Số người chết vì bệnh lao nhiều hơn chết vì tai nạn giao thông

Theo WHO, Việt Nam vẫn nằm trong top 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới.

Việt Nam lấy chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống lao “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030”

Việt Nam lấy chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống lao “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030”

Ngày 23/3/2019, chương trình Chống lao Quốc gia hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao với chủ đề “It’s time!” - “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao”.

Việt Nam lấy chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống lao “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030”. Hiện nay, bệnh lao vẫn là một trong các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên thế giới. Mỗi ngày, khoảng 4.500 người tử vong vì căn bệnh trên và có đến gần 30.000 người nhiễm bệnh.

Tại Việt Nam, nước ta vẫn nằm trong top 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và đứng thứ 15 gánh nặng lao kháng đa thuốc. Trong đó, 64% bệnh nhân lao thường và 98% bệnh nhân lao kháng thuốc phải chịu gánh nặng chi phí thảm họa. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2018, ước tính số liệu năm 2017, Việt Nam có 124.000 người mắc lao mới. Chương trình Chống lao Quốc gia đã phát hiện được khoảng hơn 100.000 người mắc lao, còn lại hơn 20.000 người chưa được phát hiện trong cộng đồng. Số người chết do lao năm 2017 ở Việt Nam ước tính là 12.000 người, cao hơn nhiều so với con số tử vong do tai nạn giao thông.

Theo ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi TƯ, chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi chấm dứt căn bệnh này. Trong 10 năm qua, dựa trên các nghiên cứu điều tra toàn quốc lần 1 năm 2007 và lần 2 năm 2017 và các nghiên cứu phụ trợ, bệnh lao ở Việt Nam đã giảm được 31%, trung bình 3,8% một năm. Những năm gần đây tốc độ giảm nhanh hơn, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Bên cạnh đó, đến nay chúng ta đã làm chủ được các kỹ thuật phát hiện, chẩn đoán, điều trị với kết quả cao, đã xây dựng được một hệ thống mạng lưới mạnh từ trung ương đến địa phương.

Tổ chức Y tế thế giới nhận định Việt Nam đang trên con đường chấm dứt bệnh lao. Việt Nam đã hội tụ gần đủ các yếu tố để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Dù vậy, Chương trình Chống lao hiện nay vẫn gặp nhiều thách thức. Nhất là duy trì bền vững tất cả những điều kiện thuận lợi hiện nay, những thành quả đã đạt được cho đến năm 2030. Thách thức thứ hai cùng vô cùng quan trọng đó là sự vào cuộc và hưởng ứng của cả cộng đồng, chủ động tham gia tìm kiếm dịch vụ khám và điều trị bệnh lao, vượt qua mọi rào cản từ cả phía người bệnh cũng như thầy thuốc và xã hội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chính thức phát động hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao năm 2019 và giao nhiệm vụ xây dựng Chiến lược và Chương trình hành động quốc gia chấm dứt bệnh lao đến năm 2030.

Nằm trong khuôn khổ hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao, nhằm vận động nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bị bệnh lao vượt qua bệnh tật, hòa nhập cộng đồng, BV Phổi Trung ương - Chương trình Chống lao Quốc gia - Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB) đã phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB. Cú pháp soạn tin nhắn: TB gửi 1402. 18.000 đồng/tin nhắn, không giới hạn số lượng tin nhắn.

Trong đợt vận động nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB năm 2018, chương trình đã nhận được 23.232 tin nhắn, tương đương với 418.176.000 đồng tiền ủng hộ. Ban Tổ chức chương trình đã sử dụng số tiền trên hỗ trợ hơn 100 lượt người bệnh có hoàn cảnh khó khăn: Mua thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ viện phí, dinh dưỡng…

Tú Uyên

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/so-nguoi-chet-vi-benh-lao-nhieu-hon-chet-vi-tai-nan-giao-thong-d415141.html