Số người di cư và tị nạn trên thế giới vượt quá mốc 80 triệu

Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) cho biết số lượng người di cư và tị nạn trên thế giới đã vượt ngưỡng 80 triệu người vào giữa năm 2020 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây nguy hiểm cho việc bảo vệ người tị nạn.

 Người tị nạn trong trại Um Rakuba ở Sudan, sau khi chạy trốn khỏi Ethiopia. (Ảnh: UNHCR)

Người tị nạn trong trại Um Rakuba ở Sudan, sau khi chạy trốn khỏi Ethiopia. (Ảnh: UNHCR)

Hàng triệu người đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa do hậu quả của các cuộc đàn áp, xung đột. Và theo UNHCR, đại dịch COVID-19 và các cuộc xung đột hiện có và mới bùng phát đã "ảnh hưởng đáng kể đến tình trạng của họ". Con số 80 triệu người phải di dời có khả năng "tiếp tục tăng lên trừ khi các nhà lãnh đạo thế giới ngừng chiến tranh" – Cao ủy Filippo Grandi cho biết.

Trong tuyên bố được đưa ra, ông Grandi nói thêm: “Trong khi việc buộc phải di dời đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua thì cộng đồng quốc tế lại vẫn đang không giữ được hòa bình”. Vào đầu năm nay, 79,5 triệu người đã phải di dời trên khắp thế giới. Trong số đó có hơn 45 triệu người di cư trong nước, 29,6 triệu người tị nạn và hơn 4 triệu người xin tị nạn. Người đứng đầu UNHCR cho biết: “Hôm nay, chúng ta lại đang vượt qua một cột mốc nghiệt ngã và sự gia tăng này sẽ tiếp tục, trừ khi các nhà lãnh đạo thế giới ngừng chiến tranh”.

Các biện pháp nhằm hạn chế lây lan COVID -19 tác động đến người tị nạn

Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) cho biết, bất chấp lời kêu gọi khẩn cấp vào tháng 3 năm nay của Tổng thư ký Liên hợp quốc về ngừng bắn trên toàn cầu trong thời kỳ đại dịch, các cuộc xung đột và đàn áp vẫn tiếp diễn. Những người mới đã buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ ở các quốc gia như: Syria, Mozambique, Somalia, Cộng hòa Dân chủ Congo hay Yemen.

Làn sóng di dời mới và ồ ạt cũng đã được ghi nhận trên khắp khu vực trung tâm Sahel của châu Phi, khi người dân thường phải đối mặt với bạo lực bùng phát mạnh mẽ, bao gồm cả tình trạng cưỡng hiếp và hành quyết. Ông Grandi nhấn mạnh: “Trong bối cảnh khi việc buộc phải di dời đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua, cộng đồng quốc tế đang không giữ được hòa bình”.

Hơn nữa, báo cáo chỉ ra rằng một số biện pháp được thực hiện để hạn chế sự lây lan của COVID-19 đã khiến những người tị nạn khó tiếp cận nơi an toàn hơn.

Vào đỉnh điểm của đợt đại dịch đầu tiên hồi tháng 4 vừa qua, 168 quốc gia đã đóng cửa biên giới hoàn toàn hoặc một phần và 90 quốc gia không có ngoại lệ cho những người xin tị nạn.

Đối với những người đã phải di cư, đại dịch COVID-19 cuối cùng đã trở thành "một cuộc khủng hoảng bảo vệ" và sinh kế vượt ra ngoài tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng trên toàn thế giới.

Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, virus Corona đã làm thay đổi tất cả các khía cạnh của cuộc sống con người và làm trầm trọng thêm các vấn đề hiện có đối với những người phải di cư và những người không quốc tịch.

Yêu cầu xin tị nạn mới đã giảm 1/3

Nhưng kể từ đó, với sự hỗ trợ và chuyên môn của UNHCR, 111 quốc gia đã tìm ra các giải pháp thiết thực để bảo đảm rằng hệ thống tị nạn của họ hoạt động đầy đủ hoặc một phần, đồng thời bảo đảm rằng họ thực hiện các biện pháp cần thiết để chống lại sự lây lan của virus.

Tuy nhiên, mặc dù áp dụng những biện pháp này song số đơn xin tị nạn mới vẫn đã giảm 1/3 so với cùng kỳ năm 2019.

Tương tự như vậy, người ta đã tìm thấy các giải pháp ít bền hơn cho việc di dời. Chỉ có hơn 822.000 người di cư đã trở về nhà, hầu hết trong số họ, 635.000 người phải di dời trong nước. Với hơn 102.000 người tự nguyện hồi hương trong nửa đầu năm 2020, giảm 22% so với năm 2019.

Các chuyến đi của người tị nạn đến các nước tái định cư đã tạm thời bị đình chỉ do những hạn chế do đại dịch COVID-19 trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6. Kết quả là, chỉ có hơn 17.000 người tị nạn được tái định cư trong nửa đầu năm nay, và con số này chỉ bằng một nửa số tái định cư so với năm ngoái./.

Khánh Linh (Theo UN, AFP)

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/the-gioi/nhung-van-de-toan-cau/so-nguoi-di-cu-va-ti-nan-tren-the-gioi-vuot-qua-moc-80-trieu-569661.html