Số liệu lao động qua đào tạo được tính toán có cơ sở

Theo một số chuyên gia, số liệu công bố về tỉ lệ lao động qua đào tạo là chưa có cơ sở và chưa chính xác, chỉ dùng để báo cáo.

Bộ LĐ-TB&XH không tự nghĩ ra chỉ tiêu lao động qua đào tạo

Bộ LĐ-TB&XH không tự nghĩ ra chỉ tiêu lao động qua đào tạo

Liên quan đến đề xuất bỏ chỉ tiêu lao động qua đào tạo vì không có cơ sở và thiếu chính xác, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, để tổng hợp tính toán chỉ tiêu lao động qua đào tạo, Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) đã dựa trên cơ sở Dữ liệu Cung lao động được cập nhật triển khai từ năm 2010.

Cơ sở dữ liệu cung lao động, gồm: Thông tin cơ bản về nhân khẩu học, trình độ giáo dục phổ thông, trình độ chuyên môn kỹ thuật, lĩnh vực giáo dục - đào tạo, tình trạng hoạt động kinh tế của người lao động, do Ủy ban Nhân dân cấp xã triển khai thu thập, cập nhật dữ liệu hàng năm và hiện có thông tin của 21 triệu hộ gia đình.

Từ cơ sở dữ liệu cung lao động cho biết được chi tiết trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nhất mà người lao động đạt được, theo đó, tỷ lệ này qua các năm như sau: năm 2014 là 49,14%; năm 2015- 52,60%; năm 2016- 53,00%; năm 2017- 56,10% và ước tính năm 2018 là 58,60%.

Như vậy, số liệu công bố về tỷ lệ lao động qua đào tạo là hoàn toàn có cơ sở, từ dữ liệu của 21 triệu hộ gia đình.

Nói rõ thêm về chỉ tiêu lao động qua đào tạo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho hay chỉ tiêu lao động qua đào tạo, tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đã được đề cập trong trong các Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ.

Nghị định số 97/2016/NĐ-CP ngày 7/1/2016 của Chính phủ hướng dẫn Luật Thống kê quy định người qua đào tạo gồm hai nhóm.

Nhóm thứ nhất là người đã được đào tạo ở một trường hay một cơ sở đào tạo chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ 3 tháng trở lên và đã tốt nghiệp, đã được cấp bằng/chứng chỉ chứng nhận đạt một trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ nhất định, gồm sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng chuyên nghiệp, đại học và trên đại học (thạc sỹ, tiến sỹ, tiến sỹ khoa học).

Nhóm thứ hai là người chưa qua một trường lớp đào tạo nào nhưng do tự học, do được truyền nghề hoặc vừa làm vừa học nên họ đã có được kỹ năng, tay nghề, tương đương với bậc 1 của công nhân kỹ thuật có bằng/chứng chỉ cùng nghề và thực tế đã từng làm công việc này với thời gian từ 3 năm trở lên (hay còn gọi là công nhân kỹ thuật không bằng/chứng chỉ).

Nhóm thứ nhất thì theo đúng cách phân loại lực lượng lao động theo chỉ tiêu số 14 trong Bộ chỉ tiêu cơ bản của thị trường lao động (KILM) theo hướng dẫn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Nhóm thứ hai thì theo đúng hướng dẫn trong Tiêu chuẩn quốc tế về phân loại nghề nghiệp – ISCO-08 cũng của ILO. Vì vậy có thể khẳng định rằng các chỉ tiêu tính toán của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.

An Nhiên

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/so-lieu-lao-dong-qua-dao-tao-duoc-tinh-toan-co-co-so/785919.antd