Số lượng quốc gia tuyên bố áp dụng án tử hình với tội phạm hiếp dâm tăng vọt

Thời gian gần đây, các vụ án hiếp dâm ngày càng gia tăng cả về số lượng cũng như tính nghiêm trọng. Trước tình hình đó, số lượng quốc gia tuyên bố áp dụng án tử hình với loại tội phạm này đã tăng vọt.

Áp dụng hình phạt nặng nhất với tội phạm hiếp dâm

Mới đây, nội các Bangladesh đã nhất trí thông qua việc tăng hình phạt lên mức nặng nhất (tử hình) đối với những kẻ hiếp dâm, sau một loạt những vụ tấn công tình dục xảy ra, dẫn tới làn sóng biểu tình dữ dội ở quốc gia Nam Á này. Bangladesh đã chứng kiến sự gia tăng tội phạm tình dục. Theo thống kê của nhóm nhân quyền Ain o Salish Kendra, năm 2020, Bangladesh có hơn 1.200 vụ hiếp dâm, trong đó có hơn 1/5 trong số này là các vụ cưỡng hiếp tập thể. Theo sửa đổi mới nhất đối với luật trừng phạt cưỡng hiếp của Bangladesh, bất kỳ ai bị kết tội hãm hiếp phụ nữ hoặc trẻ em sẽ phải nhận án "tử hình hoặc tù chung thân".

Như vậy Bangladesh là 1 trong 8 quốc gia hiện nay áp dụng án tử hình đối với kẻ hiếp dâm. Dưới đây là 7 quốc gia mà những kẻ hiếp dâm có thể bị trừng phạt bằng cái chết:

Ấn Độ: Một lệnh hành pháp được thông qua vào năm 2018 đã phê chuẩn án tử hình đối với những kẻ hiếp dâm các bé gái dưới 12 tuổi. Quyết định này được đưa ra trước sự phẫn nộ trên toàn quốc về hàng loạt vụ hiếp dâm. Những kẻ hiếp dâm có tiền án và là thủ phạm tấn công tình dục khiến nạn nhân thiệt mạng hoặc để họ trong tình trạng sống thực vật dai dẳng, cũng có thể bị trừng phạt bằng cái chết, theo luật hình sự của nước này.

Ấn Độ là một trong số những quốc gia áp dụng án tử hình với tội phạm hiếp dâm Ảnh: NBC News

Ấn Độ là một trong số những quốc gia áp dụng án tử hình với tội phạm hiếp dâm Ảnh: NBC News

Pakistan: Theo Bộ luật Hình sự Pakistan, những kẻ phạm tội hiếp dâm tập thể có thể bị kết án tử hình hoặc tù chung thân. Tháng 9/2020, Thủ tướng Pakistan Imran Khan từng tuyên bố, ông muốn những kẻ hiếp dâm bị thiến hóa học hoặc hành quyết công khai sau khi chứng kiến các cuộc biểu tình xảy ra rầm rộ tại Pakistan phản đối vụ một phụ nữ bị hiếp dâm tập thể trên đường cao tốc.

Saudi Arabia: Theo luật Sharia của Saudi Arabia, hiếp dâm là trọng tội và thủ phạm có thể phải đối mặt với án tử hình. Trong năm 2020, Saudi Arabia đã thực hiện 150 án tử hình và 8 trong số đó là vì tội cưỡng hiếp.

Iran: Năm ngoái, với ít nhất 250 vụ hành quyết, Iran đã tiến hành số vụ hành quyết nhiều thứ 2 trên thế giới, theo thống kê của Tổ chức Ân xá Quốc tế. Theo Bộ luật Hình sự Hồi giáo của quốc gia này, 12 trường hợp hành quyết là vì tội hãm hiếp.

UAE: Theo luật của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), hiếp dâm phụ nữ sẽ bị trừng phạt rất nặng. Riêng đối với các trường hợp cưỡng hiếp phụ nữ dưới 14 tuổi, tội phạm sẽ nhận án tử hình. Năm 2019, UAE không ghi nhận bất kỳ vụ hành quyết nào nhưng năm 2020, quốc gia này đã áp đặt ít nhất 18 án tử hình cho các tội danh bao gồm giết người, hiếp dâm và cướp có vũ trang.

Trung Quốc: Luật hình sự của nước này quy định bất kỳ ai cưỡng hiếp phụ nữ hoặc quan hệ tình dục với một bé gái dưới 14 tuổi đều có thể đối mặt với cái chết nếu nạn nhân chết hoặc bị thương nặng, nếu nạn nhân bị cưỡng hiếp ở nơi công cộng hoặc nếu thủ phạm thực hiện nhiều vụ cưỡng hiếp.

Việt Nam: Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi được quy định rõ tại Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Có tổ chức; b) Nhiều người hiếp một người; c) Đối với người dưới 10 tuổi; d) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; đ) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội; e) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.

Rúng động trước nạn cưỡng hiếp tập thể ở Ethiopia

Gần đây, vùng Tigray miền Bắc Ethiopia, nơi xung đột vũ trang đã kéo dài hàng tháng, ngày càng xuất hiện nhiều bằng chứng cho thấy bạo lực tình dục đang được dùng làm vũ khí chiến tranh.

Thế giới rúng động khi nhiều phụ nữ nơi đây bị hãm hiếp tập thể, đánh thuốc mê và giữ làm con tin. Những người đứng đầu 11 cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) và một số tổ chức quốc tế khác đã kêu gọi những bên liên quan ngừng các cuộc tấn công nhằm vào dân thường ở vùng Tigray "bao gồm cả cưỡng hiếp và các hình thức bạo lực tình dục khủng khiếp khác". Họ cũng đã yêu cầu Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ thực hiện cuộc điều tra độc lập về "bạo lực tình dục liên quan đến xung đột ở Tigray". Theo LHQ, hơn 136 vụ hiếp dâm được báo cáo tại các bệnh viện ở Mekelle, Ayder, Adigrat và Wukro từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2021.

Một bác sĩ ở Bệnh viện Ayder Referral cho biết, bệnh viện này đã tiếp nhận 200 phụ nữ bị bạo lực tình dục trong những tháng gần đây. Bệnh nhân nhỏ nhất mà bác sĩ này phụ trách chỉ mới 8 tuổi và người lớn nhất là 60 tuổi. Tuy vậy, vẫn còn nhiều trường hợp không được chăm sóc y tế tại các vùng nông thôn. Một nạn nhân tiết lộ, cô cùng 5 phụ nữ khác bị 30 binh sĩ Eritrea hãm hiếp tập thể. Thủ phạm đã cười đùa và chụp ảnh trong suốt vụ tấn công. Khi cố gắng chạy trốn, người phụ nữ này bị bắt lại, tiêm thuốc, trói vào một hòn đá, lột quần áo, hãm hiếp trong 10 ngày.

Theo một điều phối viên tại Trung tâm giải quyết bạo lực trên cơ sở giới ở Tigray, cứ vài ngày một lần hoặc tuần một lần, họ thường nghe về các vụ hiếp dâm mới. Kể từ khi xung đột nổ ra, mỗi ngày có tới 22 phụ nữ và trẻ em gái đến để chữa trị sau khi bị cưỡng hiếp.

Ông Farhan Haq, phát ngôn viên của LHQ, cho biết, để cung cấp nơi trú ẩn khẩn cấp, vật phẩm cứu trợ cho gần 140.000 người, cung cấp nước sạch cho hơn 630.000 người và đặc biệt là cứu giúp các nạn nhân bị cưỡng hiếp ở Ethiopia, LHQ cần có 1,3 tỷ USD. Cho đến nay, LHQ đã nhận được 738,8 triệu USD từ các quốc gia trên thế giới và chương trình hỗ trợ nhân đạo này vẫn đang được tiến hành.

Nam Phong (tổng hợp)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/so-luong-quoc-gia-tuyen-bo-ap-dung-an-tu-hinh-voi-toi-pham-hiep-dam-tang-vot-20210331115003868.htm