Số người chết và số vụ TNGT giảm mạnh sau khi Nghị định 100 áp dụng

Sau hơn hai tuần triển khai thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, các con số về TNGT, số người chết, bị thương đều giảm mạnh.

Tại buổi họp báo do Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia tổ chức, đánh giá về kết quả sau 2 tuần thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) nhấn mạnh, TNGT đã giảm sâu cả 3 tiêu chí.

Theo đó, từ ngày 1/1/2020 đến ngày 15/1/2020, cả nước xảy ra 322 vụ TNGT làm chết 249 người, bị thương 158 người. So với thời điểm trước giảm 31 vụ, giảm 38 người chết, giảm 57 người bị thương.

Cụ thể, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 "quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt", Cục Cảnh sát giao thông đã tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an có Điện số 1020/HT ngày 31/12/2019 chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương quán triệt, triển khai thực hiện ngay Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Phòng CSGT Công an TP Hà Nội sẽ tăng cường lực lượng xử lý vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: TTXVN.

Phòng CSGT Công an TP Hà Nội sẽ tăng cường lực lượng xử lý vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: TTXVN.

Từ ngày 1/1/2020, Cục Cảnh sát giao thông đã giao các đơn vị chức năng đôn đốc, nắm tình hình việc triển khai của các địa phương, hướng dẫn một số khó khăn, vướng mắc ban đầu khi triển khai thực hiện và tổng hợp kết quả xử lý hàng ngày.

Ngày 6/1/2020, Cục Cảnh sát giao thông đã có Điện số 08/HT chỉ đạo PC08 Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung lực lượng, huy động cao nhất phương tiện vũ khí, công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện có, tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Công an các địa phương: Đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ và Điện số 1020/HT của Bộ Công an; chủ động có văn bản chỉ đạo lực lượng Công an trong tỉnh, thành phố chấp hành nghiêm túc Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; xử lý nghiêm đối với những trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm về nồng độ cồn.

Lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 54.892 trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền 49 tỷ 738 triệu đồng. Trong đó: Lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện xử lý 6.279 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 21 tỷ 013 triệu đồng.

Một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn cao như: Quảng Ninh 475 trường hợp, Thanh Hóa 379 trường hợp, Tây Ninh 341 trường hợp, Đồng Nai 327 trường hợp, Đắk Lắk 2140 trường hợp, TP Hồ Chí Minh 209 trường hợp, Long An 203 trường hợp, Thừa Thiên Huế 135 trường hợp, Vĩnh Phúc 180 trường hợp, Hà Nội 136 trường hợp, Bình Dương 159 trường hợp, Bình Định 176, Cần Thơ 124, Nghệ An 182, Phú Yên 115...

Một số địa phương đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở: Đồng Nai 118 trường hợp, Long An 115, Bình Dương 93, TP Hồ Chí Minh 70, Bắc Ninh 68, Thanh Hóa 63, Trà Vinh 63, Bắc Giang 54…

Trong đó đã xử lý nhiều công chức vi phạm. Điển hình như tại Thái Bình, CSGT Công an tỉnh Thái Bình đã xử phạt một Phó giám đốc Bệnh viện 35 triệu đồng và tước GPLX 23 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày. Tại Quảng Bình đã xử phạt một Phó Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày và hiện nay, Phòng Giáo dục và đào tạo đang xem xét kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền đối với trường hợp vi phạm này.

Có 3 địa phương (Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Hà Nội) đã có xử phạt người điều khiển xe đạp, xe máy điện vi phạm nồng độ cồn, trong đó có cả người nước ngoài vi phạm.

Lê Bảo

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/so-nguoi-chet-va-so-vu-tngt-giam-manh-sau-khi-nghi-dinh-100-ap-dung-2020011709121475.htm