Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Kon Tum lên tiếng vụ việc 'Mất liên lạc với lao động xuất khẩu'

Những ngày qua, dư luận phản ánh về việc Chị Y Hồng và một số lao động người dân tộc Xê Đăng, ngụ tại làng Kon Hia, xã Đăk Rơ Ông, xã Đắk Na, huyện Tu Mơ Rông đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út bỗng dưng mất tin tức sau khi xuất cảnh. Sở Lao động -Thương binh và Xã hội Kon Tum đã xác minh và khẳng định 'Gia đình vẫn thường xuyên liên lạc với người thân đang lao động ở Ả Rập Xê Út…'

Người lao động được đào tạo tiếng, kỹ năng làm việc tại Công ty Thuận An DMC trước khi đi giúp việc gia đình tại Ả Rập Xê Út

Thông tin không chính xác

Những ngày qua, dư luận phản ánh về việc Chị Y Hồng và một số lao động dân tộc Xê Đăng, ngụ tại làng Kon Hia, xã Đăk Rơ Ông, xã Đắk Na, huyện Tu Mơ Rông ký hợp đồng đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út vào tháng 8/2019, thông qua Công ty cổ phần đầu tư Thuận An DMC. Sau đó, họ được Công ty này đưa ra Hà Nội để học ngoại ngữ và xuất cảnh đi làm việc có thời hạn 2 năm ở nước ngoài. Từ ngày chị Y Hông rời khỏi địa phương đến nay gia đình không liên lạc được lần nào với chị.

Trong lúc chị Y Hồng bặt tin, thì chồng chị qua đời mà chưa rõ nguyên nhân, con trai đầu của chị đang học lớp 9 phải bỏ học đi làm thuê nuôi các em. Mẹ chị Y Hồng đã phải đưa các cháu mồ côi về nhà chăm sóc.

Ông Trần Thế Vũ, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội Sở Lao động Thương binh và Xã hội, tỉnh Kon Tum (Ảnh: Đài truyền hình Kon Tum)

Trao đổi với phóng viên báo Dân Sinh về vấn đề này, ông Trần Thế Vũ, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum cho biết: "Sở khẳng định là những thông tin liên quan đến một số người lao động, trong đó có chị Y Hồng mất liên lạc với gia đình là hoàn toàn sai sự thật, thông tin bịa đặt gây hoang mang dự luận, ảnh hưởng đến công tác xuất khẩu lao động của địa phương. Cụ thể, Sở đã phối hợp với phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Tu Mơ Rông, xã Đăk Rơ Ông, xuống tận gia đình xác minh. Tại đây, gia đình chị Y Hồng khẳng định chị có điện về nhà 3 lần, nhưng có một lần con chị không nghe máy. Hai lần còn lại chị đã nói chuyện với người thân, đồng thời thông tin về công việc của mình bên Ả Rập Xê Út rất thuận lợi, chủ nhà đối đãi rất tốt với chị".

"Trong cuộc điện thoại mới đây do Công ty Thuận An DMC liên hệ trực tiếp (có file ghi âm), chị Y Hồng đã khóc vì biết chồng mình đã mất. Tuy nhiên do điều kiện ở xa, chị sẽ ở lại tiếp tục làm việc để kiếm tiền về nuôi con. Ngoài chị Y Hồng, chúng tôi cũng đã xác minh những lao động còn lại đều thường xuyên liên hệ với gia đình, công việc bên Ả Rập Xê Út rất tốt" - ông Vũ cho hay.

Còn ông Lê Đình Toàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thuận An DMC cho biết: "Sau khi có dư luận phản ảnh, công ty đã tích cực phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và địa phương có lao động đi xuất khẩu để làm rõ thông tin và đã có kết quả. Có thể khẳng định thông tin trên là bịa đặt, không chính xác, làm ảnh hưởng đến uy tín của chúng tôi. Công ty sẽ có đơn kiến nghị tới các cơ quan có liên quan đề nghị làm rõ".

Công tác xuất khẩu lao động giúp người dân thoát nghèo

Đánh giá về công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn, ông Trần Thế Vũ, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum cho biết, Kon Tum là một tỉnh nghèo, nhiều năm qua, công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Mỗi năm chỉ có khoảng vài chục lao động xuất cảnh. Năm 2019, có nhiều khởi sắc, đầu năm đến nay đã có khoảng 270 lao động xuất cảnh. Đây là tín hiệu đáng mừng cho địa phương nhằm giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo, tiến tới làm giàu.

Người lao động chuẩn bi xuất cảnh đi làm giúp việc gia đình tại Ả Rập Xê Út

Tuy nhiên, trong những ngày qua, thông tin phản ánh về việc một số lao động đi làm việc tại Ả Rập Xê Út mất liên lạc với gia đình khiến người dân hoang mang. Mặc dù chưa xác định rõ nguyên nhân, nhưng cá nhân tôi nhận định rất có thể do sự cạnh tranh không lành mạnh từ các công ty tuyển chọn người đi xuất khẩu lao động trên địa bàn tạo nên, gây mất uy tín cho đối thủ?.

Về quy trình lựa chọn doanh nghiệp đủ điều kiện được hoạt động tuyển chọn, đào tạo người đi xuất khẩu lao động trên địa bàn, ông Trần Thế Vũ cho hay: "Hiện trên địa bàn có vài công ty được tỉnh đồng ý cho hoạt động, tuyển chọn người đi xuất khẩu lao động. Trước khi cho phép các công ty hoạt động, sở cũng đã thành lập đoàn công tác do ông Trần Văn Thiện - Phó Giám đốc Sở làm trưởng đoàn đến từng công ty tìm hiểu cơ sở vật chất, cũng như giáo viên đào tạo tiếng. Riêng Công ty Thuận An DMC là đơn vị đưa nhiều lao động đi làm việc tại thị trường Ả Rập Xê Út mà dư luận đã phản ánh những ngày qua tham gia hoạt động tuyển dụng, đào tạo lao động trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2018. Tôi là người trực đến thăm cơ sở của công ty này có trụ sở tại Thanh Hóa cho thấy, cơ sở đào tạo của công ty rất tốt, đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có khoảng 270 lao động đang đi xuất khẩu lao động, riêng Công ty thuận An DMC chiếm hơn 100 lao động".

HOÀNG MINH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/so-lao-dong-thuong-binh-va-xa-hoi-kon-tum-len-tieng-vu-viec-mat-lien-lac-voi-lao-dong-xuat-khau-20191102152807606.htm