Sở hữu mỏ khí khủng, Ankara cạnh tranh với Moscow?

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố phát hiện mỏ khí đốt khổng lồ trên thế giới, đủ sức cạnh tranh với Nga.

Hôm 21/8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố nước này đã phát hiện một giếng khí đốt khổng lồ. Mỏ khí đốt với trữ lượng lên đến 320 tỉ m3 mới phát hiện ở Biển Đen sẽ “là sự kiện có tính chuyển đổi” với năng lực đáp ứng nhu cầu khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh nước này từ trước tới nay luôn phải dựa vào nguồn năng lượng nhập khẩu.

Tàu Fatih thực hiện hoạt động khoan thăm dò ở lô Tuna-1 phía tây Biển Đen hồi tháng trước. Ảnh: AP

Tàu Fatih thực hiện hoạt động khoan thăm dò ở lô Tuna-1 phía tây Biển Đen hồi tháng trước. Ảnh: AP

Năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ phải bỏ ra 41 tỉ USD để nhập khẩu năng lượng đáp ứng nhu cầu trong nước. Nhưng mới đây, sau khi công bố đã thăm dò được mỏ khí đốt lớn "chưa từng thấy", ông Erdogan nói rằng, Ankara hướng đến mục tiêu bắt đầu khai thác thương mại khí đốt từ mỏ mới vào năm 2023.

Hoạt động thăm dò mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ ở Biển Đen được thực hiện sau khi Ai Cập và Cyprus phát hiện trữ lượng lớn về khí đốt ở đông Địa Trung Hải. Nó chứng tỏ Biển Đen là vùng có tiềm năng sau một số giếng khoan thăm dò cho kết quả không như ý ở Bulgaria.

Ankara đã thẳng thừng bác bỏ các chủ quyền trên biển của các quốc gia láng giềng, đồng thời thúc đẩy tiến hành việc thăm dò trên các khu vực biển tranh chấp với Hy Lạp và Cyprus.

Cùng với đó, Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường hoạt động ở Libya, động thái được đánh giá là nhằm biến đổi Đông Địa Trung Hải thành một trung tâm năng lượng lớn.

Tàu khoan Oruç Reis của Thổ Nhĩ Kỳ được đẩy ra Địa Trung Hải thực hiện thăm dò khí đốt ngày 10/8 ở vùng tranh chấp với Hy Lạp.

Vào tháng 11/2019, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận với GNA về các khu vực tài phán trên biển Địa Trung Hải, điều này đã thay đổi cơ bản ranh giới của các vùng đặc quyền kinh tế ở phía Đông Địa Trung Hải, cho thấy ý định của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc ngăn chặn bất kỳ dự án xuất khẩu năng lượng nào sang châu Âu mà không có sự đồng ý của nước này.

Thỏa thuận năm 2019 thiết lập 18,6 hải lý thềm lục địa và đường ranh giới Vùng Đặc quyền Kinh tế giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Libya.

Giới phân tích nhận định, phát hiện mới giúp Thổ Nhĩ Kỳ có quyền thay đổi cuộc chơi về nhập khẩu năng lượng.

Chuyên gia Murray Douglas, Giám đốc phụ trách mảng khí đốt châu Âu tại Wood Mackenzie bình luận: “Mỏ khí đốt mới được tìm thấy sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ có thế đứng mới trong đàm phán hợp đồng với các nhà cung ứng trong thời gian tới, nhất là với Nga, Azerbaijan và Iran”.

Vị này cho rằng, Ankara cũng sẽ không còn phải trông đợi, phụ thuộc nhiều vào Mỹ về nguồn cung khí đốt trong tương lai.

Tuy nhiên, cần chú ý, Nga là nhà cung cấp lớn về năng lượng cho Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh bán khí đốt cho Ankara thông qua đường ống đặt dưới đáy Biển Đen, Nga còn tạo điều kiện để Ankara sử dụng các đường ống nối tiếp để bán khí đốt qua các nước Đông Nam Âu. Việc này biến Ankara như một đối tác trung chuyển khí đốt quan trọng, giảm tải áp lực nhập khẩu năng lượng từ Nga, vốn đã được hưởng rất nhiều ưu ái.

Với mỏ khí đốt mới, được Tổng thống Erdogan tuyên bố sẽ đi vào khai thác từ năm 2023, chưa rõ Ankara sẽ gạt hợp đồng mua khí đốt Nga sang một bên hay không. Nếu việc khai thác đáp ứng được nhu cầu trong nước về khí đốt, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẵn sàng cho mục tiêu xuất khẩu khí đốt, thậm chí có thể đủ sức cạnh tranh với Nga.

Theo “Chiến lược năng lượng của Nga đến năm 2035”, nước này vẫn tiếp tục tăng cường đầu tư cho năng lượng, lên tới 200% trong giai đoạn 2018-2035.

Khả năng xuất khẩu khí đốt của Nga lên tới 40% sản lượng khai thác, chiếm vị trí thứ nhất (hoặc thứ hai) trong xuất khẩu khí đốt. Trong khi đó, khả năng xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga đang và sẽ tăng lên rất nhanh. Sản lượng LNG của Nga sẽ tăng đột biến 7,4 lần, từ 19 triệu tấn/năm (2018) lên tới 140 triệu tấn/năm (2035).

Trong tương lai, không loại trừ khả năng Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một đối thủ đáng gờm của Nga trong lĩnh vực xuất khẩu khí đốt.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/so-huu-mo-khi-khung-ankara-canh-tranh-voi-moscow-3417745/