Sỡ hữu nhà cổ, người dân khổ sở trăm bề khi sửa chữa

Nhiều biệt thự cổ ở TP.HCM đã xuống cấp trầm trọng, chờ sập nhưng không được chính quyền cho phép cải tạo. Không ít người đang sống trong cảnh tính mạng bị đe dọa.

Vừa qua, dư luận xôn xao về căn biệt thự cổ được xây dựng từ thời Pháp (năm 1920) tại địa chỉ 237 Nơ Trang Long (phường 11, quận Bình Thạnh, TP.HCM) được chủ nhà tháo dỡ vì lý do xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng. Sau đó, cơ quan chức năng đã ngăn chặn việc tháo dỡ này.

Những ngôi biệt thự cổ chờ sập.

Bà Lê Thị Kim Oanh (trú thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) là chủ sở hữu hợp pháp biệt thự trên cho biết, tháng 11/2015, bà làm đơn xin sửa chữa, cải tạo căn biệt thự. Bởi nhà xuống cấp nghiêm trọng, bị dột nát, không còn chỗ để trú. Nguy hiểm hơn, các mái ngói, cột kèo có thể rớt xuống bất cứ lúc nào.

Nhưng đã hơn 1 năm trôi qua, các cấp chính quyền từ cấp quận đến thành phố vẫn chưa đồng ý cho phép gia đình bà sửa chữa, cải tạo với lý do là biệt thự cổ cần được duy tu, bảo dưỡng.

Căn nhà cổ này thuộc quyền sở hữu của bà Oanh được Sở TN&MT TPHCM cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở vào tháng 10/2015. Diện tích căn biệt thự này được công nhận hơn 443m2.

Tuy nhiên, việt thự này chưa được xếp vào bất cứ danh sách những công trình đã được quy hoạch để bảo tồn của thành phố. Nhưng, chủ sở hữu không thể thực hiện quyền tự quyết với tài sản này của mình chỉ vì lý do là biệt thự cổ.

Bà Oanh bức xúc, nếu thành phố xác định biệt thự nêu trên là nhà cổ thì tại sao suốt thời gian qua không một tổ chức, các nhân nào hỗ trợ kinh phí để trùng tu, sửa chữa cùng chủ nhà? Chỉ đến lúc gia đình cần tháo dỡ để sửa chữa thì chính quyền lại ngăn cản.

"Biệt thự tại địa điểm 237 Nơ Trang Long, phường 11, quận Bình Thạnh, TP.HCM được nhận xét, đề xuất là biệt thự nhóm 1".

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Minh Trí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng phân loại biệt thự TP.HCM, cho biết: “Biệt thự tại địa điểm 237 Nơ Trang Long được nhận xét, đề xuất là biệt thự nhóm 1. Cơ quan chức năng đang tổng hợp hồ sơ, chuyển đến hội đồng phân loại biệt thự và trình lên UBND TP quyết định".

Trước câu hỏi căn cứ vào đâu để phân loại biệt thự nhóm một, ông Trí phân tích: Tại thông tư 38/2009 của Bộ Xây dựng (nay được thay bằng Thông tư 19/2016 của Bộ Xây dựng) quy định: “Biệt thự nhóm 1 là những nhà biệt thự gắn với di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc do các cơ quan có thẩm quyền về xây dựng – kiến trúc và văn hóa cấp tỉnh phối hợp xác định, lập danh sách và trình UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt”.

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Tấn Thanh - Văn phòng Luật sư Tấn Thanh – Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng: Hiện tại, biệt thự tại địa chỉ 237 Nơ Trang Long, phường 11, quận Bình Thạnh, TP.HCM chưa được bất kỳ một cơ quan có thẩm quyền nào công nhận đó là công trình di sản văn hóa theo Luật di sản văn hóa.

Cho nên việc chủ sở hữu của căn biệt thự đã có thủ tục đăng ký xây dựng, sửa chữa, cải tạo lại công trình thì cơ quan có thẩm quyền phải xem xét giải quyết.

Cũng theo luật sư Thanh, để tránh tình trạng tính mạng con người bị đe dọa, việc tháo gỡ phần sụp đổ và nguy cơ sụp đổ là cấn thiết.

Đức Mỹ

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/so-huu-nha-co-nguoi-dan-kho-so-tram-be-khi-sua-chua-a307044.html