Sở nhận tiền NXB Giáo dục: Soạn SGK kỳ công, tâm huyết

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định, đội ngũ do Sở cử tham gia biên soạn SGK với NXB Giáo dục Việt Nam rất kỳ công và tâm huyết.

Sau khi báo chí phản ánh thông tin NXB Giáo dục chi trả thù lao hàng tháng cho lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM làm dấy lên lo ngại về tính khách quan, minh bạch khi chọn SGK, ngày 5/12, Sở GD-ĐT TP.HCM đã cung cấp cho báo chí thông tin về bộ SGK Chân trời sáng tạo.

Theo thông báo được báo Thanh niên dẫn lại, thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội và Quyết định số 404/QĐ-TTg của Thủ tướng về phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, SGK phổ thông, được sự cho phép của Bộ, Sở GD đã cử đội ngũ chuyên viên, giáo viên cùng tham gia với NXB Giáo dục Việt Nam để biên soạn bộ SGK Chân trời sáng tạo.

Các cuốn SGK trong bộ sách “Chân trời sáng tạo” do giáo viên TP.HCM và NXB Giáo dục Việt Nam phối hợp biên soạn, xuất bản. Ảnh: Người Lao động.

Các cuốn SGK trong bộ sách “Chân trời sáng tạo” do giáo viên TP.HCM và NXB Giáo dục Việt Nam phối hợp biên soạn, xuất bản. Ảnh: Người Lao động.

Về công tác chuẩn bị và tham gia biên soạn, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá "rất kỳ công, mất nhiều thời gian và tâm huyết".

"Suốt những năm qua, chúng tôi thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, mời các chuyên gia hàng đầu báo cáo, bồi dưỡng cho đội ngũ chuyên gia, cán bộ, giáo viên. Đội ngũ thường xuyên tập huấn, thảo luận, thống nhất quy trình làm việc, định hướng, mục tiêu, đề cương,… của sách, tổ chức biên soạn thử nghiệm để không ngừng điều chỉnh, hoàn thiện bám sát định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học, một chủ trương đã được ngành giáo dục thành phố thúc đẩy nhiều năm qua”, ông Hiếu nói.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, do có sự tham gia của nhiều giáo viên đang trực tiếp đứng lớp, bộ sách đảm bảo được sự vừa sức với học sinh, vừa là công cụ hỗ trợ tích cực cho nhà giáo trong quá trình tổ chức các phương pháp dạy học tích cực.

Ngoài ra, theo Sở GD-ĐT TP.HCM, thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội và dự thảo Thông tư hướng dẫn của Bộ đã giao việc lựa chọn SGK cho Hội đồng của các cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó, có Ban Giám hiệu, giáo viên, đại diện cha mẹ học sinh. Hội đồng sẽ làm việc trên cơ sở đảm bảo tính khách quan, minh bạch, dân chủ. Tất cả các bản mẫu SGK lớp 1 đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2020-2021 đều bám sát chương trình, đảm bảo chất lượng và phù hợp với học sinh.

Sở đề nghị các NXB sớm cung cấp sách mẫu để các thầy cô giáo, quý phụ huynh và xã hội cùng nghiên cứu, so sánh để có sự lựa chọn phù hợp với đặc điểm của cơ sở, đơn vị mình. Đó sẽ là cơ sở quan trọng cho việc triển khai thành công chương trình sắp tới.

Trước đó, ngày 4/12, tiếp xúc cử tri tại huyện Tuy Phước, Bình Định, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trả lời cử tri về vấn đề lựa chọn SGK.

Theo ông, Luật Giáo dục 2019 quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định.

Tuy nhiên, đến ngày 1/7/2020, Luật Giáo dục 2019 mới có hiệu lực thi hành, trong khi SGK phải được tổ chức lựa chọn từ đầu năm 2020 và công bố kết quả trước ngày 31/3/2020 để kịp thời cung cấp SGK năm học 2020 - 2021.

Vì vậy, hiện nay, Bộ GD-ĐT đã dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, đảm bảo việc lựa chọn SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021 đạt yêu cầu đề ra.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/so-nhan-tien-nxb-giao-duc-soan-sgk-ky-cong-tam-huyet-3392775/