Sợ mất sách, có điểm bưu điện văn hóa xã không dám mở cửa phục vụ

Nhiều nhân viên các điểm bưu điện văn hóa xã đã phải tự bỏ tiền túi ra đền bù sách bị mất, bị thất lạc. Chính vì vậy, nhiều người 'ngại' không muốn nhận sách về hoặc nhận về nhưng không dám mở cửa phục vụ.

Tại Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai thực hiện chương trình phối hợp công tác số 430/CTr-BVHTTDL-BTTTT giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm bưu điện văn hóa xã giai đoạn 2013- 2020 (gọi tắt là Chương trình 430), diễn ra ngày 29/11/2018, tại Hà Nội, một số đại biểu chia sẻ: bất cập trong việc chưa có quy định về tỷ lệ hao hụt sách khiến nhiều điểm bưu điện văn hóa không hoạt động hiệu quả.

Hội nghị Tổng kết 5 năm triển khai thực hiện chương trình phối hợp tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm bưu điện văn hóa xã.

Theo bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL), qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Chương trình 430, các thư viện, mặc dù còn nhiều khó khăn về vốn sách báo, song cũng đã cố gắng thu xếp, lựa chọn những sách, báo có nội dung phù hợp với từng địa bàn để luân chuyển về các điểm bưu điện văn hóa xã.

Cho đến nay, đã có 57/63 tỉnh/thành triển khai việc luân chuyển sách báo đến 1.731 điểm bưu điện văn hóa xã, trong đó có 857 điểm thuộc các xã nông thôn mới.

Việc thực hiện luân chuyển sách, báo đã góp phần làm phong phú thêm vốn sách, báo hiện có của điểm bưu điện văn hóa xã, từ đó thu hút người dân đến đọc nhiều hơn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của điểm bưu điện văn hóa xã.

Tuy nhiên, bà Vũ Dương Thúy Ngà cũng chỉ ra một số khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Đó là, vẫn còn có một số địa phương chưa nghiêm túc triển khai thực hiện chương trình. Số lượng bản sách luân chuyển trong một lần chưa nhiều, nội dung sách còn nghèo nàn, cũ và thực sự chưa phù hợp, đáp ứng với nhu cầu đọc của nhân dân, đặc biệt là nguồn sách dành cho thiếu nhi và sách thiết yếu khác.

Một số đại biểu địa phương tham dự Hội nghị cũng chia sẻ, sau 5 năm triển khai tại các địa phương, chương trình cũng bộc lộ những khó khăn, như lãnh đạo địa phương chưa quan tâm đến việc triển khai thực hiện chương trình.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực ở các điểm bưu điện văn hóa xã còn thiếu, phải kiêm nhiệm nhiều công tác khác, trong khi địa phương không có chế độ phụ cấp cho công tác phục vụ sách báo, nên cán bộ nên chưa tâm huyết với việc phục vụ bạn đọc…

Và một trong những khó khăn mà rất nhiều đại biểu chia sẻ, là bất cập trong việc chưa có quy định về tỷ lệ hao hụt sách trong quá trình luân chuyển, cũng như phục vụ bạn đọc. Nhiều nhân viên các điểm bưu điện văn hóa xã đã phải tự bỏ tiền túi ra đền bù sách bị mất, bị thất lạc… chính vì vậy, nhiều người “ngại” không muốn nhận sách về. Có nơi nhận sách về thì nhân viên không trưng bày, không mở cửa phục vụ do sợ mất, hư hỏng phải đền bù… dẫn đến hiệu quả chương trình thấp.

“Thực tế, hiện nay, một số tỉnh quy định về đền bù mất sách là khá cao, không phù hợp điều kiện thực tế và năng lực của nhân viên điểm bưu điện văn hóa xã, dẫn đến việc triển khai chương trình trở thành gánh nặng cho nhân viên. Đó là điểm mấu chốt và là nguyên nhân chính dẫn đến việc chương trình phối hợp 430 chưa thành công”, bà Phạm Thị Kim, Giám đốc Thư viện Đắk Lắk chia sẻ.

Hội nghị, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến và đưa ra những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong hai năm 2019-2020.

Bà Vũ Dương Thúy Ngà cũng cho rằng, cần trang bị thêm máy tính cho một số điểm bưu điện văn hóa xã, để ngoài việc phục vụ đọc sách truyền thống, người dân cũng có thể truy cập thông tin và tri thức thông qua sử dụng máy tính và mạng Internet.

Các điểm bưu điện văn hóa xã có thể tạo kết nối đến trang thông tin điện tử của thư viện tỉnh, hoặc nhận chuyển giao các tài liệu số để phục vụ cho người dân.

Phương Hà/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-hoa/so-mat-sach-co-diem-buu-dien-van-hoa-xa-khong-dam-mo-cua-phuc-vu-20181129123844289.htm