Sở NN-PTNT Điện Biên trả lời việc sử dụng sai nguồn cấp bù thủy lợi phí

Báo Nhân Dân điện tử vừa nhận Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Điện Biên về nội dung bài viết 'Chấn chỉnh việc sử dụng sai nguồn cấp bù thủy lợi phí', đăng trên Báo Nhân Dân điện tử. Nội dung bài báo phản ánh: Từ năm 2016 đến nay, nhiều huyện, thành phố thuộc tỉnh Điện Biên sử dụng nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí không đúng quy định, thậm chí có huyện dùng 100% nguồn kinh phí được cấp cho việc khác.

Bơm nước chống hạn tại xã Thanh Lương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Bơm nước chống hạn tại xã Thanh Lương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

NDĐT - Báo Nhân Dân điện tử vừa nhận Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Điện Biên về nội dung bài viết “Chấn chỉnh việc sử dụng sai nguồn cấp bù thủy lợi phí”, đăng trên Báo Nhân Dân điện tử. Nội dung bài báo phản ánh: Từ năm 2016 đến nay, nhiều huyện, thành phố thuộc tỉnh Điện Biên sử dụng nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí không đúng quy định, thậm chí có huyện dùng 100% nguồn kinh phí được cấp cho việc khác.

Làm rõ nguồn kinh phí cấp cho một số huyện, tại Báo cáo 1185, Sở NN-PTNT nêu rõ: Hiện tại, UBND cấp huyện, thành phố sử dụng nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí theo Văn bản số 411/SNN-TL ngày 26-3-2014, với tỷ lệ chi cho quản lý, điều hành tối đa là 70%; chi cho công tác duy tu, sửa chữa thường xuyên công trình tối thiểu là 30% tổng số kinh phí thủy lợi phí của các công trình thủy lợi do Tổ chức hợp tác dùng nước trực tiếp quản lý.

Cũng trong báo cáo có nêu chi tiết, tổng kinh phí cấp bù thủy lợi phí từ năm 2016 đến 2019 cho huyện Điện Biên là 13,95 tỷ đồng; huyện Điện Biên Đông là 12,405 tỷ đồng; thành phố Điện Biên Phủ hơn 1,639 tỷ đồng; Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên hơn 46 tỷ đồng (trong ba năm từ 2016-2018).

Từ nguồn kinh phí cấp, UBND huyện Điện Biên đã cấp cho UBND các xã sử dụng phát dọn nạo vét kênh mương, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ các công trình thủy lợi, với tổng kinh phí quyết toán 13,97 tỷ đồng. UBND huyện Điện Biên Đông cũng cấp nguồn kinh phí trên cho UBND các xã sử dụng phát dọn nạo vét kênh mương, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ các công trình thủy lợi; tổng kinh phí quyết toán 6,080 tỷ đồng (còn dư phải chuyển nguồn sang năm 2020 là 6,325 tỷ đồng). Riêng thành phố Điện Biên Phủ đã sử dụng kinh phí được cấp (hơn 1,639) tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp bốn công trình kênh mương, tổng kinh phí đã quyết toán hơn 1,143 tỷ đồng (còn dư 300,01 triệu đồng phải chuyển nguồn từ năm 2019 sang 2020).

Riêng với Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên, hằng năm sử dụng nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí theo định mức: 75% dành cho công tác quản lý, điều hành của Công ty; 25% dành cho công tác duy tu, sửa chữa thường xuyên công trình.

Tại mục 2 Báo cáo 1185, Sở NN-PTNT Điện Biên, cho biết, việc kiện toàn, củng cố thành lập Tổ chức Thủy lợi cơ sở ở các huyện, thành phố đang gặp một số khó khăn, vướng mắc vì thành viên Tổ hợp tác, HTX chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định (phải có Giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, khai thác công trình thủy lợi). Việc thành lập và nhân rộng các HTX rất khó khăn do đặc thù tỉnh miền núi, địa hình khó khăn, công trình thủy lợi phân tán có diện tích nhỏ lẻ manh mún, đa phần là công trình thủy lợi quy mô nhỏ chỉ phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp của người dân nông thôn; nguồn kinh phí hỗ trợ giá sản phẩm công ích thủy lợi của Nhà nước không đáng kể, hiện không có cá nhân tự nguyện đứng ra thành lập HTX. Đối với loại hình tổ hợp tác, theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 30 Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15-5-2018 thì Tổ hợp tác phải là tổ chức độc lập nhưng lại không có tư cách pháp nhân (không có con dấu và tài khoản riêng), do vậy không thể thực hiện thanh quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.

Từ những khó khăn nêu trên, Sở NN-PTNT Điện Biên đã kiến nghị Tổng cục Thủy lợi có hướng dẫn cụ thể về thành phần, đối tượng trong cơ cấu của tổ hợp tác, về chi phí cho công tác quản lý, vận hành của tổ chức thủy lợi cơ sở (đối với người quản lý vận hành không có bằng cấp); tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ của tổ chức thủy lợi cơ sở để nâng cao năng lực trong việc quản lý, khai thác các công trình thủy lợi.

UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Điện Biên cũng đề xuất, mô hình khai thác các công trình thủy lợi đối với loại hình là tổ hợp tác nên có thành phần lãnh đạo UBND xã và công chức xã để thực hiện công tác quản lý kỹ thuật công trình thủy lợi bảo đảm yêu cầu, đặc biệt là việc xây dựng dự toán và quyết toán diện tích sử dụng nguồn tiền hỗ trợ giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.

* Chấn chỉnh việc sử dụng sai nguồn cấp bù thủy lợi phí

LÊ LAN (Biên soạn)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/45026602-so-nn-ptnt-dien-bien-tra-loi-viec-su-dung-sai-nguon-cap-bu-thuy-loi-phi.html