Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội tăng cường kết nối giao thương

Nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trên phía Bắc, đặc biệt là kết nối doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực sản xuất giống, hàng hóa phục vụ ngành chăn nuôi…Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội đã tổ chức 'Hội nghị hợp tác giữa Hà Nội với các tỉnh trong công tác phát triển chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm năm 2018'.

Sở NN&PTNT Hà Nội tăng cường kết nối giao thương với các tỉnh, thành phố phía Bắc (ảnh Ngân Trần)

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, Hà Nội là thủ đô và cũng là thành phố có tổng đàn gia súc, gia cầm đứng top đầu cả nước. Sản xuất chăn nuôi chiếm 50% GDP trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, Hà Nội có có đàn trâu 25.351 con, đàn bò 129.539 con (trong đó bò sữa 15.675 con), đàn lợn 1.869 nghìn con, đàn gia cầm 30.014 nghìn con trong đó gà 20. 465 nghìn con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 330,6 nghìn tấn; gia cầm 92,1 nghìn tấn; thịt bò 10,5 nghìn tấn; thịt trâu 1,7 nghìn tấn.

Thời gian qua, ngành chăn nuôi Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu tái cơ cấu ngành chăn nuôi nhờ chăn nuôi công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi ngành hàng rõ nét, các mô hình chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung và trang trại; hình thành các vùng chăn nuôi xa khu dân cư tổ chức sản xuất khép kín; giám sát và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả; phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất con giống; tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi thông qua việc sử dụng các giống năng suất chất lượng cao nhập ngoại, cải tiến điều kiện chăn nuôi, ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi.

Hàng năm, Hà Nội sản xuất 50.0000 bê, bò giống; 250 nghìn lợn giống/năm; 70 triệu gà giống và trên 10 triệu vịt giống/năm. khép kín các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị phá triển mạnh nhiều nhãn hiệu sản phẩm chăn nuôi được bảo hộ và khai thác hiệu quả như: Nhãn hiệu tập thể (Gà đồi Ba Vì, Gà Mía Sơn Tây, Gà đồi Sóc Sơn, Vịt Vân Đình và trứng vịt Liên Châu); 7 chuỗi đã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng QR code…

Mặc dù Hà Nội có nhiều doanh nghiệp sản xuất, cung cấp vật tư, hàng hóa thiết bị phục vụ ngành chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm và phòng chống dịch bệnh cho thủ đô và các tỉnh trong cả nước. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi của Thủ đô hiện nay còn thiếu các doanh nghiệp chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi nên chưa đa dạng hóa được sản phẩm, chưa tạo ra được nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm chăn nuôi. Thiếu các doanh nghiệp là đầu tàu, là cầu nối giữa người sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm, giúp đẩy mạnh khâu tiêu thụ sản phẩm ra thị trường.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Huy Đăng, trong thời gian tới ngành chăn nuôi cần phát triển theo hướng nâng cao chất lượng con giống và phát triển theo quy hoạch. Thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, chế biến áp dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng ngày càng phát triển. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ tiên tiến vào sản xuất chăn nuôi nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm và thị hiếu của người tiêu dùng. Xây dựng bảo hộ, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm gắn với mã truy xuất nguồn gốc, mã QR code. Gắn cơ quan truyền thông và tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác truyền thông, giúp doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Hợp tác liên kết với các tỉnh thành tiêu thụ sản phẩm…

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Tất Thành – Chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Phú Thọ cho biết, Phú Thọ có ngành chăn nuôi khá phát triển với đàn gà trên 13 triệu con, đàn lợn trên 700.000 con, cùng đàn trâu, bò…. Hiện nay, trong việc hợp tác chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm giữa Hà Nội với Phú Thọ thì Phú Thọ chủ yếu tiêu thụ con giống của Hà Nội. Cùng với đó, trên địa bàn Phú Thọ hiện nay có Công ty Cổ phần ĐTK, Công ty Hòa Phát đang cung cấp trứng gia cầm cho Hà Nội. Thời gian tới, tỉnh cũng định hướng chăn nuôi theo chuỗi gắn với giết mổ, truy xuất nguồn gốc để phục vụ cho thị trường Hà Nội rất rộng lớn. Hiện nay, Hà Nội sản xuất được 60% sản phẩm chăn nuôi, còn lại là nguồn cung từ bên ngoài, Phú Thọ phấn đấu cung cấp được 20% thị phần cho Hà Nội…

Trong khuôn khổ hội nghị, các Công ty tiêu biểu về chăn nuôi của Hà Nội như Công ty Cổ phần Giống gia súc Hà Nội, Công ty Cổ phần Tiên Viên, Công ty Cổ phần Chế biến hực phẩm Nam Hà Nội, Công ty đầu tư và phát triển Nam Thái, Công ty Cổ phần giống vật nuôi Hà Nội đã giới thiệu về mô hình kinh doanh, sản xuất tiên tiến, hiệu quả của đơn vị mình…

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/so-nong-nghiep-va-phat-trien-nong-thon-ha-noi-tang-cuong-ket-noi-giao-thuong-82867.html