Số người mắc cúm A tăng nhanh, thuốc Tamiflu đội giá gấp 4-5 lần

Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, khuyến cáo thời gian tới, số ca mắc bệnh cúm có thể tăng trên toàn quốc. Hiện tại, thuốc điều trị cúm đang khan hiếm ở một số bệnh viện.

TS.BS Đỗ Thiện Hải, Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết những ngày miền Bắc có đợt lạnh tăng cường, bệnh nhi mắc cúm A vào viện nhiều, nhất là hai tuần gần đây.

“Riêng trong tháng 11, gần 500 bệnh nhân cúm nhập viện. Trong hơn một tuần vừa qua, tối nào cũng có hơn 500 bệnh nhi đến khám, chủ yếu vì cúm, số bệnh nhân tăng 10-20% so với trước”, BS Hải cho hay.

Bệnh nhân mắc cúm tăng trong 2 tháng cuối năm

BSCK II Phạm Thị Như Hoa, khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội, cũng cho biết trước đây, mỗi ngày khoa Nhi tiếp nhận khám cho 50-60 ca. Hiện nay, trong mùa dịch cúm A, ngày cao điểm nhất có tới hơn 200 bệnh nhi tới khám, trong đó, nhập viện tới 100 ca. Các bác sĩ khoa Nhi phải bố trí thêm hai phòng khám, trả kết quả để có thể giải quyết tình trạng quá tải.

Lý giải tình trạng bệnh nhân mắc cúm gia tăng trong những ngày gần đây, đặc biệt tại những bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội và TP.HCM, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho hay người dân các tỉnh không qua các bệnh viện tuyến trước, dù mắc bệnh ở mức độ nhẹ.

Thời tiết đang là mùa đông, nhất là đối với miền Bắc, khí hậu lạnh ẩm, nhiệt độ thay đổi thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm dễ dàng phát triển và lan truyền. Cùng với đó, ô nhiễm môi trường tăng cao, điều kiện đi lại, giao thương ngày càng gia tăng giữa các khu vực, vùng miền và trên thế giới, làm tăng nguy cơ mắc bệnh cúm.

Cúm là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp, ghi nhận các trường hợp mắc quanh năm. So với cùng kỳ 11 tháng năm 2018, năm nay, cả nước ghi nhận 408.907 trường hợp mắc cúm, 10 trường hợp tử vong, giảm 10,4% số mắc và hai trường hợp tử vong.

Tuy nhiên, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo dự báo trong thời gian tới, số mắc bệnh cúm có thể ghi nhận gia tăng trên toàn quốc, nhất là trong mùa đông xuân và dịp Tết nguyên đán, lễ hội tập trung đông người.

Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, lây nhanh qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.

Việt Nam chưa ghi nhận chủng virus cúm mới, cũng như chưa có sự đột biến gen làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng virus cúm lưu hành trên người. Các chủng virus cúm được ghi nhận chủ yếu là virus cúm A (H1N1) và B.

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, khi đang trong mùa dịch cúm A, ngày cao điểm nhất đã có tới hơn 200 bệnh nhi tới khám. Ảnh: Duy Hiệu.

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, khi đang trong mùa dịch cúm A, ngày cao điểm nhất đã có tới hơn 200 bệnh nhi tới khám. Ảnh: Duy Hiệu.

Giải pháp cho tình trạng khan hiếm thuốc điều trị cúm

Cũng trong đợt cao điểm mắc cúm, thuốc Tamiflu - một trong những loại đặc trị cúm A - đang rơi vào tình trạng cạn kiệt, khiến cho mặt hàng này khan hiếm và đội giá lên tới gấp 4-5 lần.

Cục Quản lý Dược đã nhận được văn bản của Sở Y tế TP.HCM thông báo nhà nhập khẩu không tiếp tục ký hợp đồng và không cung cấp thuốc cho bệnh viện và đề nghị của Bệnh viện Nhi Trung ương về việc hết thuốc Tamiflu, đề nghị được vay thuốc từ nguồn dự trữ phòng chống dịch của Bộ Y tế.

Trước tình trạng này, ngày 18/12, Cục Quản lý dược có văn bản gửi Công ty Cổ phần Dược liệu Trung ương 2, yêu cầu khẩn trương thực hiện các thủ tục cần thiết để nhập khẩu thuốc Tamiflu 75 mg phục vụ điều trị dịch cúm.

Cơ quan này cũng có văn bản khẩn gửi Sở Y tế và các bệnh viện, đề nghị các bệnh viện liên hệ với đầu mối nhập khẩu thuốc, chủ đồng nguồn thuốc điều trị cho người bệnh, tăng cường kiểm tra xử lý trường hợp găm giữ thuốc để bán với giá cao.

Trường hợp doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu hết thuốc, cần lập ngay hồ sơ để Cục Quản lý Dược giải quyết theo quy trình thẩm định nhanh, đảm bảo có thuốc đáp ứng nhu cầu cấp bách phòng chống dịch bệnh.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo không phải cứ cúm là sử dụng Tamiflu. Thuốc này thường được chỉ định cho những bệnh nhân mắc cúm có kèm theo các bệnh khác như: Viêm đường hô hấp, mắc bệnh tim, phổi mạn tính, tiểu đường, suy thận. Do đó, người dân không cần thiết phải mua Tamiflu dự trữ trong nhà.

Hà Quyên

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nguoi-mac-cum-a-tang-manh-thuoc-tamiflu-doi-gia-gap-4-5-lan-post1027094.html