Sơ kết giữa kỳ thực hiện Đề án Cộng đồng VH-XH ASEAN

Đã có 9/12 bộ, ngành, 54/63 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch hành động giai đoạn 2016-2020 thực hiện Đề án xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - xã hội (VH-XH) ASEAN đến năm 2025.

Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/Minh Trang

Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/Minh Trang

Ngày 23/7, tại TP. Đà Nẵng, Bộ LĐTB&XH tổ chức Hội nghị sơ kết giữa kỳ việc thực hiện Đề án xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng VH-XH ASEAN đến năm 2025 khu vực miền Trung.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp, Bộ đã phối hợp cùng các bộ, ngành thuộc trụ cột Cộng đồng VH-XH ASEAN tại Việt Nam đã đệ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng VH-XH ASEAN đến năm 2025.

Đề án hướng tới “Thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả ở cấp quốc gia các mục tiêu của Cộng đồng VH-XH ASEAN đến năm 2025 nhằm đạt được các mục tiêu khu vực về xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội”.

Theo đó, Đề án giao các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Kế hoạch hành động để triển khai nội dung của Đề án theo giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025 cũng như nâng cao nhận thức và năng lực cho các cơ quan, tổ chức và người dân về Cộng đồng ASEAN.

Theo thông tin cập nhật của Bộ đến ngày 5/2/2018, đã có 9/12 bộ, ngành trực thuộc Cộng đồng VH-XH ASEAN tại Việt Nam và 54/63 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch hành động giai đoạn 2016-2020 thực hiện Đề án, hiện có 33/63 tỉnh thành báo cáo về tiến độ ban hành và thực hiện.

Bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐTB&XH), cho biết qua báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, việc thực hiện Đề án đã đạt được một số kết quả như: Các hoạt động hướng tới mục tiêu gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân được gắn chặt với việc nâng cao năng lực thể chế, kiện toàn cơ cấu tổ chức và cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Ví dụ như Lạng Sơn đã triển khai nâng cấp phần mềm một cửa liên thông điện tử tại 13 cơ quan, tạo thuận lợi trong công tác quản lý hồ sơ, tiếp nhận và trả kết quả cho người dân và doanh nghiệp; Khánh Hòa hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến; Phú Thọ thúc đẩy việc kiểm tra giảm nghèo và thực hiện chi trả bảo trợ xã hội qua hệ thống bưu điện...

Các mô hình tốt tạo thuận lợi và gắn kết xã hội cho người dân được triển khai như mô hình xe vận chuyển miễn phí, bếp ăn từ thiện phục vụ người nghèo, mô hình tình nguyện của các đoàn thể xuống tận cơ sở giúp đỡ trực tiếp cho người dân được tổ chức tại Ninh Thuận cũng là một trong những điển hình được báo cáo.

Các hoạt động hướng tới mục tiêu hòa nhập tập trung vào việc tăng cường, mở rộng và thực hiện chính sách về an sinh xã hội, lao động, việc làm, các chính sách về y tế, giáo dục, trợ giúp đột xuất, hỗ trợ cho người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và các nhóm yếu thế khác, thúc đẩy bình đẳng giới. Những kết quả cụ thể cho thấy tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ngày càng tăng (Lạng Sơn: 94,4%, Phú Thọ: 86,35%, Thừa Thiên Huế 93%, Đà Nẵng 93,7%); xã hội hóa các hoạt động cung cấp dịch vụ y tế được đẩy mạnh, mức trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội được tăng lên. Công tác bình đẳng giới, chăm sóc trẻ em cũng được đề cập trong nhiều báo cáo từ địa phương. Nhiều tỉnh đã thúc đẩy xã hội học tập, gia đình học thập, thúc đẩy giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật...

Song bà Hà Thị Minh Đức cũng nêu lên một số khó khăn như: Đây là đề án mới và đề án hội nhập khu vực lần đầu tiên được ban hành trên toàn quốc, do đó, việc xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động của các bộ, ngành, địa phương còn có độ trễ.

Ngoài ra, mục tiêu của Kế hoạch chưa được cụ thể hóa bằng những chỉ tiêu cụ thể, nên khó đánh giá việc đạt được các mục tiêu. Nội dung thông tin về mục tiêu cộng đồng chưa nhiều, những nghiên cứu, phân tích, đánh giá về chuyên đề này còn ít và rải rác, chưa thành hệ thống, trong khi nhu cầu tìm hiểu về lợi ích của hợp tác ASEAN và ý nghĩa mà cộng đồng ASEAN mang lại ngày càng tăng lên. Bên cạnh đó, năng lực của các bên liên quan, đặc biệt là năng lực hội nhập của cán bộ đầu mối ở các cấp chưa đáp ứng được yêu cầu.

Để tiếp tục phát huy và thực hiện hiệu quả hơn nữa việc xây dựng các mục tiêu của cộng đồng, Bộ LĐTB&XH đề nghị các bộ, ngành và địa phương chưa xây dựng xong Kế hoạch thì cần khẩn trương hoàn chỉnh Kế hoạch thực hiện Đề án 161.

Các bộ, ngành thuộc trụ cột VH-XH cần có thông tin kịp thời, thường xuyên và đưa vào các định hướng ở các chiến lược, chương trình, dự án quốc gia, địa phương những hoạt động chủ đạo, có tầm chiến lược giúp cho các tỉnh thực hiện hiệu quả những mục tiêu cụ thể của cộng đồng.

Đối với các cơ quan, địa phương đã ban hành Kế hoạch, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các mục tiêu của cộng đồng qua các kênh khác nhau nhằm nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để gắn kết hoạt động hội nhập với những ưu tiên trên các mặt VH-XH của địa phương. Nâng cao năng lực, thúc đẩy việc phổ cập học ngoại ngữ ở tất cả tầng lớp; tăng cường công tác giáo dục đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng giáo dục chính trị tư tưởng cho nguồn nhân lực...

Minh Trang

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/viet-nam-asean/so-ket-giua-ky-thuc-hien-de-an-cong-dong-vhxh-asean/342020.vgp