Số lượng khu trục hạm Arleigh Burke Mỹ gia tăng chóng mặt, hướng tới con số 100

Hải quân Mỹ xác định khu trục hạm lớp Arleigh Burke vẫn là xương sống của hạm đội tàu mặt nước, họ sẽ tiếp tục đóng thêm các chiến hạm loại này trong dài hạn.

Khu trục hạm lớp Arleigh Burke mới nhất của hải quân Mỹ, chiếc USS Paul Ignatius (DDG 117) đã chính thức vào biên chế trong buổi lễ diễn ra lúc 10 giờ thứ bảy, ngày 27/7, tại cảng Everglades ở Fort Lauderdale, Florida.

Khu trục hạm lớp Arleigh Burke mới nhất của hải quân Mỹ, chiếc USS Paul Ignatius (DDG 117) đã chính thức vào biên chế trong buổi lễ diễn ra lúc 10 giờ thứ bảy, ngày 27/7, tại cảng Everglades ở Fort Lauderdale, Florida.

Con tàu được đặt tên để vinh danh Paul Robert Ignatius, người từng phục vụ hải quân Mỹ trong thế chiến II và sau đó đảm nhiệm vai trò trợ lý bộ trưởng quốc phòng thời kỳ 1964 - 1967 cũng như thư ký hải quân giai đoạn 1967 - 1969.

Vợ của ông Ignatius - bà Nancy là nhà bảo trợ của con tàu. Tuy nhiên, do bà đã qua đời hồi đầu năm nay cho nên Tiến sĩ Elisa Ignatius - cháu gái của bà Nancy Ignatius thay mặt trong buổi lễ.

USS Paul Ignatius sẽ là tàu khu trục lớp Arleigh Burke thứ 67 chính thức phục vụ trong hải quân Mỹ, nó cũng là một trong 21 chiếc chiến hạm loại này trong danh sách được thi công đóng mới.

Sau khi hoàn thành loạt 21 tàu của hợp đồng đã nêu trên, hải quân Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục đóng mới lớp khu trục hạm này để nâng con số tàu trong biên chế lên tới 100 chiếc, do DDG-1000 Zumwalt tỏ ra quá đắt đỏ.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết tiếp theo, tàu USS Daniel Inouye (DDG 118) sẽ được đóng tại Bath Iron. Trong khi DDG 119 mang tên Delbert D. Black sẽ được chế tạo tại Ingalls.

USS Paul Ignatius (DDG 117) được chế tạo theo cấu hình nâng cấp Flight IIA với radar mảng pha quét điện tử chủ động AN/SPY-1D có thể đồng thời theo dõi 250 mục tiêu và điều khiển trực tiếp 20 tên lửa.

Ngoài ra so với thế hệ Flight I thì Flight IIA có cải tiến đáng chú ý là được bổ sung nhà chứa máy bay rộng, cho phép mang theo 2 trực thăng trong các chuyến hải trình dài.

Sau chiếc Harvey C. Barnum Jr (DDG 124), hải quân Mỹ sẽ bắt tay đóng mới tàu Jack H. Lucas (DDG 125) theo cấu hình Flight III với tính năng kỹ chiến thuật cao cấp hơn.

Nâng cấp đáng chú ý nhất là radar AN/SPY-1D trên các tàu phiên bản Flight IIA được thay thế bằng radar phòng không và phòng thủ tên lửa (AMDR) mới, cung cấp khả năng lớn hơn trong vai trò phòng thủ tên lửa đạn đạo.

Dàn vũ khí chủ lực của tàu bao gồm các tên lửa SM-2, SM-6 hoặc SM-3, hệ thống radar có thể phát hiện 300 mục tiêu và theo dõi 100 đối tượng bay với tầm quét ngoài 400 km, tầm bắn của tên lửa lên tới 2.500 km, độ cao đánh chặn trên 250 km.

Phiên bản Flight III cũng được mở rộng lượng giãn nước đầy tải lên 11.000 tấn, chiều dài 155 m, chiều rộng 20 m. Kích cỡ này khiến khu trục hạm Arleigh Burke tương đương tuần dương hạm.

Rõ ràng thiết kế của khu trục hạm Arleigh Burke được xem là một hình mẫu đi trước thời đại rất xa và sẽ còn là tiêu chuẩn cho nhiều lực lượng hải quân khác trên thế giới học tập.

Do vậy không khó hiểu tại sao hải quân Mỹ vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào lớp chiến hạm này, bất chấp việc tàu đầu tiên DDG 51 đã hoạt động từ năm 1991, tức là đến nay đã 28 tuổi.

Theo Việt Dũng/An ninh Thủ đô

loading...

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/so-luong-khu-truc-ham-arleigh-burke-my-gia-tang-chong-mat-huong-toi-con-so-100/20190804035229477