Số lượng vũ khí hạt nhân trên thế giới đang giảm dần

Số lượng vũ khí hạt nhân trên thế giới đang giảm dần nhờ những nỗ lực của Nga và Mỹ, nhưng các quốc gia đang sở hữu loại vũ khí này vẫn tiếp tục hiện đại hóa.

Theo dữ liệu được công bố trong Niên giám của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), số lượng vũ khí hạt nhân trên thế giới đang giảm dần nhờ những nỗ lực của Nga và Mỹ, nhưng các quốc gia đang sở hữu loại vũ khí này vẫn tiếp tục hiện đại hóa.

Các chuyên gia của Viện lưu ý rằng vào đầu năm 2020, 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân - gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên - có khoảng 13.400 đầu đạn hạt nhân. Con số này ít hơn so với thời điểm đầu năm 2019, khi các quốc gia thuộc "câu lạc bộ hạt nhân" có gần 13.900 đầu đạn hạt nhân.

"Nói chung, kho vũ khí hạt nhân tiếp tục giảm. Trước hết, kết quả này là do Mỹ và Nga tiếp tục duy trì việc loại bỏ những đầu đạn hạt nhân được rút ra khỏi biên chế trực chiến.

Đồng thời ở Nga và Mỹ cũng đang triển khai những chương trình quy mô và đắt giá để thay thế và hiện đại hóa đầu đạn hạt nhân, hệ thống các loại tên lửa và máy bay mang phóng đầu đạn hạt nhân, cũng như các cơ sở sản xuất loại vũ khí này", báo cáo viết.

Các nhà phân tích cho rằng kho vũ khí của các quốc gia hạt nhân khác nhỏ hơn đáng kể so với Nga và Mỹ, tuy nhiên, tất cả những nước này đều bắt đầu phát triển hoặc triển khai các hệ thống mới để mang phóng vũ khí hạt nhân, hoặc công bố ý định triển khai việc này. Trung Quốc, theo nhận định của các chuyên gia, đang ở đoạn giữa con đường "hiện đại hóa và mở rộng đáng kể kho vũ khí hạt nhân của mình".

"Ấn Độ và Pakistan cũng được cho là đang tăng cường kho vũ khí của họ. Triều Tiên tiếp tục dành sự ưu tiên cho chương trình hạt nhân quân sự của mình như là yếu tố trung tâm trong chiến lược an ninh quốc gia, mặc dù vào năm 2019, họ đã tuân thủ lệnh cấm thử vũ khí hạt nhân và phương tiện mạng phóng tên lửa đạn đạo tầm xa do bản thân họ đặt ra", các nhà nghiên cứu kết luận.

Nga vẫn là một trong hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới.

Nga vẫn là một trong hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới.

Theo tạp chí Bulletin of the Atomic Science, Mỹ đang triển khai 1.750 đầu đạn hạt nhân trên các phương tiện phóng và có 2.050 đầu đạn dự phòng. Ngoài những đầu đạn đã được triển khai sẵn sàng sử dụng và loại đang dữ trữ, khoảng 2.000 đầu đạn khác đang tháo dỡ.

Như vậy, tổng cộng Mỹ có 5.800 đầu đạn hạt nhân. Trong số 1.750 đầu đạn được triển khai, 400 đơn vị đang lắp trên các tên lửa đạn đạo, 900 đơn vị trang bị cho tên lửa phòng từ tàu ngầm, 300 đầu đạn lắp trên các máy bay ném bom và 150 đơn vị còn lại đặt ở những căn cứ quân sự châu Âu.

Vũ khí hạt nhân của Mỹ đang được bảo quản và lưu trữ tại khoảng 24 địa điểm ở 11 bang khác nhau và 5 quốc gia châu Âu. Nơi chứa nhiều vũ khí hạt nhân là căn cứ dưới lòng đất ở Kirtland, bang New Mexico.

Trước đó, tháng 6-2019, SIPRI cũng công bố báo cáo SIPRI 2019 về trang bị vũ khí, giải trừ quân bị và an ninh quốc tế. Theo đó, tính ở thời điểm đầu năm 2019, thế giới có 13.865 đầu đạt hạt nhân, thuộc sở hữu của 9 quốc gia, bao gồm: Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ Pakistan, Israel và Triều Tiên.

Ngày 6-8-1945, một máy bay Mỹ đã mở khoang chứa và thả xuống một quả bom hạt nhân có kích thước bằng một chiếc xe xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Ngay lập tức, đã có hàng chục ngàn dân thường bị giết hại, và rất nhiều người phải chịu các ảnh hưởng từ vụ nổ bom này và chết trong những tuần sau đó.

Ba ngày sau, ngày 9-8-1945, Mỹ tiếp tục ném 1 quả bom hạt nhân tương tự xuống thành phố Nagasaki, và hậu quả nó gây ra còn ghê rợn hơn thế. Cho đến nay, đây là lần cuối cùng, vũ khí hạt nhân được sử dụng để giết người.

Tuy vũ khí hạt nhân gây ra rất nhiều những hậu quả khủng khiếp và thường gây nên những hậu quả tức thời, nhưng thế giới đang có hàng chục ngàn vũ khí hạt nhân kể từ Thế chiến thứ 2.

Theo Hiệp Hội các nhà khoa học Mỹ (FAS), vào thời điểm kết thúc Chiến Tranh lạnh cuối những năm 1980, thế giới có tới hơn 70.000 vũ khí hạt nhân có thể sử dụng. FAS và nhiều tổ chức khác luôn theo dõi sát sao diễn biến các kho vũ khí hạt nhân và thường xuyên công bố số liệu về số lượng vũ khí hạt nhân mới nhất của các nước.

Tổng kho vũ khí hạt nhân trên toàn cầu hiện nay tuy ít hơn nhiều so với thời điểm kết thúc Chiến Tranh lạnh, nhưng xét về kích thước, độ phổ biến và khả năng hủy diệt thì không hề giảm.

Các nhà khoa học dự đoán rằng khoảng 100 vụ nổ hạt nhân tương đương với vụ nổ ở thành phố Hiroshima trong một cuộc chiến tranh có thể đẩy cả thế giới bước vào một thời kỳ tối tăm và gây ra nạn đói trên toàn cầu.

Tuy nhiên, cũng đã có những tín hiệu lạc quan nhất định với những người mong muốn một thế giới phi vũ khí hạt nhân. Giải thường Nobel Hòa Bình năm 2017 được trao cho International Campaign to Abolish Nuclear Weapons (Chiến dịch Quốc tế nhằm loại bỏ vũ khí hạt nhân - ICAN), một tổ chức đặt ra tôn chỉ giúp thế giới thoát khỏi các công nghệ vũ khí nguy hiểm.

Ủy ban Nobel Na Uy giải thích về quyết định của họ rằng ICAN “đã hoạt động rất tích cực để đạt được mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân” và cũng đề cập đến nỗ lực vận động 122 thành viên của Liên Hiệp Quốc ký vào Thỏa thuận Không phổ biến Vũ khí hạt nhân của tổ chức này.

Minh Trang (tổng hợp)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/so-luong-vu-khi-hat-nhan-tren-the-gioi-dang-giam-dan-599311/