Sơ kết lễ hội xuân Mậu Tuất 2018: Nhiều thay đổi so với mùa trước

Tại Hội nghị Sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội xuân Mậu Tuất 2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, báo cáo của Cục Văn hóa cơ sở cho hay, năm nay công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở nhiều địa phương đã có sự đổi mới rõ rệt, giảm bớt và hạn chế những hiện tượng tiêu cực, phản cảm. Tuy nhiên, mới chỉ là giảm thôi chứ chưa chấm dứt được hoàn toàn, và cần phải có sự đồng thuận, vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp từ trung ương đến địa phương .

Lễ hội đền Sóc năm nay thay cướp hoa tre bằng tán lộc. Ảnh: Giang Nam

Báo cáo của Cục Văn hóa cơ sở do Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương trình bày cho biết, đối với một số lễ hội còn để xảy ra các hiện tượng vi phạm nếp sống văn minh trong lễ hội, Bộ Văn hóa , Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các đơn vị chức năng đề xuất giải pháp tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tập tục, làm việc trực tiếp với cơ sở và có những chỉ đạo kịp thời để điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc… Một số lễ hội đã không còn hiện tượng thiếu văn minh, phản cảm như lễ hội Đền Sóc (xã Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội) không còn hiện tượng tranh giành cướp lộc, hội làng Sơn Đồng (lễ hội Giằng Bông, xã Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội) rút ngắn thời gian giằng bông, không tổ chức trò chơi chọi gà nhằm loại bỏ hình thức cờ bạc trá hình, chọi gà ăn tiền như mọi năm, lễ hội đền Bà Chúa Kho vận động khách thập phương hạn chế đốt vàng mã, đồ mã, sau khi lễ thì gửi đồ mã tại kho của nhà đền, lễ hội khai ấn Đền Trần (phường Lộc Vượng, Nam Định) niêm yết giá vé trông giữ xe công khai theo quy định, lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý các vi phạm…

Một số lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ như lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) năm thứ ba không tổ chức chém lợn giữa sân đình, hội phết Đình Đông Lai (xã Bàn Giản, Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn, không có nội dung tổ chức cướp phết mà chỉ thực hành trình diễn nghi lễ…

Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương cũng cho biết, Bộ đã thành lập bốn đoàn kiểm tra công tác quản lý, chuẩn bị tổ chức hoạt động lễ hội trước tết Mậu Tuất 2018 tại bảy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 19 điểm di tích diễn ra lễ hội, và thành lập tám đoàn kiểm tra sau tết Đinh Dậu tại 17 tỉnh, thành phố với 70 điểm di tích diễn ra lễ hội.

Chen lấn, xô đẩy tại lễ hội Giằng Bông (Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: Lê Hiếu.

Tuy nhiên, trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội đầu xuân 2018, vẫn còn những hạn chế như hiện tượng chen lấn, xô đẩy, giành lộc tại các lễ hội Làm chay (đình Tân Xuân, Linh Phước tự, chùa Ông và chợ Tầm Vu – Châu Thành, An Giang), lễ hội Đúc Bụt (thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, Tam Dương, Vĩnh Phúc), hội phết Hiền Quan (xã Hiền Quan, Tam Nông, Phú Thọ), lễ hội Giằng Bông (xã Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội)… Nhiều nơi vẫn còn hiện tượng đốt đồ mã nhiều, một số nơi vẫn khai ấn, phát ấn không đugns với nguồn gốc lịch sử, hồ sơ của di tích, vẫn còn hiện tượng bày và đổi tiền lẻ, bán hàng rong, ăn xin, vệ sinh môi trưởng không bảo đảm, ùn tắc giao thông, đặt tiền giọt dầu, thu gom tiền công đức tại một số di tích chưa kịp thời…

Theo Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, trong thời gian tới, ngoài một số giải pháp như đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quản lý và tổ chức lễ hội, tiếp tục các giải pháp quản lý chặt chẽ hoạt động lễ hội, giảm tần suất tổ chức lễ hội, hạn chế phục dựng những lễ hội có tập tục không phù hợp vơi thuần phong mỹ tục Việt Nam, tích cực tuyên truyền, vận động người dân, tăng cường thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau lễ hội…, một số lễ hội còn để xảy ra tình trạng bạo lực, phản cảm như lễ hội chọi trâu Hải Lựu, lễ hội chọi trâu Phù Ninh, lễ hội cướp phết Hiền Quan… phải xây dựng đề án tổ chức, các phương án bảo đảm an ninh, an toàn… thì sẽ cho tạm dừng, không tiếp tục tổ chức nữa.

TUYẾT LOAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/36152002-so-ket-le-hoi-xuan-mau-tuat-2018-nhieu-thay-doi-so-voi-mua-truoc.html