Số loài côn trùng suy giảm đáng báo động trong thập kỷ qua

Trong vài năm vừa qua, các nhà khoa học ngày càng thu thập nhiều các bằng chứng về số các loài côn trùng đang biến mất khỏi bề mặt hành tinh của chúng ta. Có thể chúng ta đã đánh giá không đúng mức về quy mô của vấn đề này, và kịch bản xấu nhất là loài côn trùng có thể không còn trong một thế kỷ nữa.

Quần thể các loài côn trùng như châu chấu vàng nhỏ đã giảm đáng kể. Ảnh: Martin Fellendorf, Đại học Ulm.

Quần thể các loài côn trùng như châu chấu vàng nhỏ đã giảm đáng kể. Ảnh: Martin Fellendorf, Đại học Ulm.

Trong một nghiên cứu đánh giá hệ sinh thái quy mô lớn, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã thấy các loài côn trùng trong các khu rừng và đồng cỏ ở Đức đã suy giảm khoảng một phần ba chỉ trong thập kỷ vừa qua.

Nhà sinh thái học trên cạn Wolfgang Weisser, Đại học Kỹ thuật Munich (TUM) nói: "Sự suy giảm ở quy mô này trong khoảng thời gian chỉ 10 năm là một điều hoàn toàn bất ngờ đối với chúng tôi. Điều này thật khủng khiếp, nhưng lại phù hợp với bức tranh chung trong các nghiên cứu về côn trùng”.

Từ khoảng thời gian năm 2008 đến năm 2017, nhóm nghiên cứu quốc tế này đã thu thập hơn một triệu côn trùng từ 300 địa điểm trên khắp nước Đức. Gần 2.700 loài đã được điều tra, có nhiều loài có dấu hiệu bị suy giảm. Trên thực tế, nhóm nghiên cứu đã thông báo, trong vài năm gần đây, một vài loài côn trùng quý hiếm đã không còn được tìm thấy.

Cho dù các nhà nghiên cứu ở đâu, kết quả này vẫn không thay đổi. Từ bãi chăn cừu đến đồng cỏ rồi đến các cánh rừng, các nhà nghiên cứu đã báo cáo những mất mát đáng kể trong sự đa dạng của côn trùng và sự biến mất lớn nhất đến từ các đồng cỏ, đặc biệt là những khu vực chung quanh các trang trại. Trong môi trường này, sự phong phú của côn trùng giảm 78% trong khi sinh khối giảm mạnh 67%.

Nhiều loài côn trùng trên đồng cỏ đã biến mất. Ảnh: Tiến sĩ Ulrike Garbe / Văn phòng Môi trường của tiểu bang Brandenburg, Đức.

Sự biến mất của côn trùng trên đồng cỏ ở Đức đã được chứng minh trước đây, nhưng chưa bao giờ được chi tiết như vậy. Phần lớn các nghiên cứu trước đây chỉ tập trung vào sinh khối, là tổng khối lượng của tất cả các loài côn trùng, chứ không tập trung vào số lượng của các loài hiện có.

Nhà sinh thái học trên cạn Sebastian Seibold nói: "Trước cuộc khảo sát của chúng tôi, thực tế là việc ảnh hưởng củamột phần lớn các nhóm côn trùng vẫn chưa rõ ràng, không rõ liệu có sự suy giảm côn trùng hay không ở phạm vi các khu rừng và ở mức độ nào".

Ở những khu vực có rừng, sinh khối giảm 40% và số lượng loài giảm hơn một phần ba. Nhóm nghiên cứu cho biết: “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, có sự suy giảm diện rộng trong khối động vật chân đốt, ở các mức độ về sự phong phú và số lượng loài. Sự suy giảm của động vật chân đốt trong rừng chứng minh rằng sự mất mát không bị hạn chế đối với môi trường sống mở”.

Các nghiên cứu tiếp theo sẽ cần được thực hiện để thu được một bức tranh toàn điện trong khối sinh vật, độ phong phú và tính đa dạng, nhưng có một số manh mối trong dữ liệu. Điều gây sốc là sự mất mát các loài côn trùng hiếm ở đồng cỏ Đức là cao nhất.

Trong các khu rừng, khối sinh vật côn trùng vẫn tương đối ổn định trong suốt 10 năm. Trong thực tế, những loài côn trùng phong phú nhất thậm chí còn trở nên phổ biến hơn. Điều này cho thấy rằng khi côn trùng biến mất trong môi trường rừng, chúng nhanh chóng được thay thế bằng các loài khác, có nhiều cơ hội hơn.

Theo kịch bản thảm khốc nhất, một số nhà khoa học đã cảnh báo côn trùng có thể biến mất trong vòng một thế kỷ. Những người khác nghĩ rằng, rất có thể một số lượng nhỏ các loài sẽ sống sót bằng việc lợi dụng sự mất mát của các đối thủ cạnh tranh.

Không phải ai cũng tin rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân biến mất của côn trùng trên toàn cầu, nhưng có lý do để nghi ngờ nó có góp phần vào việc này. Nếu đúng vậy, nó chắc chắn sẽ gây ra sự hỗn loạn hơn nữa.

Nhóm nghiên cứu giải thích: “Nguyên nhân của việc suy giảm côn trùng trong rừng vẫn chưa rõ ràng. Nhưng ở đồng cỏ, nguyên nhân này được liên kết với tỷ lệ đất nông nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi không thể xác định liệu sự suy giảm quan sát được có nguyên nhân từ các tác động kế thừa lịch sử của việc tăng cường sử dụng đất hay bởi thâm canh nông nghiệp gần đây."

Các tác giả đang kêu gọi một sự thay đổi mô hình trong chính sách sử dụng đất ở cấp quốc gia và quốc tế. Họ cho rằng các chiến lược tốt nhất nên nhằm mục đích cải thiện chất lượng môi trường sống và giảm thiểu tác động tiêu cực của các hoạt động sử dụng đất hiện tại, như thuốc trừ sâu và các mảng thiên nhiên cô lập bị bao quanh bởi các trang trại. Cứu những sinh vật nhỏ bé này có thể sẽ đòi hỏi những thay đổi lớn.

HOÀNG DƯƠNG

Theo Sciencealert

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/vi-moi-truong-xanh/item/42154702-so-loai-con-trung-suy-giam-dang-bao-dong-trong-thap-ky-qua.html