Số phận 2 bức tranh cổ động ở ngã tư chợ Mơ

Hai bức tranh tường cổ động ở phố Bạch Mai – Minh Khai được xem như di sản của đô thị Hà Nội dù không nằm trong danh mục di tích.

Phần lớn bức tranh mới đây đã bị phá hủy. Ảnh: TG

Phần lớn bức tranh mới đây đã bị phá hủy. Ảnh: TG

Cuối năm 2019, giới hội họa xôn xao về hai bức tranh tường cổ động của họa sĩ Trường Sinh tại ngã tư chợ Mơ sẽ bị phá hủy để giải phóng mặt bằng cho dự án đường vành đai 2. Nhiều văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và bảo tồn di sản tỏ ý tiếc nuối về những tác phẩm nghệ thuật đã ăn sâu vào tiềm thức người Hà Nội.

Tranh cổ động bị phá hủy

KTS Khuất Tân Hưng - Chủ nhiệm bộ môn di sản đô thị, Khoa Kiến trúc - ĐH Kiến trúc Hà Nội, chia sẻ trên trang Facebook cá nhân: Hai bức tranh cổ động tại ngã tư được họa sĩ Trường Sinh thực hiện khoảng những năm 1980. Quan trọng hơn, chúng là 2 bức tranh hoành tráng còn lại.

Họa sĩ Trường Sơn – con trai cố họa sĩ Trường Sinh cho biết, vào năm 1981 - 1982 để chuẩn bị chào mừng 30 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, họa sĩ Trường Sinh đã được Nhà nước đặt hàng thực hiện công trình tranh tường cổ động và tượng đài ở khu vực ngã 5 Ô Chợ Dừa, ga Yên Phụ, tác phẩm gò đồng biểu tượng công binh. Các tác phẩm nghệ thuật cộng đồng này đều đã bị phá dỡ từ những năm trước để phục vụ xây dựng công trình cho đô thị Hà Nội.

Cũng theo ông Sơn, vì đây là các công trình chưa được xếp hạng nên không nằm trong danh mục di tích cần bảo tồn nên chủ đầu tư được phép chủ động phá dỡ. Gia đình chỉ tiếc cho các công trình nghệ thuật mang tính cộng đồng đánh dấu thời kỳ đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội của Thủ đô cũng như đất nước.

Tại ngã tư chợ Mơ, bức tranh thứ nhất được họa sĩ Trường Sinh dùng nguyên liệu đắp vữa với 5 nhân vật mang tính hình tượng đại diện cho các lĩnh vực nghề nghiệp của xã hội. Bức tranh cổ động mang thông điệp đoàn kết, kết nối lao động sản xuất và hoàn thành năm vào 1982. Theo KTS Khuất Tân Hưng, bức tranh này có thể coi là điển hình của dòng tranh cổ động của nghệ thuật đắp vữa thời bấy giờ.

Bức tranh thứ hai được sáng tạo bằng nghệ thuật gắn gốm màu với nội dung mô tả một cô gái trẻ cầm hoa vẫy chào đón khách ở cửa ô Hà Nội. Cô gái như đang bay lên cạnh Tháp Rùa gắn với hình ảnh mang tính thần thoại. Bức tranh như một lời mời chào, thể hiện lòng mến khách của đất và người Hà Nội.

Theo gia đình cố họa sĩ Trường Sinh, ngành văn hóa TP Hà Nội cho rằng, hai bức tranh tường này không nằm trong danh mục kiểm kê di tích, nhưng đồng ý cho gia đình đưa tranh về bảo tồn theo đề nghị của gia đình. Tuy nhiên, gia đình không đủ tiềm lực để thực hiện và cũng rất khó chọn địa điểm dựng lại bức tranh tường nên đành chấp nhận bỏ cuộc. Vậy là bức tranh bị phá hủy một phần để thực hiện dự án đường vành đai.

Bức tranh gắn gốm đã được bao bọc chờ di chuyển. Ảnh: TG

Sắp di dời bức tranh cuối cùng

Bức tranh cổ động cuối cùng của Hà Nội tưởng sẽ bị phá hủy, nhưng rất may mắn vì ngay sau đó gia đình cố họa sĩ Trường Sinh nhận được đề nghị "cứu tranh" từ ông Martin Rama - Giám đốc Trung tâm Phát triển đô thị bền vững (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Là một người yêu Hà Nội, ông Rama đã theo dõi các tin tức liên quan đến bức tranh này.

Chia sẻ về việc này, ông Rama cho hay: Mới đây, khi tôi cố gắng cứu bức tranh cổ động cách mạng của họa sĩ Trường Sinh ở ngã tư chợ Mơ, tôi có thể cảm nhận rõ sự hoài nghi của không ít người Việt Nam. Đối với họ, phong cách hiện thực xã hội chủ nghĩa trong bức tranh tường này gắn liền với thời kỳ kinh tế ngặt nghèo.

"Là một nhà kinh tế, tôi không nghi ngờ rằng việc tiếp cận bao cấp dẫn đến sự khan hiếm và đói nghèo. Tôi cũng tin rằng, tự do sáng tạo là động lực của đổi mới và năng động kinh tế. Nhưng tôi trân trọng di sản văn hóa thời kỳ đó, như một phần không thể thiếu trong lịch sử hiện đại của Việt Nam. Các họa sĩ, nhà văn, kiến trúc sư thời đó vẫn tìm thấy những cách tuyệt vời để bày tỏ cảm xúc và ý tưởng của họ", ông Rama bày tỏ.

Ngay sau khi nắm bắt được thông tin, ông Martin Rama đã gửi thư cho ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị bảo tồn bức tranh. Sau đó, TP Hà Nội đã ra công văn yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao phối hợp với các địa phương tìm vị trí bảo tồn hợp lý. Sau thời gian bàn bạc, các đơn vị đi đến thống nhất đặt tranh tường cổ động của họa sĩ Trường Sinh tại vỉa hè đường Trần Quang Khải, đoạn nối lên cầu Long Biên. Dự kiến tháng 10/2020 sẽ hoàn thành tất cả các việc này.

Theo quan sát của PV Báo Giáo dục và Thời đại, hiện nay bức tranh tường gắn gốm đã được bao bọc bằng các tấm gỗ ép kẹp thép rất chắc chắn chờ di dời. Bức tranh đắp vữa bị phá hủy cũng đang có kế hoạch phục chế lại. Họa sĩ Trường Sơn - con trai cố họa sĩ Trường Sinh sẽ cùng các đồng nghiệp của mình thực hiện việc phục chế phần tranh đã mất bằng màu đen trắng để phân biệt với bản gốc của tác phẩm nhằm kể câu chuyện thú vị về tác phẩm này.

Một người đàn ông làm nghề bơm xe cạnh bức tranh cổ động này cho biết: Khi bức tranh đắp vữa bị phá hủy thì rất nhiều người tỏ ý tiếc nuối. Bức tranh đã gắn liền với chúng tôi suốt gần 40 năm và để lại trong tâm trí mỗi người một hình ảnh bình dị nhưng rất đẹp đẽ của Hà Nội.

"Bằng cách cố gắng cứu bức tranh tường của họa sĩ Trường Sinh, tôi muốn khuyến khích người Hà Nội nghĩ về các nghệ sĩ, kiến trúc sư và trí thức Việt Nam đã để lại cho chúng ta những sáng tạo phi thường, bất chấp mọi khó khăn. Tiếc là chưa có sự đánh giá đối với các phong trào văn hóa định hình đời sống từ lúc bắt đầu độc lập tới Đổi mới". - Ông Martin Rama - Giám đốc Trung tâm Phát triển đô thị bền vững (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/so-phan-2-buc-tranh-co-dong-o-nga-tu-cho-mo-20200618125607602.html