Số liệu kinh tế yếu của Trung Quốc hạn chế đà tăng của giá dầu châu Á

Giá dầu châu Á ổn định trong phiên chiều 17/1 sau những báo cáo cho thấy tăng trưởng kinh tế có phần giảm tốc tại Trung Quốc, làm dấy lên những lo ngại về nhu cầu năng lượng trong tương lai.

Số liệu kinh tế yếu của Trung Quốc hạn chế đà tăng của giá dầu châu Á. Ảnh minh họa: TTXVN

Số liệu kinh tế yếu của Trung Quốc hạn chế đà tăng của giá dầu châu Á. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo đó, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 12 xu Mỹ lên 64,74 USD/thùng vào lúc 14 giờ 35 phút (theo giờ Việt Nam, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tiến 11 xu Mỹ lên 58,63 USD/thùng.
Cả hai loại dầu này đều tăng khoảng 1% trong phiên 16/1 sau khi Mỹ và Trung Quốc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Tâm lý nhà đầu tư càng được củng cố sau khi Thượng viện Mỹ ngày 16/1 đã nhanh chóng thông qua thỏa Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), phiên bản mới của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), sau nhiều lần trì hoãn.
Song thị trường đã bớt “hưng phấn” trong phiên 17/1 sau khi đón nhận những số liệu mới nhất về kinh tế Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Theo thống kê chính thức, trong quý IV/2019, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng 6%. Tính chung tốc độ tăng trưởng cả năm ngoái của nước này đạt 6,1%, đánh dấu mức tăng chậm nhất trong vòng 29 năm.
Nhà phân tích thị trường Margaret Yang tại công ty môi giới đầu tư CMC Markets cho biết những số liệu về kinh tế Trung Quốc không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia, song nó lại không thể đưa ra những chỉ dấu rõ ràng cho giá dầu trong phiên giao dịch cùng ngày. Việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục chịu áp lực đi xuống cũng có thể chặn bớt đà tăng của giá dầu trong trung và dài hạn.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây cũng đưa ra những dự báo không mấy lạc quan về triển vọng thị trường dầu mỏ vào năm 2020. Theo đó, IEA nhận định rằng nguồn cung dầu sẽ vượt nhu cầu về dầu thô từ Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), ngay cả khi các thành viên hoàn toàn tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng với Nga và các nhà sản xuất khác (còn được gọi là nhóm OPEC+) .
Ông Howie Lee, nhà kinh tế tại ngân hàng OCBC của Singapore, nói rằng yếu tố lớn tiếp theo ảnh hưởng tới giá dầu là việc liệu OPEC+ có muốn gia hạn cắt giảm sản lượng sau quý I/2020 hay không. Với mức giá hiện tại, chuyên gia này cho rằng OPEC có thể tiến hành động thái như vậy./.

H.Thủy (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/so-lieu-kinh-te-yeu-cua-trung-quoc-han-che-da-tang-cua-gia-dau-chau-a/145357.html