Số lượng ma túy bắt giữ ngày càng lớn

Quý I/2019, quy mô tính chất tội phạm ngày càng tăng, số lượng ma túy bị lực lượng chức năng bắt giữ ngày càng lớn. Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) Đỗ Ngọc Cảnh đã trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề này.

Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm.

Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm.

Ông có thể đánh giá phương thức, thủ đoạn của các đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy trong thời gian gần đây?

Tình hình mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới diễn ra phức tạp, bất thường. Thời gian qua, lực lượng Công an, Biên phòng, Hải quan đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn, đặc biệt là có vụ việc thu giữ tang vật gần 1 tấn ma túy.

Mặt khác, hoạt động mua bán, chuyển ma túy có sự tham gia của các đối tượng ở trong nước và nước ngoài, thậm chí hình thành các đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia.

Quý I, lực lượng Biên phòng đã phát hiện thu giữ 662,25 kg ma túy các loại, chiếm 53% so với năm 2017.

Nguồn ma túy tổng hợp chủ yếu được sản xuất ở nước ngoài (Myamar). Mặt khác, công nghệ sản xuất ma túy tổng hợp cũng được các đối tượng ở các nước láng giềng đã tiếp cận, tổ chức sản xuất, sau đó vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ trong nước và vận chuyển đi nước thứ 3.

Số lượng ma túy tăng vọt trong thời gian gần đây là do nhu cầu tăng cao. Mặt khác, Việt Nam vẫn được xác định là địa bàn trung chuyển ma túy từ nước ngoài vào để vận chuyển đi nước thứ 3.

Trước đây, lượng ma túy chủ yếu từ Trung Quốc về Việt Nam để đi nước thứ 3, nhưng gần đây, lượng ma túy chủ yếu được vận chuyển từ Lào, Campuchia vào Việt Nam.

Để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống ma túy, lực lượng Biên phòng đã triển khai những giải pháp nào, thưa ông?

Qua công tác nắm tình hình, lực lượng Biên phòng xác định, đối tượng tham gia vận chuyển chủ yếu là cư dân 2 bên biên giới Việt - Lào có quan hệ huyết thống và các đối tượng truyền thống mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.

Các đối tượng lợi dụng hoạt động xuất nhập khẩu để cất giấu ma túy bên trong hàng hóa, phương tiện vận tải.

Mặt khác, một số đối tượng lợi dụng đường biên giới có nhiều đồi núi, đường mòn để vận chuyển ma túy vượt rừng, sau đó tập kết tại một điểm, chờ thời cơ vận chuyển về nội địa tiêu thụ.

Điển hình là thời gian qua, lực lượng Biên phòng đã phát hiện nhiều vụ ma túy ở khu vực biên giới Tây Nguyên, miền Trung, sau đó vận chuyển vào TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ.

300kg ma túy bị bắt giữ tại TPHCM ngày 20/3.

Quy mô tính chất tội phạm ngày càng tăng, số lượng ma túy bị lực lượng chức năng bắt giữ ngày càng lớn, đây là khó khăn đối với lực lượng phòng, chống ma túy, Bộ đội Biên phòng.

Do vậy, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đấu tranh phòng, chống ma túy qua biên giới.

Để giải quyết vấn nạn này, lực lượng Biên phòng chú trọng trao đổi thông tin, cũng như hợp tác quốc tế, nhất là lực lượng chức năng của Lào. Cụ thể, thời gian qua, lực lượng Biên phòng đã phối hợp với lực lượng Công an Lào đấu tranh thành công nhiều chuyên án ở khu vực sát biên giới Việt - Lào.

Đồng thời, lực lượng Biên phòng cũng chủ động xác lập nhiều chuyên án đấu tranh hiệu quả với các đối tượng vận chuyển ma túy vào Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Quang Hùng (ghi)

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/so-luong-ma-tuy-bat-giu-ngay-cang-lon-102893.html