Số lượng cần đi kèm chất lượng

Sau nhiều năm chờ đợi, du lịch Việt Nam đã đón du khách quốc tế thứ 15 triệu, tạo một mốc mới trong sự phát triển của ngành. Bên cạnh con số đầy ấn tượng trên, du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để nâng cao số lượng khách quốc tế, trong đó đáng lưu ý là khách ở những thị trường có khả năng chi tiêu cao.

Du lịch Việt Nam giành nhiều hạng mục giải thưởng quan trọng

Du khách quốc tế tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam

Mức tăng trưởng ấn tượng

Theo Tổng cục Du lịch, năm 1994, Việt Nam mới đạt mốc 1 triệu lượt khách quốc tế. Phải đến năm 2013, số lượt khách quốc tế đến Việt Nam mới đạt mức 7 triệu. Năm 2017, du lịch Việt Nam đạt mốc 13 triệu lượt khách quốc tế và vẫn giữ được mức tăng trưởng gần 30% khách quốc tế trong năm nay. Nhờ đó, Việt Nam đã vào nhóm 10 nước tăng trưởng khách quốc tế nhiều nhất thế giới.

Hiện nay, Việt Nam đã đạt mốc 15 triệu lượt khách quốc tế và dự báo đến hết tháng 12 này có thể đạt mức 15,5 triệu lượt. Trong dịp đón lượt khách quốc tế thứ 15 triệu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: “Những năm qua, ngành Du lịch Việt Nam phát triển nhanh và khởi sắc. Đặc biệt, với sự tham gia tích cực của mỗi người dân, bằng tình cảm thân thiện, nồng nhiệt chào đón đã tạo cho du khách những trải nghiệm đáng nhớ khi tới Việt Nam. Năm 2018, du lịch Việt Nam nhận được nhiều giải thưởng quốc tế quan trọng, uy tín, góp phần khẳng định dải đất hình chữ S đang và sẽ là điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện trong khu vực và trên thế giới, là tiền đề để du lịch Việt Nam phấn đấu thực hiện mục tiêu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Dưới góc nhìn của người trực tiếp làm du lịch, Phó Giám đốc Công ty TransViet Nguyễn Tiến Đạt đánh giá: “Rõ ràng, đón được 15 triệu lượt khách là thành tựu đáng ghi nhận và tự hào. Đạt được con số này là nhờ sự nỗ lực của các nhà quản lý, người làm du lịch, sự ổn định chính trị, mức độ an toàn cùng giá cả chi tiêu phù hợp với đa số du khách. Ngoài ra, còn là sự chủ động của cả cơ quan quản lý nhà nước cũng như chính doanh nghiệp trong xúc tiến du lịch với việc tham gia có chọn lọc các hội chợ du lịch quốc tế, tìm đến các thị trường mới có khả năng chi tiêu cao”.

Các doanh nghiệp lữ hành cũng cho rằng, nhiều hạng mục du lịch đẳng cấp, hiện đại phục vụ khách có khả năng chi trả cao đã xuất hiện liên tục, hình thành thương hiệu mạnh cho các điểm đến du lịch ở Việt Nam. Ngay cả việc miễn thị thực nhập cảnh với công dân 5 nước Anh, Đức, Italia, Pháp, Tây Ban Nha thêm 3 năm, tính từ ngày 1-7-2018 và một số nước khác cũng tác động mạnh đến việc tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam.

Chú trọng chất lượng

Mốc 15 triệu lượt khách quốc tế dù phản ánh nỗ lực và sức hút của du lịch Việt Nam trong những năm qua nhưng vẫn còn khoảng cách lớn so với những quốc gia khác ngay ở Đông Nam Á. Thái Lan đã đạt mức trên 35 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2017. Cũng trong năm này, Malaysia đạt mức trên 31 triệu, Singapore đạt mức trên 17 triệu lượt khách quốc tế... Trong khi đó, tài nguyên du lịch của Việt Nam được đánh giá là phong phú và giàu tiềm năng hơn nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á. Đây là cơ sở để Việt Nam kỳ vọng thu hút nhiều khách quốc tế nhưng cũng là bài toán với những nhà quản lý.

Du khách tham quan Hạ Long (Quảng Ninh).

Một khía cạnh khác cũng được ông Nguyễn Tiến Đạt lưu ý là cơ cấu khách quốc tế đến Việt Nam có tới trên 50% đến từ thị trường Đông Bắc Á, trong đó chủ yếu là từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong khi đó, những thị trường chi tiêu cao như châu Âu, châu Đại Dương, Mỹ, Canada… lại chiếm tỷ trọng khá hạn chế, khoảng trên 16%. Vì thế, nâng số lượng khách ở những thị trường chi tiêu cao là bài toán cần sớm có lời giải. Với Thủ đô, ngay trong định hướng phát triển của mình, du lịch Hà Nội cũng đã thay đổi phương thức, chủ động khai thác thêm ở thị trường này với nhiều sản phẩm cao cấp, mang tính trải nghiệm cao.

Câu chuyện tăng trưởng về số lượng nhưng không nhất thiết bằng mọi giá cũng đã được đề cập ở nhiều hội thảo, diễn đàn. Ông Nguyễn Quốc Đoàn, Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: “Du lịch bền vững” hay còn gọi là “Du lịch xanh” phải là hướng đi chính trong tương lai, qua đó tạo ra quan điểm chỉ đạo xuyên suốt. Việc phát triển “Du lịch bền vững” cũng cần đến nhiều yêu cầu về môi trường nên có thể kén khách hơn những hướng đi khác. Do vậy, số lượng khách đến sẽ không thể là tiêu chí quan trọng nhất đánh giá sự thành công hay không thành công của hướng đi này. Đồng quan điểm trên, PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cũng cho rằng, số lượng khách tăng là tốt nhưng cũng không thể quên nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ, trải nghiệm, các hình thức văn hóa giải trí... Khi khách thực sự có ấn tượng tốt với điểm đến, họ sẽ quay lại và giới thiệu cho nhiều người.

Rõ ràng, phía sau đó con số 15 triệu lượt khách du lịch quốc tế còn quá nhiều đầu việc phải giải quyết vì tiềm năng du lịch của Việt Nam còn chưa được khai phá hết.

Năm 2018, ngành Du lịch đạt mục tiêu đón trên 15 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ khoảng 80 triệu lượt khách nội địa; tổng thu đạt 620 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, theo ước tính của Sở Du lịch Hà Nội, tính đến hết năm 2018, tổng số khách đến Hà Nội ước đạt khoảng 26,04 triệu lượt, trong đó khách quốc tế ước đạt 5,74 triệu lượt; tổng thu ước đạt trên 75 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017.

Số lượng cần đi kèm chất lượng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Du-lich/922273/so-luong-can-di-kem-chat-luong