện từ 4 đến 5 giờ mỗi ngày và cứ 10 hộ gia đình thì có 9 hộ không có nước sạch thường xuyên.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Gaza lên tới 40%. Với người trẻ, tỷ lệ này là hơn 60% và họ không có tương lai. Điện, thực phẩm đều khan hiếm nặng nề. Tỷ lệ nghèo đói ở đây là 39%. Ước tính 80% dân số ở Gaza cần hỗ trợ xã hội về một mặt nào đó. Gaza hiện nay nghèo hơn nhiều so với những năm 1990. Nền kinh tế chỉ tăng trưởng 0,5% năm 2017. Thu nhập năm của một người giảm từ 2.659 USD năm 1994 xuống 1.826 USD năm 2018.

Tại Dải Gaza, một nửa số trẻ em phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo và cứ 4 trẻ em thì có 1 trẻ cần được chăm sóc về mặt tâm lý xã hội

Hệ thống trường học ở Gaza chịu áp lực nặng nề. 94% trường học phải chia thành 2 ca sáng và chiều. Cơ quan cứu trợ của LHQ điều hành 250 trường học ở Gaza. Xung đột từ nhiều năm nay đã phá hủy rất nhiều trường học ở đây. Khu vực này liên tục bị cắt điện hằng ngày. Trung bình, người Gaza chỉ có 6 giờ dùng điện mỗi ngày. Dải Gaza lấy nguồn điện chủ yếu từ Israel và một nhà máy điện duy nhất ở Gaza. Lượng điện chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu.

"Địa ngục trần gian" vì xung đột liên miên

Dải đất Gaza nhỏ bé ven Địa Trung Hải liên tục trở thành điểm nóng và là địa ngục trần gian với người dân ở đây suốt hàng chục năm qua. Dải Gaza, về mặt pháp lý không được quốc tế công nhận là một phần của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào. Tên của nó được đặt theo tên thành phố chính Gaza. Đây là một trong những vùng lãnh thổ có mật độ dân số cao nhất trên trái đất, với khoảng 1,4 triệu người sống trên khu vực diện tích 360 km². Dải Gaza thuộc quyền tài phán của chính quyền Palestine và họ cũng kiểm soát biên giới của Dải Gaza với Ai Cập. Israel kiểm soát không phận và đường bờ biển.

Những diễn biến bạo lực ở dải Gaza gây lo ngại có thể làm bùng phát cuộc xung đột mới giữa Israel và Palestine vốn đã quá căng thẳng trong thời gian gần đây. Bạo lực năm nay có thể là đẫm máu nhất trong lịch sử. Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị Rosemary Di Carlo cảnh báo bạo lực leo thang gần đây giữa Israel và Palestine có nguy cơ đẩy Gaza vào cuộc chiến tranh. Bên cạnh đó, quan chức LHQ hối thúc phong trào Hồi giáo Hamas, hiện kiểm soát Gaza, cung cấp đầy đủ thông tin về những công dân Israel bị bắt giữ tại khu vực này.

Lời cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh bạo lực gia tăng dọc biên giới giữa Israel và Dải Gaza với các cuộc biểu tình của người Palestine từ ngày 30/3 đến nay sau khi Mỹ chuyển Đại sứ quán tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem. Israel đã tiến hành không kích Gaza ít nhất 125 lần nhằm đáp trả các vụ bắn rocket về phía lãnh thổ Israel. Ít nhất 170 người Palestine và 1 người Israel đã thiệt mạng, 17.000 người bị thương. Giao tranh tiếp diễn bất chấp việc các cuộc hòa đàm đang được tiến hành giữa các phe phái Palestine, Ai Cập, LHQ và Israel nhằm thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn lâu dài.

Mới đây nhất, các cuộc biểu tình và xung đột bùng phát giữa hàng trăm người biểu tình Palestine và các binh sỹ Israel đóng quân tại biên giới giữa miền Đông Dải Gaza và Israel đã biến thành bạo lực vào ngày 10/8 bất chấp Israel và các nhóm phiến quân do Hamas đứng đầu ở Gaza đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt tình trạng leo thang xung đột giữa hai bên trong những ngày qua. Bên cạnh đó, quân đội Israel tuyên bố tiến hành các cuộc không kích để đáp trả các vụ bắn rocket của Hamas vào lãnh thổ Israel.

Dải đất Gaza nhỏ bé ven Địa Trung Hải liên tục trở thành điểm nóng và là địa ngục trần gian với người dân ở đây suốt hàng chục năm qua

Trước những diễn biến trên, Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo Israel và Gaza tiến gần tới một cuộc xung đột nguy hiểm mới đồng thời cho rằng các bên cần giảm căng thẳng gấp để không gây nguy hiểm cho tính mạng dân thường. Thực tế, sự phản đối, hận thù chất chứa của người Palestine đối với Israel có thể biến thành xung đột bất cứ lúc nào nếu hai bên không kiềm chế.

Người Palestine tuyên bố, sẽ tiếp tục biểu tình nhằm phản đối tại Hội đồng Bảo an hoặc Đại hội đồng LHQ việc Israel chiếm đóng các vùng đất của Palestine và yêu cầu quốc tế bảo vệ những người dân Palestine không có vũ trang. Palestine kêu gọi cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề, trong đó có vấn đề người tị nạn dựa trên Nghị quyết 194 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, đồng thời kiên trì theo đuổi mục tiêu đấu tranh nhằm giành quyền tự quyết và thành lập một Nhà nước Palestine độc lập với thủ đô Đông Jerusalem.

Cộng đồng quốc tế đang nỗ lực xúc tiến các nỗ lực ngoại giao nhằm hạ nhiệt căng thẳng hiện nay ở Dải Gaza. Đối với dải đất ven biển của Palestine nhiều năm qua đã chịu sự phong tỏa của Israel, bạo lực càng khiến tình hình nhân đạo ở đây tồi tệ. Chừng nào các mâu thuẫn giữa Israel và Palestine không được hóa giải và giải quyết thông qua đàm phán, các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine vẫn sẽ bị bao phủ bởi màu xám u ám của bạo lực và xung đột vốn đã từng kéo dài suốt nhiều thập kỷ qua.

Nguyên Bách Le Monde, Le Point

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/so-phan-bi-thuong-cua-tre-em-tren-dai-gaza-post48315.html