Số người chết vì bệnh lao tăng cao, nhưng nhiều người chưa mua BHYT

BHYT là một chính sách rất hiệu quả để giúp cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, nhất là đối với người mắc bệnh lao. Hiện nay vẫn có trên 20.000 người mắc lao chưa có BHYT dù đã có hỗ trợ của Nhà nước.

Bà Nguyễn Thị Thùy Dung thăm khám cho bệnh nhân lao

Bà Nguyễn Thị Thùy Dung thăm khám cho bệnh nhân lao

Có con trai 22 tuổi nằm điều trị tại khoa Lao hô hấp (BV Phổi Trung ương), bà Nguyễn Thị Thiện (Phúc Thọ, Hà Nội) cho biết trước khi vào viện, con trai bà không có bất cứ biểu hiện lạ nào nhưng bỗng nhiên ho ra máu nên vào BV khám. Mới được khoảng 10 ngày nhưng số tiền chi phí điều trị đã lên tới 15 triệu. Mặc dù con trai có thẻ BHYT nhưng bà Thiện vẫn lo lắng vì khoản tiền sẽ còn tiếp tục tăng lên trong khi gia đình chỉ có nghề nông, con trai lại là lao động chính.

Theo BS Nguyễn Thị Thùy Dung, khoa Lao hô hấp (BV Phổi Trung ương), mặc dù bệnh lao nằm trong Chương trình Chống lao quốc gia, bệnh nhân được khám, xét nghiệm, điều trị miễn phí nhưng nhiều bệnh nhân chuyển sang thể nặng, chịu tác dụng phụ của thuốc hoặc biến chứng thì bệnh nhân phải chi trả. Bệnh lao do vi khuẩn gây ra nên dễ xâm nhập vào những người có sức đề kháng yếu, hoặc trên những người có nền bệnh khác như suy thận, HIV/AIDS.

Một số bệnh nhân để bệnh nặng mới đi khám nên số tiền chi trả khá lớn tới hàng trăm triệu đồng. Mặc dù BV đã xin hỗ trợ nhưng nhiều bệnh nhân không đủ tiền chi trả nên đã bỏ dở đợt điều trị. “Có bệnh nhân điều trị 6 tháng nhưng phải ra vào viện 2 -3 lần, một lần phải nằm viện 2 -3 tuần. Thậm chí có bệnh nhân điều trị khỏi rồi nhưng vẫn bị lại hoặc bệnh nhân bị lao kháng thuốc, không đáp ứng với thuốc nữa thì phác đồ điều trị cao hơn, thời gian dài hơn, khó khăn hơn”, bác sĩ Thùy Dung nói.

Mặc dù đã cắt giảm được 50% số ca mắc và số chết do lao so với năm 2000 nhưng Việt Nam vẫn còn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, xếp thứ 16/30 nước có số bệnh nhân lao cao nhất thế giới, và xếp thứ 13/30 nước có bệnh nhân lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Năm 2016 ước tính có 126.000 người mắc lao mới, Chương trình Chống lao quốc gia đã phát hiện được khoảng hơn 100.000 người mắc lao, còn lại gần 26.000 người chưa được phát hiện trong cộng đồng. Hiện nay kinh phí điều trị bệnh lao vẫn là gánh nặng đối với những người nghèo và cận nghèo, đối tượng chiếm tỷ lệ cao trong số những người mắc lao.

GS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi TƯ, Chủ nhiệm Chương trình Phòng chống lao quốc gia cho rằng, BHYT là một chính sách rất hiệu quả để giúp cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, đặc biệt quan trọng với người mắc bệnh lao. Tuy được nhà nước hỗ trợ, nhưng kể cả những người có BHYT thì kinh phí đồng chi trả dù là 5% vẫn là gánh nặng đối với nhiều bệnh nhân, đặc biệt là người bệnh nghèo, cận nghèo. Không những thế, hiện vẫn còn khoảng 20.000 bệnh nhân lao chưa có thẻ BHYT.

Trước thực tế này, tháng 3.2018, Bộ Y tế đã ra quyết thành lập Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB) với mục tiêu là hướng tới việc mua thẻ BHYT cho người bệnh lao chưa có thẻ, trợ giúp kinh phí đồng chi trả cho những người bệnh lao có thẻ BHYT điều trị trong thời gian dài và hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn để được phát hiện sớm và chữa khỏi bệnh lao, không lây lan ra cộng đồng và tiến tới chấm dứt bệnh lao. Đến nay, các cá nhân, tổ chức ủng hộ, cam kết ủng hộ cho Quỹ với số tiền gần 2 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, nhằm vận động nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bị bệnh lao vượt qua những ảnh hưởng của bệnh tật, mặc cảm bệnh tật để chữa khỏi bệnh lao và hòa nhập với cộng đồng, BV Phổi Trung ương - Chương trình Chống lao quốc gia đã phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400 phát động nhắn tin ủng hộ Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao từ ngày 1.5 - 29.6.2018 (cú pháp TB gửi 1402) với ý nghĩa mỗi tin nhắn gửi đi sẽ tạo thêm cơ hội cho người bệnh lao được điều trị khỏi, giảm nguồn lây trong cộng đồng. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của 13.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, số người chết do lao năm 2016 ở Việt Nam là khoảng 13.000 người, cao hơn nhiều so với con số tử vong do tai nạn giao thông, mặc dù đã giảm so với ước tính năm 2015 là 3.000 người. Số người chết do lao chủ yếu là những người chưa được phát hiện và điều trị theo đúng hướng dẫn của Chương trình Chống lao quốc gia.

Nhân kỉ niệm 109 năm Ngày sinh của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên và cũng là Viện trưởng Viện Chống lao đầu tiên, BV Phổi Trung ương - Chương trình Chống lao quốc gia đã tổ chức tọa đàm “Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch với sự nghiệp chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam”. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch có nhiều công trình nghiên cứu y học được đánh giá cao ở trong và ngoài nước. Từ năm 1957, ông cùng đồng nghiệp phát minh nhiều phương pháp phòng chống và điều trị bệnh lao có hiệu quả cao, góp phần tích cực trong công tác phòng, điều trị bệnh lao và phổi cùng một số bệnh nhiễm khuẩn khác... Theo bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, đối với các bệnh “xã hội”, không thể giải quyết chỉ bằng thành lập các bệnh viện mà chủ yếu phải chữa bệnh nhân ngoài cộng đồng, phải tổ chức phòng bệnh, xây dựng mạng lưới, đào tạo cán bộ, tìm hiểu tình hình mắc bệnh...

QUỲNH HOA

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/%C4%91oi-song/artmid/2070/articleid/6383/s%E1%BB%91-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-ch%E1%BA%BFt-v236-b%E1%BB%87nh-lao-t%C4%83ng-cao-nh%C6%B0ng-nhi%E1%BB%81u-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-ch%C6%B0a-mua-bhyt